Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Mỗi ngày có 5, 6 chuyến chở đá sắt ra hướng thị trấn Quỳ Hợp
Nói như lời ông Lô Minh Dương - Chủ tịch UBND xã này thì: “Ở Châu Thành, đá sắt ở các khe, ở trong đất đầy và nhiều lắm”.
Có một đơn vị khai thác khoáng sản có tiếng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, với việc khai thác đá sắt ở Châu Thành, đã gây lên một dư luận không trong sáng: núp bóng những công văn đề nghị cấp đá phong thủy cho các địa chỉ lịch sử để khai thác chui khoáng vật tự nhiên.
Ầm ào tiếng máy khoan đá
Bản Cô, xã Châu Thành những ngày cuối tháng 4, gió nóng đổ ập xuống những ngọn núi nối nhau miên man. Từ UBND xã, đi ngược lên hướng xã Châu Hồng (?), cách độ một cây, những chiếc xe tải hạng nặng ì ạch chở những khối đá hàng tấn, chục tấn ngược về phía thị trấn Quỳ Hợp.
Chủ tịch UBND Lô Minh Dương nhìn những bức ảnh phóng viên chụp trên con đường chạy ngang qua UBND xã, xác nhận ngay: “Đó là xe của Công ty CP đá và khoáng sản Phủ Quỳ từ trên điểm khai thác sắt bản Cô đi xuống. Mỗi ngày có 4,5 chuyến xe như vậy”, ông Dương nói.
Con đường tỉnh lộ 532 đi qua xã Châu Thành đã từ lâu thành trở ngại với người đi đường. Đi một đoạn, đường uốn lên như vồng khoai rồi trũng xuống lọt thỏm, ô tô con đi không quen sơ sẩy sẽ dính vài pha cạt gầm. Chiếc xe của Công ty đá và khoáng sản Phủ Quỳ, ì ạch, bám bụi đất như trâu đầm, chạy ung dung. Trên khoang tải, khối đá triệu năm nặng trình trịch đè xuống, qua các đoạn xấu, chiếc xe lắc lư, khối đá vẫn không suy suyển.
Điểm khai thác bản Cô từ dưới đường 532 nhìn ngược lên nhõn mắt là thấy, một con đường đất mới làm, màu vàng nhạt như nét màu, tiến dần lên gần sát đỉnh đồi rồi tõe ra hình nấm. Đó là điểm khai thác đá sắt nằm cạnh một con khe. Nơi ấy, là đất 163 của dân ở thuộc hộ ông Lang Văn Lợi, vẫn theo lời của ông Dương Chủ tịch UBND xã.
“Người ta vào đền bù thỏa thuận với dân, còn thế nào tôi không rõ”, ông Dương phân trần - “Họ vào gặp xã xin làm từ ngày 26/3, diện tích ở đó khoảng chừng 1 héc - ta. Họ cũng đề nghị ủng hộ xã một ít lệ phí. Là hỗ trợ xã một công trình vệ sinh, trị giá khoảng 40 triệu đồng”, ông Dương nói tiếp.
Đường lên điểm khai thác rải một lớp màu vàng mỡ gà, đất hóa bụi, bánh xe máy lăn qua bụi sục lên thành dải. Xe cài số 2, rồi số 1, leo lên từng đoạn không khó khăn lắm. Nhưng khi đi từ đỉnh đồi xuống, lại cần một tay lái chắc, dốc 50 - 60 độ, đất hóa thành lớp bụi dày, cả hai bánh xe trượt đi, cách duy nhất để không lao theo dốc là gập đầu xe xuống, cho nằm lại trên đường.
Có lẽ đó là lý do mà một cái lán được dựng lên ở đoạn gần đỉnh đồi, thành nơi để một dãy xe win, xe wave của công nhân khai thác. Chúng tôi tự hỏi, mấy cái ô tô tải chở đá sắt, khi từ trên đỉnh xuống, chở những khối đá nặng nề chục tấn đè lên thân xe như một người cõng trên lưng cả bao gạo lớn đi xuống dốc trơn, hẳn cảnh đó khiến người ta phải khâm phục sức mạnh cơ khí hiện đại.
Công trường khai thác núi bản Cô ầm ĩ. Tiếng của những đầu máy tiếp nước, tiếp khí (?) theo ống dẫn lên những khối đá đang được khoan, tiếng kim loại đầu khoan va đập vào các phiến đá. Âm thanh hỗn loạn, xé đi cả không gian núi đồi. Một công nhân đang ngồi trông máy, nhìn chúng tôi chỉ thoáng một chút nghi ngại rồi thôi. Anh là người trong huyện Quỳ Hợp, nói đã làm ở đây được gần 2 tháng: “Khai thác cho ông Hoài đấy (ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP đá và khoáng sản Phủ Quỳ - PV). Được nhiều chứ, xuống xe là chở về luôn. Ngày được 5,6 xe”.
Anh công nhân cho biết thêm, ở điểm này người chỉ huy là ông Tuấn, hiện đang đi ra ngoài. Tiếng nói lẫn giữa tiếng kêu rít, chạy ùng ục của máy, đứt quãng: “Ở đây có 6 công nhân. Đá ni lấy về để mà làm phong thủy. Phải khoan vì khối to quá phải chặt nhỏ ra, khoan nhỏ ra mới chở được”.
