(Tin Môi Trường) - Hàng chục tàu cuốc, hút cát (có gầu sàng vàng) liên tục cày xới, tàn phá dòng sông Lục Nam đoạn qua xã Yên Định của huyện Sơn Động. Những tàu cuốc này đều hoạt động không giấy phép, không nộp thuế tài nguyên… ngang nhiên hoạt động dưới sự bao kê của cán bộ địa phương, thách thức pháp luật.
Cận cảnh tàu cuốc đang múc cát chui tại khu vực xã Yên Định
Các cá nhân gồm: Ông Đàm Văn Lái, Bí thư Đảng ủy xã Yên Định; Ông Trương Văn Hải, Chủ tịch xã; ông Lương Văn Tuấn, cán bộ xã bị “chỉ mặt” do có hành vi tiếp tay cho sai phạm. Trách nhiệm của UBND huyện Sơn Động đến đâu, ai dung túng, bao che cho các “quan xã” làm liều ?
Làm giả hợp đồng
Trao đổi với phóng viên, ông Lương Mạnh Việt, Phó giám đốc Cty Việt Bắc cho biết: Cty Việt Bắc là doanh nghiệp duy nhất có đầy đủ giấy tờ, quy định để được xin trình các cơ quan chức năng cấp phép.
Với mong muốn cung ứng vật liệu xây dựng cho địa phương, phía Cty Việt Bắc đã được Sở TN&MT cấp phép khai thác khoáng sản. Tại khu vực mỏ cát do Cty quản lý hiện đang có 4 tàu cuốc đang “ăn cắp” khoáng sản của Nhà nước.
Ông Việt cũng thẳng thắn tố cáo các cá nhân bao che cho nạn “ăn cắp” là: Ông Đàm Tiến Lái, Bí thư Đảng ủy xã Yên Định, Ông Trương Văn Hải, Chủ tịch xã có chung “cổ phần” với một tàu cuốc do Kiều Văn Tuấn đứng tên. Ông Lương Văn Đoàn, cán bộ xã có chung cổ phần với 2 tàu cuốc của Ngô Văn Tuấn và Phạm Văn Phương. Và các cá nhân nêu tên trên đều là đồng hao hoặc em vợ với nhau. Bởi vậy, ở đây có sự bao che, dung túng nhau làm liều.
Không chỉ ngang nhiên “ăn cắp” khoáng sản, những cán bộ xã Yên Định bị tố cáo là “đánh tráo” hồ sơ, giấy tờ hòng hợp thức hóa hồ sơ sai phạm. Theo ông Việt: Phía Cty Việt Bắc chưa bao giờ ký 1 hợp đồng nào thuê mướn ông Phạm Ngọc Thắng, Giám đốc Cty TNHH Định Sơn để khai thác cát sỏi trên lòng sông. Cty chỉ có một hợp đồng duy nhất với ông Dương Văn Tĩnh, trú tại thôn Nhân Định. Sau khi đôi bên ký kết xong, có mang bộ hợp đồng lên UBND xã Yên Định nhờ ký xác nhận. Tuy nhiên, sau khi giao cho ông Trương Văn Hải, chủ tịch UBND xã Yên Định, ông này giữ lại và không trao trả nữa, lên đòi cũng không được, và kể từ đây, bản hợp đồng này bị lợi dụng.
Đơn tố cáo cán bộ xã Yên Định vi phạm pháp luật.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: ngày 25/3 vừa qua, cán bộ Sở TN&MT Bắc Giang có kiểm tra, bắt quả tang tàu cuốc của Ngô Văn Tuấn, trú tại thôn Trại Chùa, xã Yên Định. Ngày 12/4 và ngày 19/4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Bắc Giang có lập biên bản với tàu cuốc của Phạm Văn Phương (xóm Trại Chùa).
Tuy nhiên, sau khi lập biên bản và xử lý xong, các cơ quan chức năng này đi khỏi, những tàu cuốc trên lại trở lại hoạt động bình thường, thách thức pháp luật.
Ngang nhiên và thách thức
Trao đổi với phóng viên, chị Ngô Thị Lan, một người làm thuê ở đây cho biết: Bãi cát này của ông Tuấn, một người dân địa phương. Khi hỏi đến “ông chủ” này, chị Lan cho biết, không rõ vị “giám đốc” Tuấn này đi đâu.
