Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tết Đoan Ngọ cùng diệt sâu bọ

(01:20:53 AM 02/06/2014)
(Tin Môi Trường) - Cùng truy tìm những loài giun sán, sâu bọ sống kí sinh và gây phiền nhiễu cho sức khỏe chúng ta.

Cơ thể người là môi trường sống của nhiều loại vi khuẩn, giun sán hay sâu bọ mà có thể bạn chưa biết. Nhân ngày 5/5 âm lịch - Tết diệt sâu bọ, chúng ta hãy cùng điểm mặt những "con sâu con bọ" có thể đang kí sinh ở trong chính cơ thể chúng ta

 

1. Giun kim


Giun kim (tên khoa học Enterobius vermicularis) là loại giun dễ tìm thấy nhất trong cơ thể người, đặc biệt ở trẻ em. Giun kim là một loài kí sinh trùng thuộc ngành giun tròn, sống bên trong đại tràng nhưng lại đẻ trứng bên ngoài vật chủ. 

 

 

Vòng đời của loài giun này bắt đầu khi bạn vô tình ăn phải trứng giun. Sau khoảng một tháng cư ngụ trong ruột người, trứng giun sẽ nở và di chuyển xuống ruột già, đẻ trứng ở hậu môn.

 

 

Sự hiện diện của trứng giun kim thường gây kích ứng và ngứa, kích thích bạn gãi và làm phân tán trứng giun thông qua tay. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm giun kim do thói quen đưa vật lạ vào miệng.


Giun kim thường ít được để ý do nhiều người cho rằng chúng dễ dàng bị loại bỏ bởi thuốc giun thông thường. Khi ở trong ruột, giun kim có thể gây những tổn thương kích thích niêm mạc ruột, làm rối loạn tiêu hóa hoặc gây tình trạng viêm ruột mạn tính làm chán ăn, buồn nôn, đau bụng âm ỉ. 

 

 

Bên cạnh đó, giun kim cũng gây rối loạn thần kinh, do giun kim đẻ trứng ở hậu môn gây ngứa khiến mất ngủ, bực dọc, cáu kỉnh). Nếu giun kim chui vào ruột thừa có thể gây viêm ruột thừa hay gây hại cho đường tiết niệu và nhiều bệnh nhiễm trùng khác.


2. Giun Anisakis


Nếu bạn là một tín đồ của gỏi cá sống thì hãy nên coi chừng vì có khả năng bạn sẽ phải tiếp đón loài giun không hề thân thiện này.


Giun Anisakis đã được hai nhà khoa học Skirejabin và Karokhin phát hiện từ năm 1945, đây là loại giun tròn thường kí sinh ở những động vật biển. Ấu trùng của giun kí sinh ở các loài cá như cá thu, cá hồi, cá trích, mực ống...

 

 


Khi bị nhiễm giun Anisakis, bệnh nhân sẽ bị đâu bụng, nôn mửa kèm theo sốt và lượng bạch cầu tăng. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho các trường hợp nhiễm ấu trùng giun Anisakis. 


Khi xâm nhập vào cơ thể, ấu trùng giun chui qua thành dạ dày hoặc ruột non và tạo nên những ổ áp xe gây phù nề, dày cứng niêm mạc thành dạ dày, ruột. Triệu chứng này rất dễ nhầm với ung thư dạ dày, ruột hoặc viêm ruột... Bệnh nhân thường nôn vài giờ sau khi ăn cá, mực bị nhiễm ấu trùng giun kèm theo đó là sốt, xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng...

 

 

Hiện nay chưa có các loại thuốc điều trị đặc hiệu đối với những trường hợp bị nhiễm ấu trùng giun Anisakis. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, việc phòng bệnh tốt nhất là không nên ăn gỏi cá sống mà chỉ nên ăn cá, mực đã được nấu chín kỹ


3. Sán


Sán là một loài kí sinh phổ biến và nguy hiểm, thuộc ngành giun dẹp, lớp Trematoda. Sán có nhiều loại, người ta đã tìm được đến 18.000 loài sán khác nhau. Sán chủ yếu kí sinh trong cơ thể động vật thân mềm hay thủy sinh vật.

 

 

Sán có thể lây nhiễm qua người và làm tổ tại nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể con người: sán lá gan, sán dây kí sinh trong ruột, sán làm tổ trên não hay trong ruột... Tỉ lệ nhiễm sán tập trung nhiều ở các nước châu Phi và châu Á, trong đó có Việt Nam do điều kiện vệ sinh chưa cao và có nhiều loại thủy hải sản nhiễm sán.

