Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Công an nói gì?
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Tuấn Phượng - Trưởng Công an huyện Nghĩa Đàn nói: “Phía TH gửi đơn thư tố cáo, khiếu kiện về hành vi của cô Trâm nên chúng tôi phải tiến hành xử lý vụ việc. Dựa trên văn bản mà Công ty TH đã gửi về những nội dung mà họ cho rằng cô Trâm đã viết sai sự thật hoặc vi phạm pháp luật. Đối chiếu với bức thư cô Trâm viết trên Facebook, công an đã xác minh và có buổi làm việc trực tiếp với cô Trâm”.
Thực tế cô Trâm viết: “Bởi lẽ cô hàng xóm, một dân đen đúng nghĩa cũng chỉ vì muốn đòi lại quyền lợi khi bị tước đoạt đất đai, mà kết quả lại bị tước đoạt quyền công dân khi phải chịu án trong nhà đá, nên cháu hi vọng những điều cháu tâm sự sẽ không có kết cục như trên..”. Dùng từ “tước đoạt” ở đây là không đúng. Sự thật là trước đó, có 1 vụ gây rối trật tự công cộng, công an huyện đã bắt 2 đối tượng: Đàm Phi Luyện và Trần Thị Phượng (là cô hàng xóm mà cô Trâm nói đến). Hai trường hợp này, đã kích động mọi người gây rối, đứng lên hô hào phản đối dự án khi có đoàn làm việc của Trung ương, của tỉnh, và các chuyên gia về.
Đó là hành vi gây rối trật tự công cộng, đã bị tòa án xử phạt Trần Thị Phương 3 năm tù và Đàm Phi Luyện 5 năm tù. Hiện nay 2 đối tượng này đều đã ra trại cả rồi. Đất đai nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng đều có đến bù, nên không thể nói là bị tước đoạt. Việc xử ai đó đi tù là tòa án xử theo pháp luật, nên cũng không thể gọi là tước đoạt quyền công dân.
Hơn nữa, về mức lương của chị gái cô Trâm được nói đến trong bức thư khoảng 2 triệu đồng/tháng là hoàn toàn không đúng. TH đã điều tra bản lương và lương của cả 2 vợ chồng chị gái cô Trâm là gần 10 triệu đồng mỗi tháng.
Mặt khác, cô Trâm có những nhận định mang tính chủ quan “đổ” cho TH là nguyên nhân gây bệnh ung thư. Nhà máy sữa TH mới hoạt động cách đây hơn 5 năm, và sử dụng toàn hóa chất thân thiện với môi trường. Cán bộ, công nhân TH hiện có khoảng 1.500 người, và chưa ai mắc bệnh ung thư vì làm việc trong nhà máy. Cũng không có căn cứ khoa học, hay kết quả giám định nào để kết luận.
Thứ 4, cô Trâm đã có dùng một số từ xúc phạm đến danh dự của bà Thái Hương, Chủ tịch tập đoàn TH.
Đại tá Phan Tuấn Phượng cho rằng: bức thư của cô Trâm có hậu quả rất lớn. Nếu cô Trâm viết thư gửi riêng thì không vấn đề gì, nhưng đăng tải lên mạng xã hội, có hàng nghìn lượt chia sẻ, và bình luận, gây phản cảm cho bản thân bà Thái Hương và gây thiệt hại uy tín, lợi ích kinh tế của sản phẩm sữa TH.
Văn bản của Công ty thực phẩm sữa TH gửi các cơ quan chức năng
“Cô Trâm có thể yên tâm làm việc”
Giải thích cho nhưng vấn đề mà công an nhận định ở trên, cô giáo Hoàng Thị Trâm nói: “Nếu chú ý đọc cho kỹ, trong bức tâm thư tôi luôn dùng những từ phủ định: “Cháu không viết thư để đòi lại những vườn cam, vườn cao su, vườn mía không còn nghĩ đến chuyện người dân xóm cháu thức ngày đêm để đòi quyền bồi thường thỏa đáng, cũng không than vãn hộ chị gái… không gào thét bắt TH phải trả lại mạng sống cho Bố cháu, cho Bác ruột của cháu, những người hàng xóm của cháu lần lượt ra đi vì căn bệnh ung thư…”.
Việc những người thân, người dân xung quanh mất do bị bệnh ung thư, cô rất đau lòng. “Nhưng bản thân tôi cũng không thể xác thực được nguyên nhân căn bệnh ung thư là do đâu, nên tôi chỉ muốn nói đến việc ô nhiễm là sự thật đang diễn ra tại Đông Lâm, mà bao nhiêu người dân đều chứng kiến và chịu đựng. Tôi chỉ mong tập đoàn TH sớm hoàn thành những lời hứa với dân chứ không hề đổ lỗi cho ai”, cô Trâm giãi bày.