Hỏi mấy người cũng đang xúc cát ở đây, hầu hết mọi người đều lảng tránh khi nhắc đến “ông chủ”. Mọi người đều thừa nhận, mình chỉ là người làm thuê, bởi vậy không dám “bép xép”.
Ông Dương Văn Đạt, một hộ dân sinh sống trên địa bàn xã Yên Định cho biết: Việc các tàu cuốc móc sát vào bãi bồi đang trồng ngô, khoai của bà con sẽ làm những bãi này nhanh chóng bị sụt lở, gây ảnh hưởng đến môi trường. Tai hại đến vậy, thực tế: UBND xã Yên Định dường như phó mặc, chẳng quyết liệt gì, gây bất bình cho người dân.
Qua điều tra, chúng tôi được biết, với giá bán cát vàng ngay tại bãi ven sông đã vào khoảng 180 nghìn/m3 hoặc giá 1 khối sỏi vào khoảng 190 ngàn, thì mỗi ngày, với tốc độ xúc, múc như vậy, mỗi tầu đãi sàng được mấy chục m3 cũng thu về hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Chưa kể, dòng sông Lục Nam nổi tiếng là có vàng sa khoáng với “vùng vàng Xa Lý” nổi tiếng.
Bởi vậy, không thể kiểm soát nổi lượng vàng sa khoáng móc lên sẽ vào túi ai. Các chủ tàu hút sẽ vơ vét cả: vàng, cát, sỏi mà không chịu mất một đồng tiền thuế nào. Một số lượng tài nguyên rất lớn đang bị bòn rút, ăn cắp công khai đêm ngày mà không bị xử lý triệt để.
Để “mục sở thị” nạn ăn cắp khoáng sản, chúng tôi đến khu vực xã Yên Định, ngay từ đoạn sông vào xã này đã thấy hai chiếc tàu hút, múc có sàng đãi vàng liên tục vục vào các bãi bồi ven sông. Từng mảng, từng mảng đất bồi lở dần ra, lăn xuống dòng sông Lục Nam. Nước đục ngầu.
Quan sát, chúng tôi thấy chiếc tầu này có cần dài khoảng 12 m, với dàn xẻng khoảng 20 lưỡi, tuần tự, lần lượt vục theo vòng, móc xuống lòng sông. Rất bài bản, cát, sỏi được múc lên, đổ ra sàng, sàng lọc tuần tự, liên hồi, cát ra cát, sỏi ra sỏi… sau đó cát – sỏi được chảy về một chiếc tàu con để chạy về bờ, bơm lên bãi ven đường. Còn những “cặn vàng” nếu có thì vẫn nằm đọng lại trên máng sàng.
Đi khắp khu vực lòng sông Lục Nam, đoạn xuống cống ngầm của xã Yên Định, chúng tôi thấy số lượng tàu hút lên đến hơn 10 chiếc, chiếc nào cũng nổ máy phành phạch, khói um, đua nhau xúc, múc, hút xoáy vào lòng sông Lục Nam cũng như các bãi bồi ven sông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp.
Ông Lê Quang Thanh, Phó phòng TN&MT huyện Sơn Động.
Trả lời phóng viên, ông Lê Quang Thanh, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Sơn Động thừa nhận: Đúng là có một số tàu cuốc đang hoạt động là “tàu chui”, nhưng về phía Phòng TN&MT thì chỉ biết báo cáo, còn trách nhiệm truy quét, đẩy đuổi, thu giữ tàu cuốc là trách nhiệm của Cảnh sát môi trường và Công an huyện Sơn Động.
Hiện địa phương đang cố “xử lý” các tàu cuốc kia, một vị phó chủ tịch UBND huyện sẽ làm trưởng đoàn. Tuy nhiên, để khẳng định một lời hứa “có đẩy đuổi được “cát tặc” hay không thì ông Thanh không trả lời.
Nạn ăn cắp khoáng sản ở Sơn Động – Bắc Giang đã ở mức báo động, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trước khi quá muộn.
Một số hình ảnh do phóng viênghi nhận tại sông Lục Nam đoạn qua xã Yên Định của huyện Sơn Động:
Một con tàu khác đang táp sát vào bãi bồi để nạo hút.
Thêm một con tàu cuốc “chui” nữa.
Cát tặc được bơm lên bờ và xúc bán cho các xe công nông chở đi bán.