Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chiều trên phá Tam Giang.
Về Phá Tam Giang
Tròng trành dưới sức nặng của cả chục người, chiếc đò máy - dài cỡ chiếc xe 16 chỗ nhưng đoạn rộng nhất chỉ già nửa chiều ngang xe, được đẩy chầm chậm theo dòng kênh nhỏ ra thăm mô hình nuôi cá lồng và trộ chuôm trên Phá Tam Giang.
Các mô hình này thuộc dự án Huy động sự tham gia của người dân bảo vệ môi trường Phá Tam Giang, được triển khai trên địa bàn hai xã nghèo nằm ven bờ tây của phá Tam Giang là xã Quảng Lợi và Quảng Thái, thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Qua khỏi cửa đập chắn cuối kênh dẫn vào phá, động cơ ậm ạch của chiếc đò bỗng chịu nổ đều, hướng về phía nhấp nhô những lưới và cọc tre cao thấp, lùi xa dần cả núi mây đen theo cơn giông đang cuồn cuộn kéo tới.
Theo ông Trần Giải, người chịu trách nhiệm về dự án và cũng là “hướng dẫn viên” của chuyến đi này, “phá” (hay còn gọi là đầm phá) là vùng hồ lớn nước lợ chứa nước sông đổ về trước khi chảy ra biển, nơi không có phá thì hạ lưu sông thường đổ thẳng ra biển. Phá Tam Giang đón nước từ ba con sông đổ về - sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương, rồi thông ra cửa biển Thuận An.
Hai xã dự án Quảng Lợi và Quảng Thái có 1.500ha mặt nước phá Tam Giang. Diện tích này chiếm gần 30% tổng diện tích tự nhiên của 2 xã, nhưng lại chỉ xấp xỉ 7% tổng diện tích mặt nước của cả hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Được biết đến là đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trải dài khoảng 70km, có diện tích hơn 22.000ha trên địa phận huyện Quảng Điền và 4 huyện nữa đều thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, phá có nhiều chức năng môi trường quan trọng đối với Thừa Thiên Huế như điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt và là nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Các nhà khoa học đã tìm thấy hàng chục loài thủy sản đặc hữu cùng nhiều loại động vật trong đó có cả một số loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam và Cộng đồng Châu Âu.
Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai còn có vai trò rất quan trọng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vì nó còn là nguồn sinh kế và thực phẩm. Có đến 30 vạn người dân, khoảng gần 1/3 dân số của tỉnh, sống ven đầm phá, trong đó có gần 1,3 vạn lao động khai thác và nuôi trồng thủy sản trên đầm phá, với 1 vạn người có sinh kế phụ thuộc hoàn toàn vào đầm phá. Mỗi năm, đầm phá cung cấp từ 2.500-3.000 tấn thủy sản, tức là khoảng 7-8 tấn/ngày.
“Sợ nhất là dự án làm mà người dân không hưởng ứng”- Ông Trần Giải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế
Tuy nhiên, những năm gần đây, việc khai thác bừa bãi và một số bất cập trong quản lý đã làm cho nguồn thủy sản trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai bị suy giảm mạnh và môi trường cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu là người dân chưa hiểu luật Bảo vệ môi trường, chưa biết bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Họ đã sử dụng nhiều cách thức và phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt (như dùng xiếc/kích điện, cào lươn v.v) làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường đầm phá. Mặt khác, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý liên quan mặc dù cũng đã có nỗ lực nhưng chưa tìm ra cách thức quản lý hiệu quả.
Trước thực trạng đó, năm 2012, huyện Quảng Điền đã thí điểm giao quyền khai thác thủy sản cho ba chi hội nghề cá ở xã Quảng Lợi, để cộng đồng có trách nhiệm và cùng tham gia vào quản lý, bảo vệ việc đánh bắt trên phá. Hình thức quản lý này bước đầu thực hiện còn rất nhiều khó khăn và thách thức do thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, thiếu phương tiện và cơ sở vật chất… nhưng cũng đã mang lại những tín hiệu khả quan.
Chính cách làm này ở Quảng Lợi và những trăn trở của ông Trần Giải từ khi còn là Phó chủ tịch huyện Quảng Điền cách đây 3 năm, về việc làm thế nào để bảo vệ môi trường phá Tam Giang nhưng vẫn đảm bảo nguồn sinh kế cho người dân nghèo là cơ sở xây dựng ý tưởng dự án Huy động sự tham gia của người dân bảo vệ môi trường Phá Tam Giang. Ý tưởng này đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thiện, và đề xuất lên Quỹ hỗ trợ Sự tham gia của Người dân và Trách nhiệm Giải trình (PARAFF).