Việc đưa ra mức lương cơ bản 2 triệu đồng/tháng của chị gái, cô Trâm bảo đó là cô nhớ lại trong một lần 2 chị e có tâm sự với nhau, chứ lương hiện tại của chị gái, cô chưa cập nhật biết được. Nó có thể là con số không chính xác, nhưng ước lượng như vậy. Và ý nói đây là lương cơ bản hằng tháng, chưa tính tiền phụ cấp, hay thưởng.
Cũng theo cô Trâm thì, ô nhiễm môi trường tại xóm Đông Lâm là có thật. Và cũng như việc những lái xe TH chở phân, chở nguyên liệu đến trại bò sữa, chạy với tốc độ cao, Đại tá Nguyễn Tuấn Phượng cũng thừa nhận là đã từng có. Sau khi dân phản ánh và công an lên làm việc, thì TH đã tìm cách khắc phục, chuyển sang xe bồn chở phân. Hiện tại, Công an huyện cũng đang có các chốt CSGT kiểm tra, xử lý vấn đề này.
Ngày 28/4/2014, UBND huyện Nghĩa Đàn, cùng với Công an huyện này đã về tổ chức họp dân tại xóm Đông Lâm nắm tâm tư nguyện vọng và giải đáp những thắc mắc, yêu cầu của người dân. Đặc biệt là trong thời điểm người dân cũng đang có nhiều ý kiến quan tâm đến bức thư của cô Hoàng Thị Trâm.
“Nhà nước không ngăn cản mạng xã hội. Trang mạng cá nhân mỗi người có quyền chia sẻ, nhưng với nội dung phù hợp với luật pháp, và hiến pháp. Nếu viết những điều không đúng, làm tổn hại đến lợi ích của cá nhân khác, lợi ích tập thể, quốc gia, thì là vi phạm pháp luật. Nếu đưa ra trích dẫn không đúng, vu khống, bịa đặt, thì phải xử lý. Sống trong xã hội nhà nước nào thì phải tuân thủ luật pháp của nhà nước đó’, Đại tá Phượng trả lời.
Cũng theo đại tá NguyễnTuấn Phượng thì, về mặt hình sự không xử lý gì cả, cái sai của cô Trâm chưa đến mức để bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. Mục đích của cô cũng chỉ nhằm mong người dân trong xóm sớm được tái định cư. Cách xử lý của công an huyện là mời cô Trâm lên nói chuyện, phân tích đúng – sai, nhắc nhở, giải thích để cô hiểu rõ những ý kiến chủ quan, không đúng của mình gây tổn hại đến dạnh dự, uy tín danh dự của người khác và làm tổn hại đến uy tín của tập đoàn TH. Sau buổi làm việc, cô Trâm đã hiểu rõ vấn đề, và hứa sẽ gỡ bỏ bài viết trên trang Facebook cá nhân của mình. Về phía chúng tôi, cũng cam đoan cô không bị xử lý để cô có thể yên tâm làm việc.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn: “Tái định cư vẫn phải từ từ”
Xử lý phân bò ở TH True Milk - Ảnh Vietnam+
“Tại buổi làm việc với người dân xóm Đông Lâm, chúng tôi đã trao đổi về các vấn đề như: Sử dụng lao động, hỗ trợ cho học sinh sinh viên, giải quyết ô nhiễm môi trường và vấn đề tái định cư. Hiện nay, xóm Đông Lâm đang có hơn 100 lao động của 86 hộ dân làm việc tại Công ty TH. Hiện chúng tôi đang rà soát đối tượng nào có đất bàn giao dự án để bố trí việc làm. Vấn đề học bổng học sinh, sinh viên, cũng đang được giải quyết dần dần.
Cô Hoàng Thị Trâm cũng là một trong những người được hưởng thụ từ dự án, đã nhận 12 triệu tiền học bổng dành cho sinh viên khá giỏi. Về tình trạng ô nhiễm môi trường, có một điểm tập kết phân theo phản ánh của người dân là ở ngay đầu nguồn nước của xóm Đông Lâm, tôi đã chỉ đạo Phòng tài nguyên môi trường huyện, phối hợp với TH kiểm tra. Nếu ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân sẽ dừng ngay việc đổ phân và di dời sang địa điểm khác. Riêng vấn đề tái định cư, theo nguyên tắc là dựa vào nguồn vốn từ tỉnh, nên đang xúc tiến từ từ, và cần có thời gian. Việc hoạt động của Công ty TH có những hạn chế, huyện đang tích cực chỉ đạo, phối hợp các bên cùng với các bộ phận của TH để khắc phục ngay và dần dần những vấn đề mà người dân nêu ra”.