Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh- Nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định đánh giá tác động môi trường - Tổng Cục môi trường, hiện là chủ tịch hội ĐTM Việt Nam đã đưa ra nhiều điểm bất cập trong quy định về ĐTM, ĐMC, BCM của Dự Luật.
Xử lý nước thải- Ảnh: IE
Sai từ định nghĩa
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh thì; định nghĩa ĐMC của Dự Luật gần giống với định nghĩa của Luật BVMT 2005 và đều có chung điểm sai là đã coi ĐMC như ĐTM-tức cũng là “việc phân tích, dự báo các tác động môi trường”. Điều này là hoàn toàn không thể, bởi vì ĐMC và ĐTM là hai công cụ khác nhau, trên thế giới công cụ ĐMC chỉ có thể dự báo được những vấn đề môi trường có tính cốt lõi và mang tầm chiến lược của chiến lược (C), quy hoạch (Q) chứ không thể dự báo được các tác động cụ thể như ĐTM đối với “dự án đầu tư”.
Ngoài ra, định nghĩa ĐMC này có điểm bất cập là không ăn khớp với nội dung của Dự Luật vì theo định nghĩa này thì ĐMC chỉ áp dụng cho C, Q nhưng nội dung Dự Luật lại đề cập đến cả kế hoạch (K) nữa, rõ ràng là không ổn.
Còn đối với định nghĩa ĐTM, ở Việt Nam có thêm khái niệm CBM (“là hình thức đơn giản của ĐTM”) thì định nghĩa ĐTM này lại không phù hợp, bởi vì theo Dự Luật thì đối tượng thực hiện CBM còn có cả “ phương án sản xuất kinh doanh” mà ở ĐTM không có. Một cách chính xác và khoa học hơn thì phải nói là “bản CBM là hình thức đơn giản của báo cáo ĐTM”.
Về thực hiện ĐMC, ĐTM, BCM
Theo tư vấn của các chuyên gia có kinh nghiệm của EU, Việt Nam đã chọn cách “ thực hiện đồng thời” trong quá trình thực hiện ĐMC, tức là ĐMC phải được thực hiện đồng thời với quá trình lập/xây dựng C, Q. Nhưng ở Dự Luật quy định “ĐMC phải được thực hiện đồng thời với C,Q,K” ( Khoản 2 Điều 5). Đây là một trong những quy đinh bất cập bởi nếu theo quy định tại Khoản 8 Điều 16 của Dự Luật thì báo cáo ĐMC phải có nội dung “ đề xuất điều chỉnh C, Q,K” đây là yêu cầu của cách tiếp cận “ thực hiện sau” chứ không phải của cách “ thực hiện đồng thời”.
Cũng theo Dự luật, ĐMC là do cơ quan xây dựng C,Q,K thực hiện nếu trong quá trình thực hiện ĐMC thấy có nội dung nào của C,Q,K cần thiết điều chỉnh cho phù hợp về mặt môi trường thì cơ quan xây dựng C,Q,K có quyền và nghĩa vụ điều chỉnh ngay, sao lại còn phải có đề nghị về việc điều chỉnh ngay trong báo cáo ĐMC của chính mình? Mà đề nghị với ai? Tự mình đề nghị mình hay sao?
Một bất cập khác, theo Khoản 2 Điều 27 của Dự Luật thì “ quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để quyết định chủ trương đầu tư dự án”. Quy định như vậy là phi lý bởi vì; nếu mới chỉ có chủ trương đầu tư, tức là chưa có dự án đầu tư- khi chưa có dự án đầu tư thì rõ ràng chưa có căn cứ để thực hiện ĐTM và lập báo cáo ĐTM-khi chưa có báo cáo ĐTM thì chưa có gì để thẩm định và phê duyệt và như vậy cũng không có căn cứ quyết định chủ trương đầu tư.
Đề xuất về chỉnh sửa, bổ sung
Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh, nếu Việt Nam đã chọn cách tiếp cận “ thực hiện đồng thời” như đã lựa chọn của Luật BVMT 2005 và Dự Luật này thì ĐMC nên giải thích như sau “ĐMC là quá trình nghiên cứu tiến hành đồng thời với việc xây dựng C,Q để dự báo xu các hướng tích cực và tiêu cực của cá vấn đề môi trường cốt lõi có khả năng xảy ra bởi C,Q; đề xuất các giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường đó trong trường hợp thực hiện C,Q”. Còn về đối tượng thực hiện ĐMC thì cần bổ sung đối tượng là kế hoạch (K) cho phù hợp với định nghĩa đã nêu, bởi đây cũng là thông lệ quốc tế.
Đối với ĐTM nên chỉnh sửa “ĐTM là quá trình nghiên cứu để nhận dạng, dự báo các tác động tích cực và tiêu cực của các dự án đầu tư đến môi trường; đề ra các biện pháp nhằm duy trì, phát huy các tác động tích cực và phòng ngừa, giảm nhẹ, giảm thiểu các tác động tiêu cực khi triển khai dự án đó”. Còn về mức độ thực hiện ĐTM, thì nên quy định theo hướng sau: Trong trường hợp dự án chưa đủ thông tin cần thiết để thực hiện ĐTM chi tiết thì phải thực hiện ĐTM sơ bộ trước để sàng lọc dự án. Sau khi báo cáo ĐTM sơ bộ được phê duyệt thì tiến hành lập dự án đầu tư chi tiết và thực hiện ĐTM chi tiết…
Còn thời điểm phê duyệt thì; Trường hợp ĐTM phải thực hiện theo hai mức độ chi tiết khác nhau ( ĐTM sơ bộ và ĐTM chi tiết).Còn đối với dự án thuộc đối tượng phải xin chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì cần có quy định riêng ngoài các quy định về ĐTM, bởi vì ĐTM chỉ áp dụng với dự án đầu tư chứ không thể áp dụng với chủ trương đầu tư được ( Theo giải thích từ ngữ/định nghĩa của Dự Luật).