Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo Reuters, đây là phản hồi bằng thư điện tử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành cho các câu hỏi gửi đi từ hãng tin này.
Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng tuyên bố Việt Nam xem xét các biện pháp pháp lý sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng biển của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm Tổng thống Philippines Bengino Aquino ngày 21-5. Ảnh: Reuters
“Việt Nam đang xem xét nhiều biện pháp phòng vệ khác nhau, bao gồm các hành động pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp đến cùng bởi lẽ chủ quyền lãnh thổ, bao gồm các vùng biển và đất liền, là thiêng liêng” - Thủ tướng nêu rõ trong thư điện tử gửi đi vào cuối ngày 21-5 khi đang ở thủ đô Manila của Philippines để dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014.
Sau cuộc hội đàm tại Manila, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Philippines cùng lên tiếng kiên quyết phải đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển của 2 nước và kêu gọi quốc tế lên án hành động của Bắc Kinh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong khi Việt Nam cố gắng dùng cách đối thoại để giải quyết căng thẳng thì Trung Quốc đáp trả bằng cách tăng cường lực lượng và dọa dẫm. “Những gì Trung Quốc nói khác xa với những gì Trung Quốc làm” - Thủ tướng tuyên bố.
Hồi cuối tháng 3, Philippines chính thức nộp đơn kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài ở The Hague, cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên biển Đông được quy định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bị khởi kiện về vấn đề này. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện và cảnh báo quan hệ với Manila sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Theo các nguồn tin ngoại giao khu vực, Việt Nam theo dõi rất sát vụ kiện của Philippines, kể cả tham vấn các chuyên gia pháp lý nước ngoài và nhận thông tin từ Philippines bất chấp việc bị Bắc Kinh gây áp lực.
Theo các chuyên gia, phán quyết của tòa án trọng tài không có cơ chế ràng buộc song nếu Philippines thắng kiện, nhiều nước khác có thể theo bước đưa Trung Quốc ra tòa. Dự kiến phán quyết được đưa ra vào cuối năm 2015.