Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ IE
* Bỏ mặc ngô chết thối để thả cá
Mùa bẻ ngô đang đến, nhưng suốt 3 tuần nay, hàng trăm hộ dân ở xã Tân Hưng không khỏi bức xúc và đau xót trước cảnh những bãi ngô chết héo và ngập thối trong nước, bởi trận mưa lớn từ đầu tháng 5 ngập úng đến nay đã gần 1 tháng vẫn không được tháo nước đi nên hàng trăm mẫu ngô của bà con đã mất trắng, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Hiện cả xã Tân Hưng có hơn 300 hộ với gần 100 mẫu ngô bị chết ngập và mất trắng, tập trung nhiều ở 3 thôn Quang Trung, Lê Lợi và Trần Phú. Nhà nào ít thì 2 - 3 sào, nhà nhiều gần 1 mẫu. Thiệt hại nặng nhất là gia đình các ông Trần Văn Dũng (thôn Trần Phú); Cao Văn Khoa, Trần Thị Vui (Quang Trung)... mỗi hộ thiệt hại hơn 10 triệu đồng.
Người dân bức xúc cho rằng, nguyên nhân gây cho ngô ngập úng và chết thối không phải tại trời mưa mà do chính quyền xã Tân Hưng ngấm ngầm cho thuê thầu để thả cá nên nước bị chặn lại. Người dân các thôn Trần Phú và Quang Trung cho biết: Cánh đồng ngô của 3 thôn Quang Trung, Trần Phú, Lê Lợi nằm ngoài bãi sông Hồng là đất nông nghiệp 1 vụ được xã giao cho bà con trồng màu. Dù đã giao cho dân trồng ngô nhưng từ năm 2012, xã vẫn "tận dụng" thời gian bỏ trống cho một số cá nhân thuê để thả cá về mùa mưa, bắt đầu từ tháng 4 âm lịch đến giáp Tết. Trong số các hộ thả cá có cả người nhà lãnh đạo xã.
Chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Trần Phú than vãn: trồng ngô bây giờ khá chật vật, khi bắt đầu gieo hạt do ruộng bãi để thả cá nên luôn đất bị ngập ướt, cực chẳng đã bà con phải trồng bầu và mượn đất khô để phủ nên mất nhiều công sức hơn. Việc xã cho thả cá trên khu ruộng bãi diễn ra từ 3 năm nay. Vậy nên cũng suốt 3 năm qua, bà con chỉ có trồng mà không có thu vì ngô đến thời kỳ ra bắp là bắt đầu mùa mưa, các chủ thầu thả cá lợi dụng "té nước theo mưa" đã chặn cống tiêu lại để giữ nước.
Bà Trần Thị Vui và nhiều người dân thôn Quang Trung phẫn nộ: "Vụ thả cá bắt đầu từ tháng 4 âm lịch đến qua Tết nguyên đán, nhiều khi đến thời vụ trồng ngô bà con đề nghị xã cho gạn tháo nước để làm đất nhưng không được vì còn để giữ cá; khi ngô chưa kịp thu hoạch thì đã để nước ngập sâu làm ngô bị chết chìm trong ngập úng".
Đắng lòng chịu mất mùa mà chẳng biết kêu ai, ông Trần Văn Dũng và nhiều người dân thôn Trần Phú gay gắt nói: "Khi mới chỉ có trận mưa lớn ngày 4/5, cửa cống của con ngòi qua thôn Lê Lợi chảy ra sông Hồng bị chặn lại, chúng tôi đến báo trưởng thôn thì bảo đành chịu, gặp chủ tịch xã trình bày thì vị này bảo chẳng thể giải quyết được, dân có đưa vấn đề này lên đến Trung ương cũng đến thế thôi".
Và trong lúc nhiều người còn khóc ròng "của đau con xót", lại chứng kiến một số người ngang nhiên mang cá giống ra thả xuống cánh ruộng ngô chết chìm trong nước.
* Đã làm tốt công tác chống úng ?
Trước sự việc trên, phóng viên các cơ quan báo chí đã đến gặp gỡ trao đổi với chính quyền địa phương, thì được ông Bùi Duy Nhất - Chủ tịch UBND xã Tân Hưng thản nhiên cho biết: "Xã đã làm rất tốt công tác chống úng, tuy nhiên do mưa kéo dài gối nhau nên không thể cưỡng được dẫn đến 25 mẫu ngô bị mất trắng, các diện tích khác cũng mất khoảng 40 - 50%".
Lý giải của ông Chủ tịch xã vẫn là ... tại trời ! Còn theo nông dân, sau khi nước ngập, nếu bơm tháo ngay thì chỉ trong 1 ngày là nước rút. Xã cũng đưa máy bơm ra nhưng chỉ để "che mắt" bà con vì máy bơm công suất nhỏ nên bơm đến cả tháng nước cũng vẫn vậy. Rồi bà con cũng được nhìn thấy xã thành lập đoàn đi khảo sát đánh giá thực trạng thiệt hại ngô bị chết úng, nhưng sau đó vẫn im hơi lặng tiếng. Người dân cho rằng, mọi việc xã làm chỉ là để "diễn" che mắt dân cho mọi việc qua đi. Trong khi đó cá vẫn được thả, mặc cho ngô của bà con chết cứ chết. Vậy là sau hơn 4 tháng trời cày xới vất vả, nhọc công dân Tân Hưng lâm vào cảnh "trồng cây không ngày gặt hái".
Bà con cũng cho biết thêm, thiệt hại do ngập úng là "chuyện thường ngày" đã trở nên "thâm căn cố đế" ở Tân Hưng suốt nhiều năm qua. Điển hình là vụ nhãn năm 2012 khi mưa ngập úng trên diện rộng, nhiều vườn nhãn vẫn có 1/3 số cây bị chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Rồi đợt mưa lớn dịp cuối tháng 7/2013 đã làm cho hầu hết các vườn nhãn ở Tân Hưng ngập sâu gần 1m. Hơn 100 mẫu nhãn, trong tình trạng ngập úng nặng và nhiều diện tích mất trắng. Nếu hệ thống thoát nước không được khắc phục, các vườn nhãn ở đây có nguy cơ bị xóa sổ.
Mùa mưa năm nào cũng vậy, người dân Tân Hưng luôn canh cánh nỗi lo phải đối mặt với những khó khăn, thiệt hại chồng chất mà bà con cho rằng lỗi không phải tại "thiên tai" mà do "nhân tai" gây nên. Nếu có sự vào cuộc quyết liệt ngay của chính quyền địa phương, để kịp thời khắc phục tình trạng ngập úng thì người dân Tân Hưng sẽ chẳng phải ngậm ngùi chịu mất mùa. Còn cứ với cung cách làm ăn như hiện nay của chính quyền xã Tân Hưng thì nông dân vùng quê này sẽ còn phải thất bát trường kỳ không biết đến bao giờ.