Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chiều 23/5, Sở Y tế Hà Nội thông báo phát hiện phẩy khuẩn tả trong năm mẫu thịt chó tại bốn cơ sở giết mổ chó ở xã Dương Nội, quận Hà Đông.
Theo thống kê của Sở, từ ngày 15/4 đến nay đã có 182 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm nghi ngờ tả, có ba ca dương tính. Trong số này 54-70 phần trăm liên quan đến thịt chó.
Vì thế cuối tuần trước, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu thịt chó tại bốn cơ sở giết mổ chó ở hai thôn Ỷ La và La Dương (xã Dương Nội, Hà Đông) để xét nghiệm.
Các bệnh nhân tiêu chảy cấp vào Bệnh viện E đều phải truyền nước. Ảnh: N.P. |
Kết quả là năm mẫu dương tính với phẩy khuẩn tả. Đặc biệt, theo tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, điều chưa từng thấy là hai mẫu cho thấy có khuẩn tả trong đường ruột của chó.
Mỗi cơ sở này trung bình giết mổ 10-20 con mỗi ngày, cung cấp thịt chó sống cho một số nơi ở Hà Nội như Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Nhật Tân, Mai Động, Hàng Than... Theo người dân địa phương, số chó giết thịt được lấy ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Một đoàn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã vào Thanh Hóa để tiếp tục điều tra.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở, cho biết có khả năng phẩy khuẩn tả đã theo đường nước rửa lan ra ngoài môi trường. Trung tâm y tế dự phòng đã tiến hành khử khuẩn nguồn nước tại khu vực này.
Tuy nhiên ông cũng khẳng định: "Phát hiện thịt chó nhưng không có nghĩa là dân không được ăn thịt chó. Nếu ăn thịt chó đảm bảo nguồn gốc, có kiểm dịch thú y, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì vẫn an toàn".
Trung tâm cũng đã lấy 25 mẫu nước ở 18 ao hồ trên thành phố và 55 mẫu nước sạch ở những khu vực có bệnh nhân tả, tất cả đều âm tính.
Trong khi đó, tại một số bệnh viện như Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia hay Bệnh viện E, số bệnh nhân tiêu chảy cấp tăng đột biến, và theo xét nghiệm của các cơ sở này, số người mắc tả chiếm đến hơn 50 phần trăm (tuy chưa có khẳng định cuối cùng của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương).
Bệnh nhân tiêu chảy đang gia tăng tại TP.HCM
Ngày 13/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết các ca tiêu chảy đang gia tăng trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), tổng số ca đến khám do tiêu chảy từ đầu năm đến nay là gần 19.000 ca, cao hơn cùng thời điểm năm ngoái 2.000 ca. Chỉ riêng 13 ngày đầu tháng 5/2009, bệnh viện này đã tiếp nhận 2.411 bệnh nhi điều trị nội trú do bị tiêu chảy.
Tính đến 13/5, bệnh viện đang chữa trị cho gần 100 em bé bị tiêu chảy, hai em đang được điều trị tại phòng cấp cứu.
Hiện nay, Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đang điều trị cho gần 100 bé bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cũng cho biết, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 20 đến 30 trường hợp bị tiêu chảy. Ban lãnh đạo bệnh viện đã họp, chỉ đạo Khoa Khám giám sát các bệnh nhân tiêu chảy khi có dấu hiệu bất thường, không để lọt ca mắc bệnh tả nào.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi bệnh nhân có dấu hiệu đi tiêu phân lỏng nhiều lần, sốt, ói, mệt mỏi, môi khô, không đi tiểu được cần phải đến khám tại bệnh viện ngay. Nếu bị tiêu chảy nặng, bệnh nhân sẽ bị mất nước nhiều, dẫn đến rối loạn điện giải, gây sốc, suy thận cấp, co giật, nhược cơ… Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TP.HCM, trong những tháng đầu năm, bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy tại thành phố cao hơn 10 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
(Theo VnExpress, Vietnamnet)