Nhìn lên phía xa xa, bên mép đỉnh đồi, một bà mế người Thái ngồi nghỉ bên chiếc gùi đi rừng về. Bà là mẹ của mấy anh em con trai, những người có đất được Công ty đá và khoáng sản Phủ Quỳ trả tiền đền bù để mở con đường chạy lên điểm khai thác. “Đất của anh Lợi (Lang Văn Lợi - người cho công ty vào khai thác đá - PV) ở chỗ khe bên, còn đất này đất của các con bà”, bà mế người Thái tận tình chỉ: “Họ mua khu vực nhỏ nhỏ ni thôi. Họ lấy làm đường vô thôi mà”.
Đại công trường khai thác núi bản Cô ầm ĩ.
Những điều khó… nói thẳng
Tại phòng làm việc Chủ tịch UBND xã, ông Lô Minh Dương giãi bày: “Báo cáo với các anh thế này, các cơ quan nhà nước cần đá này để đặt làm phong thủy. Nó rất khó xử với chính quyền địa phương. Người ta điện, người ta xin một ít hòn làm phong thủy cho cơ quan, mà không cho không được”.
Ông Chủ tịch UBND xã lâm vào thế khó khi chúng tôi hỏi về giấy phép thăm dò và khai thác đá sắt ở bản Cô. “Họ nói nếu làm thủ tục cấp phép thì không đủ chi phí vì lượng nó không nhiều, mà chúng tôi thì rất khó xử với cơ quan cấp trên”.
Mỗi ngày 5, 6 chuyến chở đá sắt ra hướng thị trấn Quỳ Hợp, trừ một vài ngày mưa xe không đi, hơn một tháng trời, khó mà kiểm đếm được có bao nhiêu hòn, bao nhiêu viên đã được múc lên khỏi ngọn đồi bản Cô. “Viên to thì vài tấn, viên nhỏ vài tạ, rồi họ đưa xe chở về mài, đánh bóng. Khi họ vào không có giấy phép gì cả, không trình hồ sơ gì cả” - ông Dương nói rõ: “Chúng tôi biết rồi, đó là sai rồi”.
Chúng tôi đi ngược lại để ra hướng thị trấn Quỳ Hợp, tại Công ty CP đá và khoáng sản phủ Quỳ, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Giang Hoài đi vắng. Qua điện thoại, chúng tôi được sắp xếp làm việc với kế toán trưởng Nguyễn Thị Việt Hà. “Thực ra cái đá đó cũng không phải là khai thác nhiều, thực ra là cơ quan cấp trên họ gần như “ép” bên chị phải lấy cái đá đó về” - chị Hà giải thích. “Họ nhờ bên chị vào khai thác, hầu như anh Hoài cũng chỉ là giúp thôi”, chị Hà cho biết thêm.
“Chị còn một cái công văn” chị Hà phô - tô cho chúng tôi một công văn cảm ơn đã cung cấp đá phong thủy có từ giữa năm 2013, và một công văn yêu cầu cung cấp đá làm phong thủy từ tháng 2 năm 2014. Rồi nhấn mạnh ý nghĩa việc làm của công ty: “Đá đó chỉ đi làm từ thiện, chứ công ty không được cái gì cả”.
Qua làm việc với cán bộ Công ty khoáng sản Phủ Quỳ thì khẳng định không có buôn bán gì đá phong thủy, nhưng trên trang website của Công ty này thì lại rao đá phong thủy
Mình dựa vào các công văn này để khai thác? Kế toán trường Việt Hà thừa nhận: “Chẳng được cấp phép khai thác, chỉ lấy một số viên về lựa chọn, phải chở về xưởng cho thợ làm”. Chị Hà nói rõ thêm: “Thực chất vào khai thác thì phải mở đường, ở đó chị không có cấp phép, không làm đó lâu, chỉ làm theo yêu cầu của các lãnh đạo”.
Về vấn đề hằng ngày công ty chở 5, 6 xe đá sắt từ điểm khai thác về công ty, ngoài những khối đá được dùng để cung cấp theo công văn đề nghị, số còn lại công ty xử lý như thế nào? Chị Hà cho biết: “Chỉ lấy được rất ít, khai thác cực kỳ vất vả khó khăn nếu mà làm kinh doanh thì không bao giờ được. Nhiệm vụ bên công ty chị không phải là làm cái đó”.
Tuy nhiên, bà kế toán trưởng Công ty cổ phần đá và khoáng sản Phủ Quỳ xác nhận công ty không kinh doanh đá phong thủy, nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy ngay trên website (phuquystone.com) của Công ty này đang giới thiệu và bán hàng có loại sản phẩm đó. “Đá phong thủy” nằm ở gần cuối mục Sản phẩm của công ty này.
Không kinh doanh sao lại mang lên mục sản phẩm của trang web riêng? Nghi vấn của người dân về việc công ty lợi dụng công văn đề nghị cung cấp đá phong thủy cho các địa điểm di tích lịch sử - một việc làm có ý nghĩa - để khai thác chui, qua đó làm lợi cho công ty không hẳn là vô duyên cớ.