Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Có điều kiện tìm hiểu nền công nghệ điện ảnh truyền hình Hàn Quốc, họa sĩ – giảng viên Thiết kế Mỹ thuật Điện ảnh và Truyền hình Đỗ Lệnh Hùng Tú đã có một cuộc trò chuyện thú vị:
Họa sĩ – giảng viên Thiết kế Mỹ thuật Điện ảnh và Truyền hình Đỗ Lệnh Hùng Tú
· -Thưa ông, điều gì làm ông ấn tượng nhất trong chuyến tu nghiệp này?
- Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú:Công nghệ thể hiện sân khấu - truyền hình của bạn mang tính chuyên nghiệp khá cao. Bằng chiến lược mang tầm Quốc gia, nước bạn đã tiếp thu được các công nghệ tiên tiến trên thế giới trong việc chế tạo ra những bối cảnh (nội – ngoại cảnh trong trường quay) vừa thỏa mãn hiệu quả thị giác (tức là làm giả như thật) vừa rẻ tiền...
Người Hàn Quốc rất thức thời, muốn trở thành con rồng điện ảnh, họ cử một loạt các nghệ sĩ, các chuyên gia làm nghề ra nước ngoài học tập: Mỹ (Hollywood), Pháp, Ý… để trực tiếp tiếp cận công nghệ tiên tiến từ kịch bản, quay phim, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, âm thanh, kỹ xảo... Đặc biệt, trong lĩnh vực truyền hình họ học cả công nghệ sản xuất chương trình, nghệ thuật dàn dựng, lẫn chuyển giao máy móc thiết bị…nhờ thế mà trong một thời gian không lâu họ phát triển rất tốt.
Xin lấy thí dụ, nếu như ở ta, muốn làm giả để quay phim một bối cảnh ngôi nhà bằng gỗ làm sao cho giống thật, có thể phải tốn 5 đến 7 triệu đồng, thì họ chỉ tốn chưa đến một nửa, nhưng hiệu quả lại như thật. Đó chính là nhiệm vụ của đội ngũ các họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh, truyền hình: từ người thiết kế đến các chuyên viên dàn dựng cảnh. Mục đích làm giả để tái tạo được bất cứ những đối tượng cảnh quay nào và rẻ tiền, chứ không phải làm giả để “đắt hơn” thí còn nói làm gì, đó là chưa bàn tới chất liệu làm giả, trình độ làm giả…nhiều khi còn hạn chế.
Thí dụ khác, khi thiết kế đạo cụ cho một bối cảnh thuộc thời hiện tại, họa sĩ thiết kế có thể sưu tầm, download hình ảnh của một món đồ nào đó từ trên mạng xuống, để đưa vào phác thảo (market) của họ. Sau khi bàn bạc, thống nhất với đạo diễn, thì bộ phận tiếp thị của Hãng phim sẽ đến tận nhà sản xuất để vận động họ tài trợ cho bộ phim. Như vậy, món đồ đó đương nhiên được quảng cáo ngay trong phim. Có nhiều nhà tài trợ đã tặng luôn sản phẩm đó cho đoàn phim để làm kỷ niệm sau khi quay xong, và món đồ đó lại được đánh số, nhập kho để có thể dùng cho một bộ phim khác.
Sự chuyên môn hóa công việc đến mức trong trường quay không một tiếng động, ba máy quay một lúc và không có chuyện nhắc thoại nhân vật cho diễn viên thủ vai. Vào cảnh quay, từ vai lớn đến nhỏ - người “hóa thân” đều phải thuộc kịch bản. Khi diễn, trên hiện trường tuyệt đối im lặng, chỉ có tiếng nói của diễn viên. Ngay cả đạo diễn tại hiện trường cũng chỉ đạo bằng tay. Tất cả tín hiệu hình ảnh, âm thanh được ghi sẽ đi thẳng tới phòng điều khiển cách âm với trường quay.
