Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nỗ lực phục hồi sinh thái biển

(08:47:09 AM 15/05/2014)
(Tin Môi Trường) - Sau hơn một giờ đồng hồ chở nhóm cán bộ kỹ thuật, thợ lặn, san hô giống và thiết bị di chuyển trên biển, chiếc tàu của Khu Bảo tồn biển dừng lại trên vùng biển Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp, thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngay khi tàu dừng, thành viên trên tàu, mỗi người một việc để đưa san hô giống xuống “cấy” vào những vị trí đã định dưới lòng biển một cách thuần thục.

Ảnh: TL

 

Người đầu tiên lặn xuống biển là đội trưởng Huỳnh Văn Đức. Sau khi mặc bộ quần áo điều phối khí (BCD) và có chức năng giữ ấm cho cơ thể, mang sau lưng bình hơi chứa khí ô xy nặng 21 kg, kiểm tra đầy đủ các thiết bị hỗ trợ lặn biển, đeo cặp kính lặn, mang chân vịt và cộng thêm một dây thắt lưng gắn các thỏi chì cho tăng trọng lượng cơ thể… đội trưởng đội thợ lặn Huỳnh Văn Đức ngồi lên thành mạn thuyền rồi nhẹ nhàng ngã người ra phía sau. Thoắt cái, đội trưởng Huỳnh Văn Đức cùng giỏ đựng san hô giống được tách khỏi tập đoàn trước đó và được bổ sung khí ô xy liên tục trong suốt hành trình di chuyển đã lặn sâu vào lòng nước để thực hiện công việc làm nhà cho cá ở tận đáy biển. Sau khi đội trưởng Đức lặn xuống biển, các đội viên còn lại đều là những thợ lặn cừ khôi, được tập huấn kỹ năng làm việc dưới nước, kỹ thuật lặn sâu hơn 18 mét và được tổ chức lặn biển quốc tế Scuba cấp bang, đã lần lượt lặn sâu xuống đáy biển để thực hiện công việc của mình. Cứ mỗi chuyến lặn khoảng 30 phút, mỗi thợ lặn cấy vào lòng biển khoảng 100 tập đoàn san hô.

Kỹ sư Lê Vĩnh Thuận, cán bộ kỹ thuật Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm và kỹ sư Huỳnh Ngọc Diên, Điều phối viên dự án khôi phục rạn san hô cho biết: Với hơn 300 loài san hô, thuộc 40 giống và 17 họ, vùng biển Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, được đánh giá là vùng biển có hệ sinh thái đa dạng và phong phú bậc nhất ở nước ta. Tuy nhiên, trước sự can thiệp quá sức của nhiều yếu tố khác nhau, hàng loạt rạn san hô ở biển Cù Lao Chàm đã bị trầm tích, nhiều khu vực bị hủy hoại nghiêm trọng. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, tổ chức quốc tế “Rừng ngập mặn cho tương lai” (MFF) đã hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 400 triệu đồng để Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm và cộng đồng dân cư nơi đây cùng tham gia phục hồi lại những rạn san hô quý giá này. Tại khu vực biển Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp, các thợ lặn do cộng đồng cử ra và đã được tập huấn về kỹ thuật cấy san hô, kỹ năng làm việc dưới nước, có nhiệm vụ trồng 2.400 tập đoàn san hô cứng trên vùng diện tích rộng hơn 2000 mét vuông, ở độ sâu từ 6-10 mét.

Để cấy một tập đoàn san hô, sau khi vệ sinh sạch nền đá vôi, các thợ lặn dùng hai cây đinh dài khoảng 10 cm đóng chắc vào nền san hô đã bị chết, sau đó dùng sợi dây rút bằng nhựa buộc chặt tập đoàn san hô vào 2 chiếc đinh này. San hô giống sẽ tiết ra chất nhờn để bám vào nền đá vôi và phát triển. Đối với san hô sừng, sau một năm, mỗi cá thể phát triển được 10 cm, san hô dạng não và dạng phiến sau một năm phát triển được 1cm. Trong khuôn khổ dự án, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã xây dựng được 2 vườn ươm chứa tập đoàn san hô gốc có chất lượng cao và hơn 7.200 tập đoàn san hô giống cứng được phục hồi tại 3 vùng với tổng diện tích hơn 6.000 mét vuông trong lòng biển. Kỹ sư Lê Vĩnh Thuận cho biết thêm, để đảm bảo chất lượng rạn san hô khi phát triển trên diện rộng, san hô giống được tách ra từ những cá thể bố mẹ ở vùng biển Vũng Nhàn (Cù Lao Chàm) là nơi được xác định có nguồn giống san hô tốt và di dời đến các vùng biển đã chọn để nhân giống, phục hồi. Hiện có nhiều phương pháp di dời san hô giống nhưng phương pháp phổ biến nhất là sử dụng thiết bị tách tập đoàn từ nguồn giống tự nhiên.

Kỳ vọng lớn nhất của dự án này là sẽ làm thay đổi một cách căn bản nhận thức của cộng đồng về giá trị của rạn san hô, bởi đây chính là môi trường sống lý tưởng của các loài hải sản. Ngoài ra, khi san hô trưởng thành và phát triển trên diện rộng sẽ mở ra triển vọng mới về phát triển du lịch lặn biển đã manh nha từ mấy năm qua ở vùng biển Cù Lao Chàm. Là ngư dân tham gia dự án khôi phục rạn san hô, anh Phạm Văn Trọng ở thôn Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp cho biết: Phục hồi nền san hô sẽ giúp cải thiện và cân bằng môi trường sinh thái. Môi trường sống của các loài san hô cũng chính là môi trường sinh sống lý tưởng của các loài thủy sản. Rạn san hô trong lòng biển là “ngôi nhà” chung của các loài thủy sản. Do đó phục hồi, tái tạo và phát triển rạn san hô có sự tham gia của cộng đồng chính là làm cho ngôi nhà sinh thái tự nhiên được cân bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các loài thủy sản, nhất là các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao trên vùng biển Cù Lao Chàm sinh sôi nảy nở nhiều hơn, phong phú hơn.

Đoàn Hữu Trung-TTXVN