Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bộ Y tế kêu gọi chấm dứt sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh

(18:28:46 PM 14/05/2014)
(Tin Môi Trường) - Ngày 14/5/2014, Tổ chức TRAFFIC Đông Nam Á – Chương trình Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng tại Hà Nội đã gửi TCBC cho TMT cho biết: Trong tháng 5, Cục Quản lý Y dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế Việt Nam, TRAFFIC - Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã, và WWF Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo nhằm bàn các phương thức mà những người hành nghề Y dược cổ truyền có thể chung tay bảo vệ tê giác.

Hội thảo đầu tiên đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 07 tháng 5 và hội thảo thứ hai sẽ được diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 16 tháng 5 tới. Khoảng hơn 100 đại biểu tham gia, bao gồm những người hành nghề, các chuyên gia Y dược cổ truyền và đại diện của Bộ Y tế, sẽ cùng thảo luận các cách truyền tải thông điệp nói không với việc sử dụng sừng tê giác.

 

Ảnh minh hoạ IE

  

Tại các cuộc hội thảo này, đại biểu đã được tiếp nhận một số thông tin liên quan đến nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã, đặc biệt là cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác hiện nay, việc sử dụng sừng tê giác trong các bài thuốc cổ phương trong y học cổ truyền, một số loại dược liệu thay thế sừng tê giác hiệu quả và các luật cũng như quy định hiện hành liên quan đến bảo vệ tê giác tại Việt Nam.

 

Tiến sỹ Naomi Doak, trưởng đại diện TRAFFIC Đông Nam Á – Chương trình Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng đã trình bày trong hội thảo ngày 7 tháng 5 về chi tiết của cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác. Theo báo cáo của Bộ Môi trường Nam Phi, 1004 cá thể tê giác đã bị giết trong năm 2013, và tính đến ngày 11/4/2014 đã có 277 cá thể bị giết từ đầu năm. Một trong những nguyên nhân chính cho dẫn đến việc gia tăng số vụ săn bắn trái phép tê giác và cuộc khủng hoảng hiện nay là việc tiêu thụ tại các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.

 

Hội thảo ngày 7 tháng 5 và hội thảo sắp tới ngày 16 tháng 5 đưa ra cơ hội để TS. Doak trình bày tóm tắt nghiên cứu nhanh gần đây về Hành vi và thái độ người tiêu dùng sừng tê giác tại một số tỉnh thành ở Việt Nam. Nghiên cứu nhanh này là một phần trong chiến dịch toàn cầu của WWF và TRAFFIC về Chấm dứt nạn buôn bán các loài động thực vật hoang dã trái phép, nhằm xác định những nhóm tiêu thụ chính các sản phẩm bất hợp pháp này và động cơ sâu xa đằng sau quyết định mua và sử dụng các sản phẩm này. Nghiên cứu cho thấy niềm tin trong dân gian sử dụng sừng tê giác làm thuốc là một trong những động cơ mua và sử dụng sừng tê giác.

 

Giáo sư Bác sỹ Hoàng Bảo Châu, nguyên Viện trưởng Viên Y học cổ truyền Việt Nam, đã có bài thuyết trình tại hội thảo ngày 7 tháng 5 cùng với một bài thuyết trình được chuẩn bị bởi GS. TS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng Sừng tê giác không chữa được ung thư. Thêm vào đó, PGS. TS. Trần Lưu Vân Hiền, nguyên trưởng phòng Đông Y thực nghiệm, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương, đã trình bày về các loại dược liệu có thể thay thế sừng tê giác, trong đó có một số loại thuốc thảo dược.

 

Phần thảo luận buổi chiều của hội thảo tại Hà Nội, các đại biểu đã tham gia rất nhiệt tình và đồng ý rằng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền sẽ phác thảo một đề xuất trình Bộ Y tế xem xét cân nhắc trước khi gửi đi các tỉnh và các hội Đông Y với thông điệp nói không với việc sử dụng sừng tê giác và các loài đang bị đe dọa khác trong nỗ lực hỗ trợ công tác bảo tồn của quý Cục. Các đại biểu cũng thỏa thuận nhất trí rằng không có bằng chứng để chứng minh cho những lời đồn thổi rằng sừng tê giác có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Các bước tiếp theo bao gồm một cuộc thảo luận để xác định cách tốt nhất truyền tải thông điệp này đến người tiêu thụ sừng tê giác cho các mục đích chữa bệnh.

 

“TRAFFIC sẽ cộng tác chặt chẽ với Bộ Y tế để xây dựng đề xuất. Chúng tôi rất vui mừng nhìn thấy cam kết của quý Bộ trong cuộc chiến để bảo vệ tê giác và những hành động mạnh mẽ đang được thực hiện để đảm bảo các quy định và cam kết hiện hành được tôn trọng” TS. Naomi Doak phát biểu. Cũng theo TS. Doak: “Đối với những loài động vật này, chúng ta đang ở một bước ngoặt và nếu chúng ta không làm việc cùng nhau, chúng ta có thể đối mặt với một thế giới mà không còn những loài này tồn tại”.

 

Theo GS. BS Hoàng Bảo Châu “Hiện nay tê giác đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do săn bắn trộm, loài này có tên trong sách đỏ và được bảo vệ bởi pháp luật. Vì vậy mặc dù sừng tê giác được nhắc tới trong một số sách Y dược cổ truyền cổ phương, nhưng dưới góc độ là bác sỹ đông y, tôi nghĩ chúng ta nên hành động bằng cách sử dụng các loại thuốc thay thế và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân”.

 

Trong phần tổng kết hội thảo, ThS, BS. Nguyễn Hoàng Sơn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền nhấn mạnh: “Cục quản lý Y Dược Cổ truyền sẽ kết hợp với các ban, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu các giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ tê giác, góp phần gìn giữ sự đa dạng sinh học toàn cầu”.

PHƯƠNG KHANH - TMT