Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Mới đây, các tỉnh, thành thuộc Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã đạt được thống nhất tiến tới công khai minh bạch tất cả các nguồn thải để tăng cường kiểm soát chéo cũng như đề cao việc thực hiện nhiệm vụ trong quản lý môi trường. -Ảnh: TL
*Lưu vực hệ thống sông vẫn bị "đe dọa"
Theo ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai: Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành đã kê khai, thống kê các nguồn thải khá tốt. Các địa phương cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác các nguồn thải đã góp phần kiểm soát được sự ô nhiễm. Đây là bước tiến khá rõ của Ủy ban bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trên địa bàn các tỉnh, thành trong khu vực vẫn còn hàng trăm, hàng ngàn nguồn thải chưa được điều tra, thống kê đầy đủ và chưa thông tin minh bạch để có biện pháp quản lý hiệu quả hơn. Vì thế, dù các tỉnh nỗ lực về kiềm chế ô nhiễm, song vẫn còn ở một số vùng, một số khu vực nổi lên vấn nạn ô nhiễm dẫn đến hệ lụy của lưu vực hệ thống sông đang bị đe dọa từng ngày, từng giờ.
Theo đánh giá của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai: Qua hơn 6 năm thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, nhận thức của các địa phương và ý thức cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã được nâng lên rõ rệt, tình hình ô nhiễm môi trường nước trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, kết quả quan trắc trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 cho thấy môi trường nước sông Đồng Nai vẫn có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ; giá trị ôxy hóa, nhu cầu ôxy hóa các chất hữu cơ tại sông Đồng Nai hầu hết vượt qui chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam, ảnh hưởng đến nhiều nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu dân.
Kết quả quan trắc những tháng đầu năm 2014 cho thấy, môi trường sông Đồng Nai vẫn có dấu hiệu ô nhiễm về giá trị BOD5 (là lượng ôxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn) và COD (là lượng ôxy cần thiết để vi sinh vật oxy hoá các chất hữu cơ) vượt tiêu chuẩn loại A1 (dùng làm nguồn cấp nước cho mục đích sinh hoạt). Cụ thể, tại vị trí bến phà thị trấn Uyên Hưng (Bình Dương), cầu Rạch Cát, bến đò Long Kiển, bến phà Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) có giá trị BOD5 cao hơn so với các điểm khác có thể do nước thải sinh hoạt của khu dân cư xung quanh hoặc từ hoạt động nuôi cá bè là nguyên nhân trực tiếp làm khu vực này bị ô nhiễm hữu cơ.
Trong khi đó, chất lượng nước sông Sài Gòn cũng đã bị ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh và có xu hướng tăng dần về phía hạ lưu. Điển hình như khu vực sông Sài Gòn đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh (từ đoạn trạm bơm Hòa Phú đến cảng Tân Thuận), giá trị BOD5 vượt quy chuẩn Việt Nam (loại A1) từ 2-3 lần. Tại khu vực thượng nguồn, chất lượng nước không có sự biến động lớn, tuy nhiên tại vị trí cầu Tống Lê Chân, cửa sông Thị Tính (đoạn tỉnh Bình Dương) giá trị BOD5 và COD khá cao có thể do đây là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt của khu vực dân cư (không qua xử lý) và nước thải của các Khu công nghiệp Mỹ Phước – Bình Dương.
* Cần minh bạch nguồn thải
Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho biết, tại kỳ họp thứ bảy của Ủy ban vừa kết thúc tại Bình Dương, 11 tỉnh, thành phố đã thống nhất lập kế hoạch đẩy nhanh đề án thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải – nước thải, đề xuất các kế hoạch quản lý, xử lý hiệu quả, trong đó trọng tâm là việc điều tra tất cả các nguồn xả thải để minh bạch thông tin giữa các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vào thời gian tới. Các địa phương tiếp tục triển khai Đề án năm 2014 và 2015 về tập trung đầu tư các công trình thu gom, xử lý chất thải đô thị, xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý các nguồn thải lỏng trên toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai...
Đại diện các tỉnh, thành phố đều cho rằng: Việc đạt được thỏa thuận giữa các tỉnh trong hệ thống lưu vực sông Đồng Nai là một trách nhiệm mới, chứng tỏ các cam kết của các tỉnh, thành phố đã được nâng cao với quyết tâm đẩy lùi ô nhiễm môi trường, trong đó tăng cường kiểm soát nguồn thải ảnh hưởng về lâu dài đối với lưu vực sông hệ thống sông Đồng Nai.
Để hoạt động đó có kết quả, các tỉnh, thành phố đã kiến nghị chung cần có cơ chế tài chính thực hiện có hiệu quả các dự án về bảo vệ môi trường; lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin môi trường các nguồn thải có ảnh hưởng lưu vực hệ thống sông Đồng Nai để công khai minh bạch tất cả các nguồn thải liên vùng giữa các tỉnh, thành phố nhằm có biện pháp quản lý chéo liên vùng trong khu vực.
Mục tiêu của 11 tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và Sài Gòn là phấn đấu từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo phải tiến tới đạt chỉ số về hiện trạng xử lý môi trường trên địa bàn. Cụ thể: Tỷ lệ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường là 90-95%; các cơ sở sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải đạt 100%. Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung 100%. Tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt từ 60-70%; thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp đạt 90%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại là 100% và tỷ lệ người dân trong khu vực sử dụng nước sạch ở đô thị và nông thôn từ 90-99%.