Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo Cục Y tế Dự phòng&Môi trường, nguy cơ lây lan mầm bệnh do “người lành mang trùng” rất lớn. Đó là những người nhiễm tả nhưng không có triệu chứng, người đã được điều trị khỏi về lâm sàng nhưng vẫn tiếp tục mang mầm bệnh.
Thời gian thải phẩy khuẩn tả của người mắc bệnh thường kéo dài khoảng bảy ngày sau khi hết tiêu chảy cấp. Chính vì vậy, các bệnh viện và người bệnh cần tuân thủ điều trị đúng yêu cầu, bệnh nhân chỉ ra viện sau khi có xét nghiệm âm tính với tả theo quy định.
Ngày 22/5, Cục Quản lý Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) thông báo có khoảng 60 phần trăm bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện dương tính với vi khuẩn tả. Trong số bệnh nhân nhập Bệnh viện các Bệnh Truyền nhiễm&Nhiệt đới Quốc gia, 98 phần trăm trường hợp thuộc 18 quận huyện trên địa bàn Hà Nội.
Bệnh nhân nhập viện sau khi ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống chiếm tỷ lệ cao nhất (42,1 phần trăm); một số khác sau ăn bún, rau sống, lòng lợn, tiết canh. Trong những bệnh nhân nhiễm tả đã có trường hợp trụy mạch, suy thận, nhồi máu cơ tim, suy tim, tuy nhiên chưa có trường hợp tử vong.
88 trường hợp tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả ở 15 tỉnh, thành phố
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Y tế Dự phòng&Môi trường (Bộ Y tế) ngày 22/5 cho biết, trên cả nước đã phát hiện 832 ca tiêu chảy cấp, trong đó có 88 ca dương tính với phẩy khuẩn tả ở 15 tỉnh, thành phố (Yên Bái và Nghệ An là hai địa phương mới nhất có bệnh nhân dương tính với khuẩn tả).
Theo ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Thái Bình, hiện tỉnh có ba trường hợp tiêu chảy cấp xác định dương tính với phẩy khuẩn tả trên tổng số 13 trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Bộ Y tế đã thành lập sáu đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm A/H1N1 và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả tại 43 tỉnh, thành phố. Theo đó, các đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện những hướng dẫn về giám sát, phòng, chống, chẩn đoán, điều trị cúm A/H1N1 và bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả tại địa phương.
Bộ Y tế nhận định, trong trường hợp dịch cúm A/H1N1 xâm nhập vào Việt Nam, nhu cầu kinh phí để triển khai hoạt động chống dịch là rất lớn, đặc biệt cho các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân và truyền thông tại cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay, lượng kinh phí chưa đáp ứng đủ nhu cầu chống dịch.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị, địa phương được bố trí và có ngân sách chi cho các hoạt động chẩn đoán, cách ly bắt buộc tại cơ sở khám, chữa bệnh. Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, công an cửa khẩu, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam thông báo sớm hành khách đi từ vùng dịch về Việt Nam cho Bộ Y tế để kịp thời theo dõi các trường hợp nguy cơ cao.
(Theo Thanh Niên, Hà Nội Mới)