Tổng Đạo diễn, Giám đốc Thiết kế mỹ thuật (họa sĩ), Giám đốc hình ảnh (quay phim), nhà Dựng phim, các chuyên gia phụ trách Âm thanh, Ánh sáng đều ngồi trước hệ thống màn hình liên hoàn. Trước mắt mỗi vị là tín hiệu hình của 3 máy quay truyền về từ trường quay và âm thanh thu trực tiếp (được nghe bằng thiết bị tai nghe).
Trong phòng điều khiển, Tổng Đạo diễn chỉ cần ra hiệu bằng tay, là người dựng phim sẽ hiểu phải lấy hình từ máy số mấy vào băng thành phẩm. Khi hiện trường quay xong, thì tại phòng điều khiển có thể rút băng ra, và đến 80% công việc được hoàn thành. Trong trường quay, giả xử khi đang quay giữa chừng mà diễn viên nói nhịu, sai thoại… máy sẽ lập tức dừng để vá chỗ hỏng. Do đó, diễn viên chỉ cần diễn ngay lại chỗ bị sai, không cần phải diễn lại từ đầu. Sau khi quay xong, chỉ cần chỉnh sửa màu sắc chỗ này chỗ kia cho hài hòa, chen vào một vài đoạn ngoại cảnh, nên chỉ một ngày rưỡi đến hai ngày là xong một tập phim hoàn chỉnh.
Phim trường ở Hàn Quốc
· - Quy mô của họ đạt đến trình độ nào thưa ông?
-Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú: Ở Hàn Quốc có 2 đài truyền hình lớn nhất là đài truyền hình KBS (là Truyền hình Quốc gia giống như VTV của mình) và đài truyền hình SBS (là đài truyền hình thủ đô Seoul - giống như Đài truyền hình Hà nội hoặc TP. Hồ Chí Minh (HTV), hầu như chi phối toàn bộ hoạt động truyền hình của Hàn Quốc.
Hệ thống cụm liên trường quay cho phép sản xuất trong cùng thời điểm rất nhiều bối cảnh, nhiều chương trình như: Chào buổi sáng, Đấu trường 100, Talk show phỏng vấn, Nấu ăn, các Trò chơi giải trí, các Cuộc thi... Hai hệ thống trường quay lớn nhất của SBS tập trung làm bối cảnh cho phim truyện truyền hình hoặc hoạt cảnh sân khấu. Nước bạn tận dụng tối đa công suất trường quay, cứ đoàn này ra, đoàn kia vào 24/24, họ chia công nghệ lao động trong trường quay ra làm ba ca, cứ một ca nghỉ thì hai ca làm xoay tua. Trong một trường quay có thể dựng ba bối cảnh cho ba phim khác nhau, cùng một lúc có thể quay phim này góc này, phim kia góc kia.
Phim trường lý tưởng tối thiểu rộng vài chục hecta và có địa hình địa thế phong phú. Cách Seoul 200km có một không gian bối cảnh nổi tiếng là trường quay Bujong - nơi từng được dàn dựng để quay phim Nàng Dae Jang Geum (Nàng Đa Chang Kưm). Ở đây có: ao, hồ, sông, suối, thành quách, chợ búa, nhà dân… đủ các kiểu trong một quần thể liên hoàn. Phục vụ quay xong, nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch.
Có trường quay, người làm phim chủ động được ánh sáng, tiến độ. Ở ta, do thiếu hoặc không có trường quay, nên cả nước từ ngoại cảnh đến nhà dân đều bất đắc dĩ phải biến thành trường quay của điện ảnh – truyền hình. Thử tưởng tượng và so sánh: một cái nhà của trường quay của họ chỉ có ba mặt tường, mặt thứ tư có thể tháo ra, ráp lại bất kể lúc nào để máy quay phim có thể tiến lùi một cách tự do. Còn ở ta, do bối cảnh mượn phụ thuộc vào cấu trúc nhà có sẵn, nên không thể lùi máy hay tiến máy theo ý muốn. Đó là chưa kể đồ đạc trong nhà dân, nhiều khi không phù hợp với phim nên phải khênh vác, kê dọn, xê dịch...làm hư hỏng phải đền!
