Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thu hồi giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cấp cho sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) Rockmen của Công ty cổ phần Sao Thái Dương do vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm.
Đáng nói, trên thị trường hiện nay, công ty này còn đang lập lờ bán một loại rượu Rockmen có hình thức giống hệt sản phẩm TPCN và được quảng cáo lập lờ như TPCN.
Ỡm ờ nửa rượu nửa TPCN
Theo ông Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cuối năm 2013, Cục đã cấp 2 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định cho 2 sản phẩm TPCN của Công ty cổ phần Sao Thái Dương (Hoàng Mai, Hà Nội) là TPCN Rockmen và TPCN Rockmen 12. “Các sản phẩm này được ngâm trong rượu với nhiều loại thảo dược khác nhau” – ông Trung cho biết.
Khách hàng khó phân biệt được chai rượu Rockmen (trái) và chai thực phẩm chức năng Rockmen.
Trên truyền hình cũng như nhiều trang báo mạng, Công ty cổ phần Sao Thái Dương đã quảng cáo rầm rộ về TPCN Rockmen và Rockmen 12 “là một dòng đồ uống của Công ty Sao Thái Dương được chiết xuất từ 14 loại thảo dược thiên nhiên, đã loại bỏ hoàn toàn những độc tố cũng như tạp chất có trong nguyên liệu rượu làm thức uống này trở lên êm dịu và thơm ngon và còn có những công dụng đặc biệt như tăng cường sinh lực cho cơ thể, hoạt huyết, cải thiện giấc ngủ, giải độc, hạn chế nguy cơ sỏi thận, hỗ trợ tiêu hóa”.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, rất nhiều phản ánh cho thấy, công ty này đang lập lờ giữa sản phẩm TPCN và rượu. Thanh tra Cục An toàn thực phẩm tìm hiểu và được biết, ngoài 2 TPCN nói trên, Công ty cổ phần Sao Thái Dương còn có 2 sản phẩm rượu khác do Sở Y tế tỉnh Hà Nam cấp phép là Rockmen đen và trắng (sản xuất ở khu công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Hà Nam).
Theo danh sách đại lý tại các nhà thuốc tư nhân do Công ty cổ phần Sao Thái Dương cung cấp, phóng viên NTNN đi hỏi khá nhiều nhà thuốc về TPCN Rockmen thì lại được giới thiệu rượu Rockmen do Sở Y tế Hà Nam cấp phép.
Tại một nhà thuốc tư nhân trên đường Thụy Khuê (Hà Nội), phóng viên đã mua một chai rượu Rockmen với giá 70.000 đồng. Người bán hàng cho biết chỉ được giới thiệu duy nhất một loại rượu “Rockmen” chứ không có TPCN Rockmen hay Rockmen 12 nào khác.
Trên nắp chai rượu Rockmen có số đăng ký 003/2014/YTHaNam-TNCB. Về hình thức, chai rượu Rockmen này không khác gì những chai Rockmen TPCN và cũng có nồng độ 33% (chỉ khác mỗi số đăng ký trên nắp chai). Trên nhãn của Rockmen có ghi: “Là rượu đặc biệt, hương thơm đặc trưng, vị êm dịu được kết hợp độc đáo giữa rượu sạch và các thảo mộc quý”, tương tự như các sản phẩm TPCN Rockmen và Rockmen 12 đã được quảng cáo.
Trên các báo mạng, Công ty cổ phần Sao Thái Dương cũng quảng cáo rầm rộ về tuần lễ “Chương trình TPCN Rockmen 12 thăng hoa ẩm thực Việt” uống Rockmen miễn phí trong tháng 3 tại nhiều nhà hàng lớn của Hà Nội. Nhưng hình ảnh trên bàn nhậu cũng chỉ toàn chai “Rockmen”.
Người dùng khó mà phân biệt được đó là chai rượu Rockmen hay chai TPCN Rockmen. Riêng nhãn chai TPCN Rockmen 12 có thêm chữ số 12 còn hình thức cũng tương tự.
Lập lờ để quảng cáo
Theo ông Trần Quang Trung, ngoài việc phạt tiền, thu hồi giấy xác nhận công bố sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã buộc Công ty cổ phần Sao Thái Dương phải cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng; dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy lô sản phẩm không đạt; thu hồi sản phẩm vi phạm về ghi nhãn để khắc phục…
Theo quy định của Bộ Y tế, nếu là TPCN thì trên nhãn mác phải có ghi hướng dẫn sử dụng, nhưng nhãn mác của TPCN Rockmen cũng không có dòng này.
Dư luận đặt câu hỏi phải chăng có tình trạng “đánh lận con đen” giữa hai sản phẩm rượu và TPCN cùng với tên gọi Rockmen? Nếu khách hàng cứ tin vào lời của Công ty Sao Thái Dương, uống TPCN để bồi bổ cơ thể mà không biết đang uống rượu thì sẽ rất hại đến sức khỏe.
Rượu thuốc là một dược phẩm nên phải tuân thủ nguyên tắc, đúng bệnh, đúng liều lượng. Nếu để trị bệnh, trước hết người bệnh phải được thầy thuốc chuyên khoa khám tỉ mỉ và chẩn đoán chính xác, sau đó mới chọn phương thức và bào chế rượu thuốc cho phù hợp. Nếu dùng quá nhiều, người dùng có thể bị ngộ độc rượu.
Phải chăng do cơ quan cấp phép đã quá “tin tưởng” vào doanh nghiệp nên mới để kẽ hở cho doanh nghiệp cùng lúc xin 2 giấy phép để ra 2 loại sản phẩm rượu và TPCN có hình thức giống hệt để dễ “treo TPCN, bán rượu”?
TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, cũng có thể có sản phẩm rượu được gọi là TPCN với điều kiện rượu chỉ là dung môi, còn các loại thảo dược ngâm trong đó là thành phần chính, có tác dụng bồi bổ cơ thể. Theo ông Đáng, đã là rượu TPCN thì không thể uống tùy tiện, muốn dùng bao nhiêu cũng được mà phải được kê đơn, được hướng dẫn và tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của nhà sản xuất.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội): Có một thực tế, hiện nay Việt Nam chưa có quy chuẩn để quy định rượu thuốc nào thì được gọi là TPCN. Chính ông Trung cũng thừa nhận: “Hiện chưa có quy chuẩn về rượu có sử dụng thảo dược” và cho rằng “doanh nghiệp xin cấp phép thì doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về sản phẩm mình công bố. Nếu làm sai thì sẽ bị xử lý”.
Theo ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): “TPCN hỗ trợ nâng cao sức khỏe, còn bia là bia, rượu là rượu. Không thể lẫn lộn giữa hai loại này. Nếu đơn vị nào cấp phép cho đồ uống có cồn là TPCN thì cơ quan đó phải xem xét lại có cấp đúng thẩm quyền, có đúng quy định của pháp luật hay không để kịp thời chấn chỉnh, xử lý”.