Được đặt dưới sự quản lý của Văn phòng Quốc hội, Quỹ PARAFF được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ tham gia vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực thi chính sách pháp luật ở trung ương và địa phương, qua đó nhằm tăng cường sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình trong quá trình hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật tại Việt Nam. Quỹ PARAFF hoạt động với sự hỗ trợ từ Chính phủ Đan Mạch và Chính phủ Vương quốc Anh và Bắc Ai Len.
Được đánh giá là một đề xuất dự án xuất sắc, dự án đã lọt vào danh sách 14 dự án được chọn đợt đầu tiên trong tổng số 4 đợt kêu gọi đề xuất sáng kiến mà Quỹ PARAFF tài trợ cùng các hỗ trợ nâng cao năng lực với tổng ngân sách khoảng 72 tỷ đồng.
Kết hợp trao quyền – bảo vệ môi trường – đảm bảo sinh kế
Một gia đình ngư dân đang thả lừ bắt cá trên phá Tam Giang.
Điểm khác biệt của dự án Huy động sự tham gia của người dân bảo vệ môi trường Phá Tam Giang, theo ông Giải, chính là việc kết hợp của ba mục tiêu chính của dự án. Thứ nhất là nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân, hai là thúc đẩy việc trao quyền quản lý mặt nước cho ngư dân và tăng cường trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương, và ba là hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng, thông qua mô hình này để thu hút sự tham gia của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Với đề xuất thời gian triển khai là 12 tháng, dự án đã đặt ra một loạt kết quả cụ thể như thêm 2 chi hội nghề cá của xã Quảng Thái được trao quyền quản lý mặt nước phá Tam Giang, 80% ngư dân của hai xã Quảng Lợi và Quảng Thái hiểu biết về luật Bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiến nghị của cộng đồng ngư dân 02 xã Quảng Lợi, Quảng Thái liên quan đến môi trường đầm phá và sinh kế của họ được giải trình, và hai mô hình sinh kế bền vững được thực hiện.
Trộ chuôm và nuôi cá lồng mà đoàn đang được đi thăm chính là hai mô hình sinh kế bền vững được dự án triển khai. Có 10 lồng nuôi cá được xây dựng và hỗ trợ ở mỗi xã dự án, và 5 trộ chuôm được xây dựng và hỗ trợ cho 5 chi hội nghề cá của hai xã.
Trộ chuôm là một vùng mặt nước nhân tạo có chức năng, nhiệm vụ như một tiểu khu sinh thái hoàn chỉnh, để bảo vệ thủy sản. Trộ chuôm là nơi trú ẩn, sinh đẻ của các loài thủy hải sản trên đầm phá, việc khai thác không bừa bãi nữa mà sẽ tuân theo quy định chung, do đó giúp khôi phục cân bằng sinh thái trên đầm phá.
Nuôi cá lồng hoàn toàn không phải là ý tưởng mới cho người dân vùng phá. Theo ông Phan Nông, phó chủ tịch UBND xã Quảng Thái, Đại học Nông Lâm đã đưa mô hình nuôi cá lồng trên phá từ năm 2004. Tuy nhiên cách nuôi cá lồng này phát triển theo hướng tự phát, và không quản lý nổi nên đến khoảng 2007-2008, nuôi cá lồng bị khủng hoảng thừa, chi phí lớn và còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Giải thích về sự thất bại của dự án này, ông Nông cho biết: “Dự án đã không đưa bảo vệ môi trường vào mà chỉ nặng vào nuôi trồng thuỷ sản và thu lợi kinh tế, và cũng không nâng cao năng lực cho người dân”.
Điểm khác biệt nữa của dự án Huy động sự tham gia của người dân bảo vệ môi trường Phá Tam Giang chính là việc người dân đã được tham gia ngay từ khi lên ý tưởng. Ví dụ, việc tham vấn, thảo luận với người dân đã giúp dự án thống nhất hình thức hỗ trợ 50% chi phí đầu tư lồng cá, phần còn lại do các gia đình được nhận hỗ trợ tự lo. Hay khi làm lồng cá, người dân được chủ động việc mua nguyên vật liệu, họ cũng được tự chọn và mua giống cá phù hợp.
Người dân được dự án hỗ trợ xây dựng lồng cá ở xã Quảng Thái.
