Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rác thải y tế cần được xử lý đúng quy định. Ảnh: Minh Hoàng
Trong khi nhiều người vẫn còn nghĩ rằng ô nhiễm môi trường chủ yếu xuất phát từ những hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp, ô nhiễm môi trường do bệnh viện (BV) - nơi cứu người - đang ngày càng trở nên nguy hại.
Tuy tổng lượng chất thải và nước thải từ bệnh viện thải ra là không đáng kể so với những hoạt động khác nhưng mức độ nguy hại lại cao hơn gấp nhiều lần. Nhiều người vào viện để chữa những bệnh do ô nhiễm môi trường (ONMT) gây ra. Song ONMT do chất thải, nước thải từ BV lại chưa được xử lý triệt để.
Chất thải rắn y tế - Tạm yên tâm
Trong dịp Hội đồng nhân dân TP Hà Nội (HĐND TP) giám sát vệ sinh môi trường tại Công ty TNHH Nhà nước một thành viên môi trường đô thị (gọi tắt là công ty MTĐT), ông Chử Văn Chừng, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết, chất thải rắn y tế nguy hại được công ty thu gom phân loại từ nguồn, vận chuyển bằng xe chuyên dụng, xử lý đạt tiêu chuẩn quy định.
Hà Nội hiện có hơn 70 BV trung ương và địa phương, trong đó có chín BV chuyên khoa, 21 BV cấp trung ương; hơn 200 trung tâm y tế và nhiều phòng khám tư nhân, tổng cộng gần 10.000 giường bệnh. Mỗi ngày công ty thu gom khoảng năm tấn rác thải y tế (RTYT) đưa về xử lý tập trung tại nhà máy theo công nghệ đốt, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường. Công ty đủ năng lực thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn hầu hết RTYT của các BV, trung tâm y tế dự phòng và phòng khám tư nhân.
Những khẳng định có vẻ tự tin của ông Chừng đã được kiểm chứng. Trong buổi làm việc với Đoàn giám sát số 2 về môi trường của HĐND TP, ông Nguyễn Duy Ánh, Phó Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, cho biết, rác thải sinh hoạt, chất thải rắn y tế được phân loại ngay từ bệnh phòng.
Trong vòng 24 giờ, Xí nghiệp MTĐT số 1 (thuộc Công ty MTĐT) và Công ty CP MTĐT và công nghiệp Bắc Sơn có trách nhiệm vận chuyển đưa đến nơi xử lý. Mỗi ngày, BV thải ra 150kg RTYT; mỗi tháng chi phí 450 triệu đồng cho việc vận chuyển, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt và RTYT.
Nguồn gieo mầm bệnh
Nếu như việc thu gom, vận chuyển và xử lý RTYT tạm khiến chúng ta có cảm giác an tâm, câu chuyện về nước thải y tế (NTYT) gây ra cảm giác ngược lại. Hiện nay, nước thải của hầu hết BV được dồn vào bể phốt rồi thoát thẳng ra cống. Phần lớn BV không thể xử lý NTYT theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường vì chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
BV Phụ sản Hà Nội mặc dù là một trong những đơn vị phải thực hiện theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý triệt để vấn đề ONMT nghiêm trọng, nhưng đến thời điểm Đoàn Giám sát HĐND TP kiểm tra vừa qua, BV đang chờ dự án xử lý nước thải. Do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên toàn bộ nguồn nước thải đều đổ vào 1 bể chứa, bốc mùi hôi thối và xả ra hệ thống thoát nước của TP.
Ông Nguyễn Duy Anh, Phó Giám đốc BV, cho biết, mỗi ngày BV thải ra khoảng 350m3 nước thải. Lượng nước thải này chỉ được xử lý bằng Cloramil B và Giave sau đó tập trung vào bể phốt rồi chảy ra hệ thống thoát nước của TP bằng phương pháp tự nhiên hoặc bằng bơm đẩy cưỡng chế. Ông phân trần, BV chưa có trạm xử lý NTYT do chờ ban quản lý dự án (QLDA) thuộc Sở Y tế đang lập dự án đầu tư.
BV Đa khoa Đống Đa cũng nằm trong tình trạng tương tự. Nước thải của BV được tập trung vào bể phốt rồi xả ra môi trường. Dự án xây dựng trạm xử lý nước thải của BV cùng chung số phận với BV Phụ sản Hà Nội vì được ban QLDA gói chung vào một dự án. Bản thân dự án này được điều chỉnh nhiều lần vì nhiều lý do, theo ông Hoàng Gia Thắng, Giám đốc Ban QLDA, hiện chỉ chờ HĐND, UBND TP bổ sung vốn để đấu thầu trong tháng 5/2009 và đưa vào thực hiện trong tháng 12/2009.
Còn những BV trung ương đóng trên địa bàn cũng không khá hơn. BV Việt - Đức hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước đạt chuẩn. Mỗi năm BV này thực hiện hàng chục nghìn ca mổ, đồng nghĩa với việc xả ra lượng NTYT rất lớn. Thế nhưng, khu xử lý nước thải ở đây đã được xây dựng từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước với quy mô nhỏ. Do đó, nước thải gần như giữ nguyên mức độ độc hại khi thải ra cống. Theo thống kê, cả nước có khoảng 900 BV ở trong tình trạng tương tự.
Theo các chuyên gia, NTYT được xếp vào danh mục chất thải nguy hại vì chứa vô số loại vi trùng, vi-rút và các mầm bệnh trong máu, mủ... của người bệnh, các loại hóa chất độc hại và chế phẩm điều trị. Theo kết quả phân tích của cơ quan chức năng, NTYT ô nhiễm nặng về chất hữu cơ và vi sinh (lượng vi sinh cao gấp 100-1.000 tiêu chuẩn cho phép).
Sau khi đi kiểm tra môi trường của hàng loạt đơn vị, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch HĐND TP, cũng là trưởng đoàn giám sát số 2, kết luận, việc để chất thải lỏng chưa xử lý triệt để chảy thẳng ra hệ thống thoát nước chung là rất nguy hại đến đời sống của nhân dân.
Rõ ràng, lãnh đạo các cấp cùng dân đã nhận thức rõ tình hình ô nhiễm từ NTYT và tác hại của nó. Cũng biết rằng từ nhận thức đi đến hành động là cả một quá trình. Trước thực tế nêu trên, quá trình này cần được rút ngắn lại bằng những nỗ lực từ mọi phía vì sức khỏe của cộng đồng.
(Theo Hà Nội Mới)