Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son - Ảnh: TL
Trả lời câu hỏi về việc tỉnh Quảng Ninh quảng bá: Người dân sẽ được sử dụng wifi miễn phí, nhưng thực tế người dân chỉ truy cập được một vài trang thông tin của địa phương, nếu muốn truy cập các trang khác thì phải mất phí như bình thường, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, mạng wifi này được xây dựng trên cơ sở bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), để phục vụ Lễ hội festival Hạ Long năm 2012 đến nay. Trong bản ghi nhớ đã nêu rất rõ, người dân được truy cập miễn phí một số trang như trang thông tin của các địa phương trong tỉnh và của UBND tỉnh, nhằm giúp người dân có điều kiện tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là giúp du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh có điều kiện tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Còn những dịch vụ giá trị gia tăng khác như xem truyền hình trên internet hoặc chơi trò chơi trực tuyến, tham gia các trang mạng khác… thì người truy cập đều phải nộp lệ phí.
Tuy vậy, với cương vị quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ chỉ đạo trực tiếp cho đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh đang cung cấp dịch vụ wifi miễn phí hiện nay, kịp thời thông báo cho người dân một cách minh bạch, rõ ràng những dịch vụ gì trong mạng wifi này được miễn phí, dịch vụ gì không được miễn phí để người dân biết và quyết định sử dụng mạng wifi này như thế nào.
Trước thông tin phản ánh về việc một số trang báo mạng đưa tin giật gân, câu khách, đăng hình hở hang, quảng cáo các game bạo lực không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, thời gian vừa qua, các hoạt động của báo chí, trang mạng xã hội cũng đã mang lại nhiều thông tin rất tốt cho người dân. Bên cạnh đó, cũng có một số cơ quan báo chí, một số trang mạng đã vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, vi phạm các quy định của Luật Báo chí.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra. Từ năm 2011 đến nay Bộ đã xử phạt 62 lượt cơ quan báo mạng có những vi phạm như trên; đình chỉ có thời hạn 2 tờ báo mạng, khiển trách 4 tổng biên tập và thu 2 thẻ nhà báo, đình chỉ công tác một số biên tập viên và thư ký tòa soạn, để góp phần chấn chỉnh hoạt động báo chí. Năm 2013 vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quy định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản. Tất cả các quy định đó đã góp phần làm cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí xuất bản đi vào nền nếp. Tuy vậy, để công tác quản lý được tốt, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp các ngành, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người sử dụng Internet, đặc biệt là lớp trẻ, giúp họ có điều kiện phân biệt rõ đúng, sai, thông tin tốt, xấu để bảo vệ mình và lựa chọn được những thông tin tốt phục vụ sự phát triển của cá nhân, cũng như sự phát triển của xã hội.
Về việc một số báo mạng thông tin sự việc không khách quan, không đúng sự thật, nhưng không có phản hồi, đính chính, không coi trọng ý kiến người dân, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, đây là hành vi không thể chấp nhận được bởi đã vi phạm những quy định rất cơ bản của hoạt động báo chí. Luật Báo chí bổ sung và sửa đổi năm 1999 trong điều 6, 9, 10 và 28 đã ghi rất rõ quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của báo chí, của nhà báo. Đó là phải đưa tin trung thực về tình hình đất nước, tình hình quốc tế trên báo và không được đưa các thông tin sai trái, đặc biệt là các thông tin xúc phạm danh dự của tố chức, nhân phẩm của công dân và khi đã đưa thông tin sai trái thì phải xin lỗi, đính chính kịp thời. Những thông tin đó nếu ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải đền bù thiệt hại theo luật định. Luật Báo chí đã nêu rất rõ những chế tài để các tổ chức, doanh nghiệp cũng như người dân có căn cứ bảo vệ mình và kiến nghị đến cơ quan nhà nước các cấp khi những quyền lợi hợp pháp đó bị xâm hại. Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng phối hợp để xử lý kịp thời những sai phạm trên.
Về quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí, Bộ trưởng nêu rõ: Doanh nghiệp có vai trò xung kích trên thương trường, còn nhà báo là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí là mối quan hệ cộng sinh vì sự phát triển của đất nước.
Hiện cả nước đang có đội ngũ báo chí, đội ngũ nhà báo rất lớn với 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh truyền hình với gần 200 kênh phát thanh, truyền hình đang hoạt động và có gần một chục kênh truyền hình nước ngoài đang hoạt động, tác nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống báo mạng cũng phát triển rất mạnh mẽ và đang trở thành loại hình báo chí chủ lực trong tương lai. Quy mô này của hệ thống báo chí đã khiến các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cả người dân lên tiếng cảnh báo: Việt Nam đang có sự lãng phí về nguồn lực trong hoạt động báo chí; nhiều tờ báo na ná giống nhau cả về nội dung, tôn chỉ mục đích làm giảm đi tính bản sắc của tờ báo. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ về số lượng cơ quan báo chí đã dẫn đến sự cạnh tranh về thông tin, vì muốn đưa thông tin nhanh dẫn đến có những thông tin chưa được kiểm tra, kiểm chứng, sai sự thật, phản cảm, câu khách… đã được đưa lên mặt báo, gây nên sự bức xúc trong xã hội, làm giảm đi tính định hướng, tính giáo dục của báo chí Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc quy hoạch để có một hệ thống báo chí phát triển mạnh mẽ trong tương lai là việc làm rất cần thiết. Việc quy hoạch không chỉ để làm giảm số lượng cơ quan báo chí mà quan trọng hơn là đưa ra được hành lang pháp lý, chính sách để xây dựng được hệ thống báo chí đủ về số lượng, hợp lý về số lượng, với chất lượng ngày càng được nâng lên, với đội ngũ nhà báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp và đặc biệt là chấp hành kỷ cương trong hoạt động báo chí theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước.
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 sắp đến, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son gửi tới đội ngũ những người làm báo cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc các nhà báo không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.