Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thiếu nhân lực ở các tuyến y tế
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu được coi là bệnh viện tuyến tỉnh xây dựng hiện đại trong khu vực miền núi phía bắc. Bệnh viện mới khang trang, cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư bậc nhất khu vực Tây Bắc, chỉ sau tỉnh Lào Cai, với giá trị đầu tư xây dựng trên 415 tỷ đồng. Bệnh viện có quy mô 300 giường phục vụ điều trị nội trú và 500 lượt người khám mỗi ngày.
Ảnh minh họa IE
Hiện đại là vậy song bệnh viện lại đang thiếu rất nhiều bác sĩ. Bệnh viện có 70 cán bộ làm việc thì chỉ có chưa đầy 30 bác sĩ. Nhiều chuyên Khoa như Khoa nhi chỉ có 8 bác sĩ; Khoa gây mê chỉ có 2 bác sĩ trong tổng số 26 cán bộ khoa...
27 tuổi, nữ bác sĩ trẻ Đỗ Thị Dương gần như không có thời gian rảnh cho cá nhân. Bác sỹ Dương làm việc tại Khoa Gây mê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi mà chỉ có vẻn vẹn 2 bác sĩ nên phải làm việc liên tục, không có ngày nghỉ. Vì vậy, bác sĩ Đỗ Thị Dương phải thuê nhà ngay gần bệnh viện để tiết kiệm thời gian đi lại, dù nhà ở ngay thành phố Lai Châu. Có thời điểm nhiều bệnh nhân phẫu thuật, ba đêm liền cô phải thức trắng, sáng hôm sau vẫn đảm bảo công việc tại bệnh viện. Bác sỹ Dương chia sẻ: Khoa Gây mê bình quân mỗi ngày phục vụ trên dưới 10 ca, luôn kín hết các phòng mổ, khoa phải làm việc hết công suất. Do khoa chỉ có hai bác sỹ nên công việc cực kỳ vất cả. Hiện tại, cô phải “chạy” việc hết tất cả các phòng do một bác sỹ khác đang đi học.
Trong thời gian hơn 10 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu, mặc dù đã có chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ, song mỗi năm toàn tỉnh mới có 1 đến 2 bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy về công tác. Trong khi nhu cầu của toàn ngành y tế Lai Châu cần 600 bác sĩ thì đến nay mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Thiếu bác sĩ, ban giám đốc các bệnh viện phải thay nhau trực khám bệnh. Nhiều bệnh viện phải xoay sở bằng cách sắp xếp công việc chuyên môn để nâng cao năng lực cho đội ngũ y sĩ; đào tạo cử tuyển cho con em đồng bào dân tộc địa phương.
Nhiều bác sỹ bỏ cả… bằng, chạy lấy người
Thiếu bác sĩ đã đành, ngành y tế tỉnh Lai Châu đang còn phải đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám. Vừa được hoàn thiện đào tạo nâng cao là nhiều bác sĩ tuyến huyện, tuyến tỉnh tìm mọi cách chuyển lên làm việc ở tuyến trên. Ba năm trở lại đây, đã có 23 bác sỹ chuyên tu từ bỏ Lai Châu để về xuôi công tác. Con số này được lãnh đạo sở Y tế Lai Châu nhận định là sẽ còn tăng thêm nữa.
Đáng chú ý là nhiều trường hợp bác sỹ sẵn sàng bỏ lại hồ sơ, chứng chỉ, bằng cấp, bỏ hết các chế độ bảo hiểm, phụ cấp của mình để “ra đi”. Đơn cử như trường hợp của bác sỹ Đỗ Quý Nhất làm việc tại Trung tâm y tế huyện biên giới Sìn Hồ và đã có quyết định bổ nhiệm làm lãnh đạo của một phòng khám khu vực huyện Sìn Hồ. Bác sỹ Nhất được lãnh đạo ngành y tế Lai Châu đánh giá là có năng lực rất tốt. Tuy nhiên với lý do đi khám bệnh ở dưới xuôi, bác sỹ này đã “bặt vô âm tín” đến tận bây giờ.
Hay trường hợp của bác sỹ Đỗ Công Danh, tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, vào công tác từ năm 2006 tại Trung tâm y tế huyện Sìn Hồ. Năm 2008, bác sỹ được Sở Y tế đồng ý cho đi học nâng cao tay nghề. Khi trình độ và tay nghề đã được nâng lên, năm 2013, bác sỹ Danh bất ngờ bỏ việc, bỏ bằng và cả hồ sơ rồi thay luôn số điện thoại để không thể liên lạc.
Bà Lò Thị Duyên – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế Lai Châu cho biết: Những trường hợp y, bác sỹ nào có tư tưởng không yên tâm công tác, bệnh viện sẽ phải nắm bắt kịp thời, tuy nhiên vẫn không thể ngăn được tình trạng này. Các y bác sỹ bỏ việc cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tổ chức điều động nhân lực cũng như hoạt động của ngành y tế trên địa bàn còn rất khó khăn này.
Cần chế độ thu hút đặc thù
Sự thu hút của các tỉnh miền xuôi, hệ thống y tế miền núi chưa đảm bảo điều kiện, thu nhập thấp cùng chế độ đãi ngộ của tỉnh chưa thực sự mạnh... là những nguyên nhân khiến cho các y bác sỹ chưa mặn mà gắn bó với Lai Châu. Nắm được điều này, ngành Y tế Lai Châu cũng tìm biện pháp khắc phục phần nào.
Ông Nguyễn Công Huấn - Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho rằng: ngành y tế đã xác định, khi các cán bộ đi học phải có cam kết, sau khi học xong phải trở lại Lai Châu công tác ít nhất 5 năm vì trong quá trình học, tỉnh Lai Châu vẫn trả lương; cam kết khi ra trường, ngành y tế có quyền quản lý bằng cấp của họ…
Về lâu dài, tỉnh Lai Châu và ngành y tế tỉnh cũng cần tính đến việc tăng cường đào tạo y bác sỹ đang công tác tại địa phương; tạo điều kiện cho họ đi học bằng cách rút ngắn qui định thời gian công tác. Thay vì yêu cầu phải 5 năm công tác, trong đó 3 năm lao động tiên tiến mới được đi học thì cần hạ xuống còn 3 năm công tác liên tục. Tỉnh Lai Châu cần hỗ trợ chế độ cho những người được cử đi đào tạo để họ giảm bớt khó khăn. Hơn nữa tỉnh cũng cần tích cực đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ cho con em là người dân tộc thiểu số ở địa phương, con em của những cán bộ đang công tác tại Lai Châu để đảm bảo tính bền vững nhất.
Giám đốc Sở Y tế Lai Châu đề xuất thêm, cũng cần phải xây dựng một chế độ thu hút đặc thù thật cao cho những bác sỹ chính quy, con em ở miền xuôi lên công tác miền núi như hỗ trợ tiền mặt, đất ở để họ yên tâm công tác và phục vụ gắn bó lâu dài… Với những biện pháp như vậy, hy vọng Lai Châu sẽ không còn thiếu bác sỹ.