Với dự án của Đại học Nông Lâm trước đây, các hộ được hỗ trợ 100% kinh phí. Theo ông Nông, khi được hỗ trợ cả 100%, thì người dân coi đó là dự án của nhà nước, được thì được mà không thì thôi, họ không phải bỏ vốn ra nên họ không quản lý. Việc dự án để người dân cùng đóng góp “tránh được sự ỉ lại của người hưởng lợi” ông Nông nhận xét, “khi họ góp vốn của họ trong đó, họ cũng muốn bảo vệ nguồn vốn”.
Không chỉ được hỗ trợ vốn, ngư dân trong 5 chi hội nghề cá còn được tham gia tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Đây là hoạt động mà ngư dân rất quan tâm. Chả thế mà theo kế hoạch thì mỗi lớp tập huấn sẽ hỗ trợ cho 30 người tham gia, nhưng thực tế thì lớp nào cũng có đến 50 người tham gia vì họ đều muốn học hỏi về kỹ thuật.
Tập huấn kỹ thuật cùng các lớp tập huấn và hoạt động truyền thông cho người dân về luật Bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đã đem lại ảnh hưởng tích cực đến ý thức của người dân.
Ông Nông cũng cho biết: “Khi mình chưa tập huấn cho họ, thì họ không hiểu, họ thấy cứ rộng rãi là họ làm lồng nuôi, do chi phí không lớn nhưng lại không chăm sóc và quản lý nổi. Nhưng khi có dự án thì người dân đã biết lượng sức của mình và và quan tâm đến quản lý môi trường, và tăng chất lượng sản phẩm”. Chính vì vậy, trước đây mỗi chi hội nghề cá của xã Quảng Thái có đến 300-400 lồng cá, thì con số này đã giảm đi còn dưới 200 lồng, nhiều gia đình trước đây có đến 7-8 lồng, giờ họ chỉ nuôi 2 lồng.
Người dân cũng đã bắt đầu suy nghĩ đến hành động của chính họ đã ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Bác Nguyễn Nhân, 57 tuổi, ở thôn Ngữ Mỹ Thanh xã Quảng Lợi tâm sự, mình cũng nhận ra là gia đình nào cũng có 100 cái lừ, mỗi lừ 7m, mà nhà nào đêm nào cũng thả thì làm sao phá còn cá.
Lồng cá trên Phá Tam Giang
Dự án Huy động sự tham gia của người dân bảo vệ môi trường Phá Tam Giang mới đi được nửa chặng đường, nhưng đã có nhiều kết quả khả quan. Dự án đã chứng minh được việc trao quyền quản lý mặt nước cho cộng đồng, các hỗ trợ về kỹ thuật, kết hợp với việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, và sự tham gia của họ trong các bước của dự án, không thể tách ra được với hỗ trợ để người dân có được sinh kế bền vững. Đây cũng chính là một cách thức quản lý hiệu quả cho chính quyền, góp phần khôi phục và bảo vệ môi trường phá Tam Giang tốt hơn.
Theo ông Giải dự án vẫn còn hai hoạt động sẽ được triển khai nhằm tạo điều kiện cho ngư dân được tiếp xúc với các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương. Đó là hoạt động tiếp xúc giữa ngư dân và chính quyền để họ tự nói lên nguyện vọng hay đề nghị chính quyền hỗ trợ gì trong việc trao quyền quản lý mặt nước phá. Dự án cũng sẽ tổ chức đưa đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, huyện về tiếp xúc với các hộ ngư dân, tạo ra môi trường để ngư dân đề đạt nguyện vọng.
Chiếc đò đưa đoàn cả chủ và khách quay lại điểm xuất phát an toàn. Cơn giông to thế, nhưng dường như khi chưa đến phá đã chững lại vì khí hậu trên phá thật mát mẻ, không hề oi bức giữa cái nắng miền Trung chói chang đầu hè.
Tâm sự về kết quả dự án, ông Giải tin tưởng, bà con vùng phá, khi thấy được cách làm mới thành công từ các mô hình thí điểm sẽ tự nhân rộng, phát triển nhưng không ảnh hưởng đến môi trường. Chính quyền các cấp tiếp tục có những hỗ trợ, thúc đẩy việc trao quyền quản lý và khai thác thủy sản một cách bền vững cho ngư dân. Từ đó, môi trường phá Tam Giang sẽ tốt hơn và sinh kế của ngư dân ven phá sẽ được cải thiện, không còn tình trạng bấp bênh như hiện nay.