Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Việt Nam công bố diễn biến mới về vụ giàn khoan 981

(16:41:45 PM 23/05/2014)
(Tin Môi Trường) - Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay công bố các diễn biến thực địa ở khu vực mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam; các cơ sở pháp lý và bằng chứng chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo.



Tàu của cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Phía xa là giàn khoan 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép. Ảnh: Nguyễn Đông
 

 

Đây là lần thứ ba Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên bờ biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của hơn 200 phóng viên, nhà báo của các hãng thông tấn trong và ngoài nước. Phòng họp chật kín phóng viên, nhiều người phải đứng.

Sau cuộc họp báo quốc tế ngày 7/5 về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, dù Việt Nam luôn thiện chí, nỗ lực dùng mọi bp hòa bình, phía Trung Quốc vẫn duy trì gia tăng số tàu, uy hiếp đe dọa lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Trung Quốc liên tục vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam và đưa ra luận điệu sai trái về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền bởi chủ quyền đất nước hết sức thiêng liêng, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam cho biết.

Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết bất chấp sự giao thiệp nghiêm túc của Việt Nam từ nhiều cấp, nhiều hình thức, mọi thiện chí của Việt Nam không được đáp ứng.

Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống khỏi vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không gây ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng hải, và sau khi Trung Quốc rút giàn khoan đôi bên sẽ trao đổi để kiềm chế và kiểm soát ổn định tình hình trên biển.

Tuy nhiên Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành vi xâm phạm, thậm chí có nhiều tuyên bố sai lệch, ông Hải cho biết.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc và nêu rõ quan điểm cũng như các bằng chứng của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển đảo. Ông Hải trình chiếu video cho thấy các tư liệu pháp lý lịch sử Việt Nam liên quan đến quần đảo Hoàng Sa.

"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", ông nói và nêu từng vấn đề.

"Từ thế kỷ 17, hai quần đảo còn là đất vô chủ, đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chính phủ Pháp thay nhà nước Việt Nam quản lý hai quần đảo. Chủ quyền cũng được khẳng định tại hội nghị San Francisco, khi phái đoàn Liên Xô đề nghị trao hai quần đảo cho Trung Quốc nhưng 46 nước phản đối. Trung Quốc là nước tham gia hội nghị quốc tế này nên đã hiểu rõ và cần phải thực thi", ông Hải công bố tư liệu.

"Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền là phi pháp, không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Bị vong lục của Trung Quốc khẳng định xâm lược không thể sinh ra chủ quyền đối với vùng lãnh thổ".

Điểm thứ hai, ông Hải phân tích rằng công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 không đề cập đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và điều đó phù hợp với thực tế lịch sử. Các quần đảo nằm dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa do Pháp chuyển giao năm 1956 phù hợp với Hiệp định Geneva.

Đấu tranh ngoại giao và thực địa


Ngày 1/5, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 80 hải lý, phía nam quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Để thực hiện cái gọi là bảo vệ giàn khoan, Trung Quốc đã huy động lượng máy bay và tàu lên đến cả trăm chiếc, đỉnh điểm có ngày lên tới 134 tàu. Những tàu này thường có hành động hung hăng ngăn cản, phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Chính phủ Việt Nam đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng tàu và máy bay ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đồng thời tố cáo hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại các Hội nghị của khu vực ASEAN và các Diễn đàn quốc tế.

Trên kênh ngoại giao đa phương, Việt Nam đưa vụ việc này ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 diễn ra ngày 11/5 tại Myanmar, Diễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á tại Philippines, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng yêu chuộng hòa bình thế giới.

Trên các diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Việt Nam khẳng định kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình và phù hợp luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, nhằm đề nghị Bắc Kinh phản hồi tích cực trước yêu cầu rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ông cũng có các cuộc nói chuyện điện thoại với bộ trưởng ngoại giao các nước Mỹ, Nga, Indonesia và Singapore để thông báo những nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hôm 20/5 gặp với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn bên lề hội nghị quốc phòng các ASEAN (ADMM) tại Myanmar, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi khu vực.

Tại thực địa, các tàu kiểm ngư của ta vẫn kiên trì đấu tranh hòa bình, triển khai khoảng 20 tàu, tiến sâu và áp sát giàn khoan hơn để phát loa tuyên truyền, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

(Theo VnExpress)