Trường quay thực sự lý tưởng nói chung cần thoáng rộng, nhưng ăn thua ở địa hình phong phú, có sông suối, có đèo núi, có cả đồng bằng, có nơi có thể dựng được nhà cửa thành quách… đó chính là những trường quay. Đường đến trường quay cũng rất quan trọng, cần tiện đường xe cộ, để thuận tiện vận chuyển các máy móc, thiết bị.
Trường quay không chỉ phục vụ cho một phim đặc biệt nào mà còn trở thành điểm tham quan của khách du lịch vì khi một bộ phim nổi tiếng khán giả sẽ tò mò muốn đến để xem xem phim đó được quay như thế nào.
Khi một đoàn phim khác có bối cảnh tương tự, phù hợp với năm tháng lịch sử thì có thể đến trường quay đó để thuê lại với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Những bối cảnh quay xong rồi giỡ bỏ ngay thì người ta dựng bằng những vật liệu nhẹ và những vật liệu rẻ tiền, còn những bối cảnh cầu kỳ thì người ta dựng bằng chất liệu bền có cốt bên trong bằng gỗ nhưng đắp nhựa bên ngoài để chịu được mưa nắng, có các loại nhựa dẻo, nhựa cứng, nhựa tổng hợp được khéo léo ốp lên trông vẫn tưởng là thành quách bằng gạch nhưng thực ra là bằng nhựa.
Người ta có thể làm một con nghê nặng khoảng 200g bằng mốp rồi phun nhựa lên, trông vẫn giống như con nghê bằng đá nặng cả tấn. Những bức phù điêu chỉ làm vài phút trông rất cầu kỳ, công phu nhưng thực ra chỉ làm bằng khuôn cao su phun nhựa lên, họ còn phun màu rêu phong trông như phù điêu cổ, mà mới thoạt nhìn có thể nghĩ chắc họ phải gia công mất cả tháng.
Tóm lại công nghệ làm giả của họ đến mức độ chuyên nghiệp hóa, thậm chí họ có những xưởng chuyên sản xuất nguyên vật liệu giành cho điện ảnh.
Từ sơn, giấy dán tường bóc ra cũng dễ mà dán vào cũng dễ, chỉ cần một tiếng hay nửa tiếng người ta có thể thay thế phòng này thành một phòng khác, sàn nhà cũng chỉ cần nửa tiếng là có thể thay được mấy chục mét vuông bằng một loại gạch hoa khác được làm bằng các loại nhựa, các loại thảm cắt sẵn thành từng ô vuông chỉ cần dùng băng keo hai mặt dán lên là xong. Các loại kính để đóng phim hình sự, chỉ cần đấm một cái là vỡ tan ra từng mảnh. Loại kính tự hoại vừa không gây sát thương cho diễn viên vừa bung ra rất đẹp trong khuôn hình. Băng tuyết treo trên hiên của các tòa nhà được làm bằng nhựa trong nhìn y như thật.
-Trông mình lại nghĩ đến ta, chắc ông cũng có nhiều điều trăn trở với nền điện ảnh nước nhà ?
- Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú: Thực ra thì đội ngũ thiết kế mỹ thuật Việt Nam rất thông minh, rất giỏi. Trong hoàn cảnh khó khăn, mình vẫn biết tự chế biến ra nhiều thứ. Ít người phát hiện được rừng hoa đào giả và một rừng cải giả trong phim “Chuyện Của Pao”. Trong đầu những năm 90 thế kỷ trước, ít ai phát hiện ra tòa nhà giả được dựng ngay đầu đường Hải Thượng Lãn Ông dùng cho cảnh quay phim “Xích Lô” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng,
-Theo ông khoảng bao lâu nữa ngành điện ảnh Việt Nam mới theo kịp thế giới?
-Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú: Chẳng ai có thể trả lời được câu hỏi này kể cả quản lý ngành cao nhất. Thực tế phim Việt Nam chưa xuất khẩu được, trong các hội chợ, phim của ta chỉ mang tính tham khảo. Chi phí cho một bộ phim của ta hiện có khi không bằng tiền cát sê và bảo hiểm các loại cho một diễn viên nổi tiếng nước ngoài. Nếu giả xử, cứ tính trung bình kinh phí để sản xuất một bộ phim nhựa Việt Nam tốn khoảng 5,6 tỷ VN đồng quy đổi ra ngoại tệ mỹ kim là bao nhiêu? Trong khi đó chi phí cho sản xuất và quảng cáo Titanic là 300 triệu đô la, dân trong ngành nói vui với nhau là bằng số tiền ấy có thể làm được số phim bằng tổng chiều dài điện ảnh Việt Nam đang có cộng với số phim Việt Nam sẽ làm tới năm 3000 !?
Phim của người ta ngay từ khi còn trên giấy đã ký được hợp đồng bán cho nước này nước kia, thậm chí bán cho toàn thế giới, phim của mình không đạt tiêu chuẩn cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật thì bán cho ai? Sự nghiệp dư hóa len lỏi đến từng bộ phận chính vì thế làm chất lượng đi xuống. Đây là lỗi của cả hệ thống chứ không riêng gì ngành maketing, phim của mình quay có đẹp không? chất lượng kỹ thuật có đáp ứng không? Câu chuyện có hấp dẫn để người ta mua không? chất lượng quảng bá giới thiệu như thế nào?…
Nếu bạn đã xem phim “Mùi Đu Đủ Xanh” của đạo diễn việt kiều Pháp Trần Anh Hùng bạn sẽ thấy từng hạt nước trong veo, từng lớp lông tơ của cái lá là vì bộ phim ấy là của Pháp trả tiền, quay tại trường quay Pháp, được trau chuốt từng khuôn hình một, mình có đủ sức làm được như thế không? Xin thưa, không cần vọng ngoại, trình độ, năng lực đội ngũ làm phim của ta thừa sức làm được những điều mong muốn, nhưng trên thực tế, những người làm phim Việt Nam luôn phải gặp biết bao khó khăn thường nhật.
Chỉ một ví dụ nhỏ thôi, giả xử muốn tạo hình một đôi tình nhân ngồi bên nhau trong đêm dưới gốc một cây tùng, một cây liễu: tượng trưng đúng như tính cách hai nhân vật. Thế nhưng, đoàn phim chỉ có vài cây đèn không đủ chiếu vào nhân vật và cảnh trí xung quanh. Muốn quay được toàn cảnh, thì cần ít nhất khoảng 30 cây đèn. Ôi, riêng tiền chiếu sáng sẽ phải đội lên vài chục triệu, ai dám phụ ra kinh phí để trả cho khoản này? Thôi, “đành lòng vậy, cầm lòng vậy” mà quay.
- Cám ơn ông về những chia sẻ rất chân tình !
Với mục đích chuẩn hóa đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình chuyên nghiệp tại Việt Nam, Công ty truyền thông Trí Việt (TVM) đã liên kết với Học viện truyền thông thuộc Đài truyền hình thủ đô Seoul (SBS Academy), tổ chức tại Hàn Quốc khóa học huấn luyện quy trình làm phim truyện và các chương trình truyền hình cho những chuyên gia Việt Nam gồm nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực làm nghề và đào tạo điện ảnh truyền hình. Các chuyên ngành được chọn đưa đi huấn luyện bao gồm: Nghề kịch bản phim truyện truyền hình; Nghề kịch bản các chương trình truyền hình; Đạo diễn các chương trình truyền hình…; chuyên ngành của Việt Nam sang Hàn Quốc để tìm hiểu công nghệ Hàn Quốc, học hỏi những cái hay, điều chỉnh sao cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện Việt Nam để soạn thảo hoàn chỉnh từng bộ giáo trình cho từng ngành đào tạo. Nhiều chuyên ngành được cử sang Hàn Quốc gồm: ngành viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập (drama), chuyên ngành viết kịch bản phim tài liệu phim phóng sự truyền hình; kịch bản các chương trình truyền hình giải trí (game show, talk show…) ; chuyên ngành thiết kế đồ họa; ngành quay phim; ngành đạo diễn truyền hình; chuyên ngành quản lý sản xuất (production manager); chuyên ngành dựng phim; ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu - truyền hình…