Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đắng cay ớt mình!

(16:15:18 PM 22/05/2014)
(Tin Môi Trường) - Mặc dù không ăn cay bạo bằng người Ấn, Thái, song không ít người gốc Trung, Nam bộ không thể thiếu trái ớt trên bàn ăn. Tương đương khoảng 2/3 của hơn 90 triệu dân thèm cay. Vậy mà...



Thu hoạch ớt. Ảnh: TL


Giá nhũng nhất, tại gò ớt xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là 9.000 đồng/kg. Nông dân Trần Văn Dữ quệt mồ hôi nói: “Năm rồi, gần cuối mùa khô, giá ớt không dưới 25.000 đồng/kg. Năm nay lại trở chứng lạ kỳ. Tui còng lưng hái gần cả buổi, mới được một ký ớt bún (lớn gấp rưỡi trái ớt hiểm), đủ tiền uống một ly cà phê, đốt vài điếu thuốc”.

Nguyên nhân chính không phải được mùa rớt giá mà là giống ớt không hợp thời. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tâm, tiểu thương bán rau cải ở chợ Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết, vài năm nay các chủ nhà hàng quán lớn - nhỏ, ưa mua ớt Ba Tri thay ớt hiểm. Ớt to gần bằng ngón tay cái người lớn “cay tét họng”, chẳng có hậu vị ngọt thơm như ớt chim xanh hoặc ớt xanh Quảng Nam. Vì quá cay, nên có thực khách mới thấy nó đã... chạy mặt. Vậy là còn nguyên, đỡ tốn.

“Một ký ớt tươi Ba Tri lợi bằng 2 - 3kg ớt hiểm. Vị khách nào chịu ăn cay chảy nước mắt, cũng gắp không quá hai lát suốt bữa”, ông Nguyễn Văn Trọng, chủ quán hải sản ở quận 3, TP.HCM phân tích. Giá tại các chợ lớn ở TP.HCM, khoảng 45.000 đồng/kg. Giá tại vườn cỡ 15.000-20.000 đồng/kg. Một số nông dân ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cho rằng mức giá này “thủ huề, chủ yếu lấy công làm lời”.

Cũng là “gia vị cuộc sống” nhưng hàng nội, một số chủ nhà hàng và đầu bếp uy tín chọn thương hiệu Cholimex. Giá bán lẻ khoảng 10.900 đồng/chai 270gr. Tất nhiên, “tiền nào của nấy”!

Vừa mở một quán ăn bình dân ở quận 1, TP.HCM, anh Nguyễn Trí Hùng chịu khó chạy vào chợ Bình Tây, quận 6, mua gia vị giá sỉ nhằm giảm chi phí. Đến mục tương ớt, chủ sạp tư vấn nên chọn loại chưa có thương hiệu sẽ rẻ hơn, cỡ 10.000-15.000 đồng/lít.


Còn anh Nguyễn Hoàng Nhân, KCS (kiểm định chất lượng sản phẩm) cho một công ty chuyên làm tương ớt ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP.HCM khoát tay nói: “Hàng càng rẻ càng đáng sợ. Chủ yếu là chất tạo độ sệt CMC (Carboxyl methyl cellulose), tạo màu độc hại, dùng lâu có thể gây ung thư”.


Xâu chuỗi lại, ớt mình thiếu quá nhiều thứ: giống chọn lọc, giống mới phù hợp thổ nhưỡng, thị hiếu tiêu dùng... cạnh tranh sòng phẳng.

Tấn Giang - TGTT