Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ký hợp đồng với người giúp việc từ ngày 25-5: Thêm việc cho xã phường

(07:38:54 AM 23/05/2014)
(Tin Môi Trường) - Bộ Lao động - thương binh và xã hội vừa đưa dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 27 của Chính phủ về quản lý lao động giúp việc gia đình để lấy ý kiến.



Bà Tống Thị Minh - Ảnh: Tây Giang
 

Bà Tống Thị Minh, vụ trưởng Vụ Lao động - tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), cơ quan chấp bút cho dự thảo nghị định 27 và thông tư hướng dẫn nghị định này, cho biết:

- Dự thảo thông tư cụ thể các trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Ví dụ như việc trả tiền bảo hiểm xã hội vào lương cho người lao động thì chủ sử dụng phải ghi cả vào hợp đồng. Chủ sử dụng phải tôn trọng quyền, nhân phẩm của người giúp việc gia đình, có chỗ ăn ở sạch sẽ hợp vệ sinh cho người lao động. Người lao động giúp việc gia đình cũng phải có trách nhiệm đền bù nếu làm hỏng hóc dụng cụ và có trách nhiệm báo trước nếu kết thúc hợp đồng lao động.

* Có nhiều quy định trong dự thảo thông tư nghiêng về quyền lợi của lao động giúp việc gia đình, bà có thể nói cụ thể hơn?

- Có một số quy định trong dự thảo thông tư bảo vệ quyền lợi cho lao động giúp việc gia đình như chủ sử dụng phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động nếu hợp đồng lao động chấm dứt đúng thời hạn, mức trợ cấp mỗi năm làm việc tương đương 1/2 tháng lương. Có quy định này là do lao động giúp việc gia đình không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Hợp đồng lao động chấm dứt đúng hạn thì chủ sử dụng lao động trả tiền tàu xe về quê cho người lao động... Chủ sử dụng lao động cũng phải tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí để người lao động được học hành, bổ túc thêm nếu họ có nhu cầu. Hợp đồng lao động giúp việc gia đình cơ bản sẽ nhiều nội dung hơn so với các loại hợp đồng lao động khác.

* Dự thảo thông tư có quy định việc phải ghi rõ số tiền thưởng cho người giúp việc gia đình - điều mà các loại hợp đồng lao động khác chưa từng có. Như vậy có quá ưu ái cho lao động giúp việc không, thưa bà?

- Thực tế hầu hết gia đình sử dụng lao động giúp việc đều có các khoản thưởng cho người lao động. Do vậy qua quá trình cân nhắc, chúng tôi đưa vào dự thảo quy định trong hợp đồng lao động có ghi mức thưởng cho người lao động và kỳ hạn trả thưởng theo tuần, tháng hoặc năm, hình thức trả thưởng bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt.

* Vấn đề thời gian làm việc, nghỉ ngơi cũng rất đặc thù với lao động giúp việc nhà. Quy định “cứng” họ chỉ làm việc 8 giờ/ngày liệu có dẫn tới việc chủ sử dụng lao động trả lương làm thêm giờ?

- Trong hợp đồng lao động phải ghi rõ thời điểm bắt đầu và kết thúc công việc trong ngày, số giờ nghỉ ngơi trong ngày tối thiểu của người lao động cũng khoảng tám giờ, số ngày làm việc trong tuần, số ngày nghỉ trong tuần, trong năm và nghỉ theo lễ tết, số ngày nghỉ không hưởng lương... Các quy định này phù hợp với Luật lao động và các công ước quốc tế. Khi đưa ra những quy định này, chúng tôi cũng thấy nhiều gia đình có nhu cầu cần khoảng thời gian riêng tư không có người giúp việc. Tuy nhiên, cơ bản sẽ do thỏa thuận công việc giữa hai bên.

* Cách nào để cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện đúng các quy định ghi trong hợp đồng lao động?


- Ở đây vai trò quản lý cơ bản là chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương phải phân công cán bộ theo dõi quản lý việc sử dụng lao động giúp việc gia đình, lập sổ quản lý và kiểm tra tình hình sử dụng lao động giúp việc gia đình để báo cáo. Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất với một số tổ chức hỗ trợ kỹ thuật để chúng tôi xây dựng các tờ rơi tuyên truyền và thí điểm tập huấn triển khai tại một số địa phương. Chúng tôi cũng đang dự tính sẽ phát hành cuốn sách cầm tay hướng dẫn các cán bộ xã phường phụ trách vấn đề này.

* Việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý sẽ được thực hiện thế nào để bắt buộc các chủ sử dụng lao động phải ký hợp đồng với người giúp việc?


- Chính quyền địa phương sẽ tự thanh tra, kiểm tra. Cơ quan thanh tra chuyên ngành thanh tra các doanh nghiệp còn không hết nên sẽ không thể đến thanh tra các hộ gia đình.

* Như vậy việc kiểm tra thực hiện sẽ được “đẩy” về xã phường, trong khi xã phường hiện nay đã quá nhiều việc. Bà đánh giá như thế nào về khả năng thực hiện các quy định này ở xã, phường?

- Như tôi đã nói, dự thảo thông tư quy định xã, phường phải cắt cử người để phụ trách tiếp nhận đăng ký, tiếp nhận tố cáo của người lao động và có kiểm tra định kỳ sáu tháng một lần để báo cáo lên cấp trên. Đây cũng là nội dung báo cáo bắt buộc định kỳ sáu tháng của các phòng lao động cấp quận huyện. Muốn làm tốt việc này, chắc chắn các địa phương phải tăng thêm trách nhiệm quản lý trên địa bàn. Họ cũng có thể phối hợp với các cộng tác viên nghề công tác xã hội để cùng làm.

(Theo TTO)