Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
E ngại đang ngày càng gia tăng về việc băng cháy (methane hydrate), được coi là nguồn năng lượng mơ ước, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh năng lượng mới tại châu Á.
Tạp chí Chính sách đối ngoại Mỹ gần đây chỉ ra rằng: Thực tế một số lượng lớn băng cháy nằm sâu ở trung tâm lãnh thổ tranh chấp của châu Á lại là một bất hạnh lớn với các nước xung quanh. Điều đó có nghĩa là nguồn năng lượng mới rất có thể là nhân tố làm tồi tệ hơn các xung đột lãnh thổ giữa những nước nhập khẩu năng lượng quy mô lớn như Hàn Quốc, TQ và Nhật Bản.
Băng cháy có thể châm ngòi cho một cuộc chiến năng lượng mới tại châu Á
Băng cháy là một loại nhiên liệu an toàn cho môi trường. Khí này tồn tại ở dạng rắn, hình thành từ khí thiên nhiên và nước, ở dưới điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp. Băng cháy có tên khoa học là natural hydrat hoặc gas hydrat. Khi hàm lượng methane vượt quá 75% thành phần của gas hydrate thì nó thường được gọi là methane hydrate. Dạng tồn tại của chúng cũng giống như khí gas. Có thể sử dụng nó để làm nhiên liệu cháy. Thông thường ở những vùng có dầu mỏ thì có khí này.
Mặc dù chưa có quốc gia nào khai thác băng cháy ở quy mô công nghiệp nhưng đây được xem là nguồn năng lượng mới được rất nhiều quốc gia quan tâm vì trữ lượng khổng lồ và khả năng tác động tới biến đổi khí hậu toàn cầu của nó. Khoáng sản năng lượng mới này dự báo lớn gấp 3 lần tổng tài nguyên năng lượng hóa thạch được biết đến trên toàn thế giới. Hiện có hơn 90 nước trên thế giới đang tiến hành các chương trình nghiên cứu điều tra băng cháy ở các mức độ khác nhau.
Dầu nhen lửa xung đột?
Ở châu Á, băng cháy có thể là dầu nhen lửa xung đột. Đó là bởi Hàn Quốc, TQ và Nhật Bản là những nước đứng đầu bảng thế giới về nhập khẩu năng lượng. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), năm 2012, TQ là nước đứng thứ hai về nhập khẩu dầu thô, thứ ba là Nhật Bản và thứ năm là Hàn Quốc. Với nhập khẩu khí tự nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc chia nhau thứ 1 và 2.
Ba người khổng lồ trong tiêu thụ năng lượng này luôn nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu bằng cách chủ động tìm kiếm, thăm dò và khai thác băng cháy nhưng cả ba, và nhiều quốc gia châu Á khác đang vướng vào cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Các địa điểm chứa trầm tích băng cháy lớn mà các chuyên gia gọi tên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, phía nam Biển Đông, và Hoa Đông cũng lại là tâm điểm của căng thẳng lãnh thổ.
Theo báo Nihon Keizai, cơ quan hàng hải và cục thăm dò khảo sát địa chất của TQ từ lâu đã thăm dò băng cháy ở Biển Đông. Nước này tuyên bố đã tìm thấy băng cháy ở phía bắc vùng biển này từ năm 2007, với trữ lượng ước tính khoảng 19,4 tỉ m3. Chính phủ TQ đã đặt mục tiêu tăng cường thăm dò và nghiên cứu hệ thống để thương mại hóa các nguồn năng lượng vào năm 2030.
Các phương tiện truyền thông Nhật dẫn lời một chuyên gia TQ nói rằng, trữ lượng băng cháy Biển Đông ước tính đủ để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho TQ trong 130 năm tới. Báo Keizai bình luận, kế hoạch này, cùng với việc đưa tàu dầu khí Hải Dương 201 và giàn khoan dầu khổng lồ Hải Dương 981 đi vào hoạt động, cho thấy tham vọng của TQ trong khai thác năng lượng ở vùng biển.
Tại Hoa Đông, Nhật cũng điều tàu thăm dò tìm băng cháy. Ước tính trữ lượng băng cháy nằm dưới Hoa Đông gần đảo Takeshima/Dokdo tranh chấp giữa Nhật bản và Hàn Quốc có thể đảm bảo cho nhu cầu năng lượng Hàn Quốc trong 200 năm.
Các chuyên gia dự báo sẽ mất 10-20 năm để băng cháy được thương mại hóa. Tuy nhiên, năm 2013, với sự thành công của Nhật trong lần đầu tiên khai thác nguồn năng lượng này, thì con đường thương mại hóa băng cháy sẽ trở nên gần hơn, ngắn hơn.