Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh: TL
Cao Bằng có hơn 339.000 ha đất lâm nghiệp. Nhiều năm liền việc trồng rừng ở Cao Bằng đạt dưới 40% kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 20.000 ha rừng trồng, nhưng chủ yếu là trồng từ các dự án PAM, 327 và dự án 5 triệu ha rừng. Người dân ở địa phương còn chưa mặn mà với công tác trồng rừng.
Theo ông Hoàng La Thụ, Bí thư Đảng uỷ xã Lê Chung, huyện Hoà An, người dân xã Lê Chung đã nhiều lần đến Uỷ ban phản ánh về việc họ sống trong rừng nhưng không được hưởng lợi ích của rừng. Ông Chung cho biết, nhân dân ở địa phương đã làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng. Nhưng cái khó, gỗ rừng chỉ bán làm củi, với giá 100.000 nghìn/m 3 . Giá thành này còn thấp hơn công vào rừng đốn củi.
Qua tìm hiểu, đất rừng ở Lê Chung do Công ty TNHH lâm nghiệp Cao Bằng (Vinafor Cao Bằng, trực thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam) quản lý. Công ty Vinafor Cao Bằng đã vận động người dân trồng cây keo theo hình thức công ty hỗ trợ cây giống, phân bón, tiền công trồng và chăm sóc rừng với tổng trị giá 12 triệu đồng/ha. Sau 7 năm, người dân sẽ hoàn trả lại công ty 65 m 3 gỗ/ha, phần còn lại người dân được hưởng. Tuy nhiên, người dân ở địa phương đã không ủng hộ chính sách này vì cho rằng 1 ha keo sau 7 năm khó thu hoạch được 65 m3 gỗ. Do vậy, Vianfor đã thuê người từ nơi khác đến trồng rừng.
Ông Chu Lâm Phương, quyền Giám đốc Công ty Vinafor Cao Bằng cho biết, công ty đang thuê hơn 18.000 ha đất tại Cao Bằng để trồng rừng với chi phí thuê đất hơn 11 tỷ đồng/năm. Công tác phát triển rừng sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn do điều kiện khí hậu, địa hình phức tạp và cả sự thờ ơ chưa vào cuộc của người dân. Từ năm 2010 đến nay, công ty mới trồng được hơn 240 ha keo. Công ty cũng cho biết, người dân tại địa phương chưa hưởng lợi nhiều từ các hoạt động của đơn vị. Thời gian tới, công ty sẽ tìm cách thay đổi điều khoản hợp đồng trồng rừng theo hướng nâng cao lợi ích cho người dân. Sắp tới, công ty sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến gỗ công suất 7.000 m 3 /năm tại tỉnh. Hy vọng khi nhà máy hoàn thành, công ty sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho người dân.
Theo ông Đặng Hùng Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, khó phát triển rừng sản xuất là do Cao Bằng chưa hình thành công nghiệp chế biến, thị trường gỗ chưa có, hơn nữa người dân lại không sống được bằng nghề trồng rừng. Cao Bằng tuy đã đạt tỷ lệ che phủ rừng trên 50% nhưng là rừng mới tái sinh, gỗ non, sản lượng khai thác thấp, giá trị kinh tế nhỏ. Tỉnh mới chỉ có hai nhà máy gỗ công suất nhỏ đang hoạt động cầm chừng. Việc trồng rừng đang trong vòng luẩn quẩn chưa có lối ra. Để thu hút doanh nghiệp trồng rừng, Cao Bằng đã có chính sách miễn phí thuê đất trong 5 năm đầu. Tuy nhiên, thời hạn miễn phí sắp hết mà diện tích trồng rừng vẫn không được bao nhiêu. Nếu tình trạng này kéo dài, thời gian tới, nhiều doanh nghiệp sẽ phải trả lại đất cho tỉnh nếu không muốn bị lỗ nặng. Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu muốn xây dựng một nhà máy chế biến gỗ tầm trung bình, ít nhất cả tỉnh phải có hơn 40.000 ha rừng trồng tập trung một loại cây. Trong khi đó, Cao Bằng chủ yếu là rừng tái sinh, nhiều loại cây hỗn hợp, chất lượng không đồng đều. Nếu dùng nhiều loại cây hỗn hợp này để sản xuất gỗ ép, ván dăm thì sản phẩm sẽ kém chất lượng.
Khó khăn trong phát triển rừng sản xuất ở Cao Bằng còn do địa hình nhiều đồi núi cao, độ dốc lớn. Yếu tố bất lợi đó gây khó từ khâu xử lý thực bì cho đến khâu trồng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển gỗ về nhà máy. Vì vậy, ở Cao Bằng, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển rừng còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, yếu tố khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ sinh trưởng của cây trồng. Ở các tỉnh trung du, cây keo tuổi đời 7 năm có thể cho thu hoạch trên 100 m 3 /ha, nhưng tại Cao Bằng, khí hậu quá lạnh về mùa đông khiến cho cây chậm lớn, ít nhất phải trồng từ 8 - 10 năm mới có thể khai thác.
Trước thực tế trên, ông Đặng Hùng Chương cho biết, tỉnh đang đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cho triển khai cơ chế đặc thù. Đồng thời, tỉnh có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ thiết thực đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, nên tăng hỗ trợ cho người dân để tạo điều kiện phát triển rừng. Trước mắt, để phát triển rừng sản xuất, Cao Bằng vẫn phải trồng keo ở chu kỳ đầu, các chu kỳ sau có thể trồng cây lâu năm và có giá trị cao hơn như thông, sấu, trám…