Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Du khách “tắm chung” với tàu thuyền chở thức ăn nuôi tôm ở bãi tắm dọc cụm du lịch Bình Sơn - Ninh Chữ (TP Phan Rang - Tháp Chàm) - Ảnh: Văn Kỳ
Trước đây, tình trạng nuôi tôm, cá trong lồng bè ở vùng biển Bình Sơn - Ninh Chữ của hơn 40 hộ dân ở phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được chính quyền thành phố giải quyết ổn thoả, những hộ dân này cũng đồng tình với chủ trương và chịu di dời đến nơi nuôi mới, tức khu C1 và C2 có diện tích 340 ha, thuộc vùng biển Khánh Hội, Khánh Nhơn và Mỹ Tường của huyện Ninh Hải theo đúng với địa điểm mà UBND tỉnh quy hoạch.
Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, một số hộ dân đã tự ý di chuyển 17 lồng bè nuôi từ khu quy hoạch nuôi trước đó về lại vùng biển Bình Sơn - Ninh Chữ tiếp tục nuôi.
Một số hộ cho rằng, vùng biển mà tỉnh quy hoạch nuôi thuỷ sản chỉ phù hợp với nuôi vụ Bắc, vào vụ Nam là không nuôi được, do gió mạnh tạo sóng lớn đánh gãy bè, làm thất thoát cá, tôm nuôi ra biển, gây tổn thất không nhỏ cho người nuôi. Để tránh thiệt hại trên, không còn cách nào khác là phải di dời lồng bè vào lại nơi cũ nuôi cho an tâm.
Nghề nuôi tôm, cá trong lồng bè giải quyết được không ít việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế gia đình, do đó muốn dân di dời, tỉnh cần quy hoạch thêm vùng nuôi mới, phù hợp hơn với điều kiện để người dân nuôi trồng được tốt hơn.
Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thuỷ sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Việc người dân tự ý sử dụng mặt nước biển để nuôi tôm, cá thương phẩm, không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, rõ ràng là trái với Nghị định 31 của Chính phủ, về quy định xử phạt hành chính trên lĩnh vực thủy sản do vi phạm khoản 2 điểm a, Điều 16 của Nghị định này. Hơn nữa, khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ là biển đẹp, được tỉnh chọn quy hoạch phát triển du lịch, do đó cảnh quan khu vực biển phải đẹp, nước biển không bị ô nhiễm do việc nuôi trồng thuỷ hải sản tạo ra.
Để lập lại trật tự nuôi trồng thuỷ hải sản ở khu vực này, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chính quyền thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản không đúng quy hoạch đối với 17 trường hợp vi phạm, đồng thời buộc các hộ dân phải di dời lồng bè nuôi ra khỏi vùng biển Bình Sơn - Ninh Chữ, đảm bảo mỹ quan vùng biển và môi trường để du lịch nơi đây phát triển.
Ông Nguyễn Tuấn Chung, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cho rằng, cách đây không lâu, một số người dân địa phương tự ý di chuyển lồng bè nuôi tôm, cá từ khu quy hoạch C1, C2 về lại vùng Bình Sơn - Ninh Chữ. Mặc dù chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đã nhiều lần tuyên truyền cho người dân hiểu, chủ động di chuyển lồng bè đi nơi khác để nuôi, nhưng các hộ nuôi vẫn không chấp hành.
Dẫu biết rằng nghề nuôi tôm hùm lồng và nuôi cá trong lồng bè góp phần khá quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân vùng ven biển. Thế nhưng đừng vì thế mà để tình trạng lấn biển nuôi tôm, cá trong lồng bè tái diễn, gây ô nhiễm môi trường biển, làm mất mỹ quan vùng biển được quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.
Để trả lại cho bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ vẻ đẹp vốn có của nó, phù hợp với chiến lược phát triển du lịch trong tương lai, tỉnh Ninh Thuận cần có hướng giải quyết ổn thoả, hài hòa giữa phát triển du lịch và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đồng thời cần có biện pháp mạnh xử lý nghiêm tình trạng người dân vi phạm lấn chiếm chỉ vì lợi ích riêng.