 

 

Sán thường xâm nhập vào cơ thể người thông qua những món ăn chưa chín kĩ hay rau sống. Chúng di chuyển đến chỗ làm tổ rồi phát triển và có thể tồn tại nhiều năm trong cơ thể người mà không gây ra bất kì triệu chứng nào. 


Ấu trùng sán dây có thể làm nang sán trong não, tạo áp lực lên não, gây đau đầu dữ dội, động kinh, rối loạn trí nhớ. Nang sáng ở mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù. Sán lá phổi gây ho ra máu và có thể dẫn đến tử vong...


4. Giun mắt châu Phi


Còn được biết đến là loài giun chỉ Loa Loa, đây là một loài giun “di cư” khắp các mô dưới da trong cơ thể người. Chúng được quan sát rõ nhất khi di chuyển qua các mô kết mạc của mắt và do vậy chúng có cái tên giun mắt châu Phi.

 

 

Ghi chép đầu tiên về giun Loa Loa là vào năm 1770 khi một bác sĩ phẫu thuật tên Mongin phát hiện sinh vật lạ đang “đi ngang” qua mắt một bệnh nhân nữ. Nhưng phải đến năm 1890 thì loài sinh vật này mới được đặt tên và nghiên cứu bởi bác sĩ nhãn khoa Stephen McKenzie. 


Theo đó, ông tìm hiểu được giun Loa Loa thường di chuyển qua các niêm mạc mắt. Tuy không ảnh hưởng đến tầm nhìn của bệnh nhân nhưng trong suốt chuyến hành trình xuyên qua mắt kéo dài khoảng 15’ sẽ gây nhiều đau đớn và khó chịu cho người bệnh.

 

 

Nhiều bệnh nhân nhiễm loài giun Loa Loa này gặp phải hiện tượng rối loạn bạch huyết gây phù bạch huyết. Thường thấy nhất là phù ở chân và tay gây ra bởi các phản ứng miễn dịch. Loài giun này cũng thường di chuyển qua các niêm mạc mắt. Tuy không ảnh hưởng đến tầm nhìn của bệnh nhân nhưng quá trình con sâu “đi” xuyên qua mắt kéo dài đến khoảng 15’, gây nhiều đau đớn và khó chịu. 


Trong cơ thể “chủ” là con người, ấu trùng Loa Loa di chuyển xuyên qua có mô cho đến khi nó trưởng thành. Thời gian này thường kéo dài ,một năm, tuy nhiên cũng có thể lên đến 4 năm. Khi đã trưởng thành, chúng tiếp tục di chuyển ở các mô dưới da, giao phối và đẻ trứng. 


5. Chấy


Chấy là loại côn trùng kí sinh thường gặp, cư trú trên da và tóc của đầu người. Chúng sống bằng cách hút máu vật chủ người cũng như thú vật. Khi bị chấy kí sinh, vật chủ thường sinh ra ngứa ngáy, khó chịu và có thể phát sinh các loại nhiễm trùng da và gây rụng tóc.


Là một loài côn trùng không cánh với kích thước từ 1,5-3mm, chấy có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chấy xuất hiện do điều kiện vệ sinh kém và lây từ người này sang người kia. 

 

 

Chấy thường đẻ trứng ở chân tóc, mỗi lứa khoảng 200-300 trứng và trứng sẽ nở trong vòng một tuần. Vòng đời trung bình của loài chấy là khoảng một tháng, chúng có thể sống sót trong vòng 48h mà không cần hút máu. Ngoài gây ngứa ngáy và hút máu vật chủ, chấy có thể truyền các căn bệnh nguy hiểm như bệnh sốt phát ban, sốt hồi quy, sốt chiến hào...

 

 

Ít ai ngờ hàng nghìn năm về trước, chấy cũng là một loài bọ cổ và gây khó chịu cho con người. Tài liệu Ai Cập cổ đại đã có ghi chép về biện pháp khắc phục những con chấy gây ngứa. 

 

 

“Xác ướp” chấy cũng được tìm thấy trên các xác ướp người trong một cuộc khai quật khảo cổ ở phía Đông Bắc Brazil. Những mẫu xác ướp này có tuổi thọ ít nhất là 1.000 năm tuổi. Một trong những mẫu vật chấy lâu đời nhất được tìm thấy ở Israel với niên đại lên tới 2.000 năm.

Bích Đào-TH