Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chức năng mới của vỉa hè?

(20:14:31 PM 12/05/2014)
(Tin Môi Trường) - Ở thành phố Phủ Lý-Hà Nam, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường diễn ra hầu hết trên các tuyến đường thành phố. Người dân phải đi dưới lòng đường, gây cản trở phương tiện tham gia giao thông.

Vỉa hè là phần đường  được xây lát dọc theo hai bên đường giao thông,phần đường này đươc xây dựng  dành riêng cho người đi bộ, đó là định nghĩa của hai  từ vỉa hè. Vỉa hè có thực sự tồn tại như vậy? Trên thực tế vỉa hè ở thành phố Phủ Lý- Hà Nam còn nhiều chức năng,mỗi cá nhân lại sử dụng vỉa hè  với những mục đích khác nhau. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường diễn ra hầu hết trên các tuyến đường trong thành phố. Biết là sẽ không an toàn nhưng những người dân nơi đây buộc phải đi xuống lòng đường, gây cản trở phương tiện tham gia giao thông lại nguy hiểm tới tính mạng.

 


Vỉa hè được dùng để giữ xe


Vỉa hè ở thành phố Phủ Lý-Hà Nam được người dân tận dụng một cách triệt để kinh doanh buôn bán, trưng biển quảng cáo, làm hàng ăn, quán nước.Chỉ cần chiếc bàn, vài chiếc ghế con con người ta có thể thưởng thức đủ loại thực phẩm bình dân giữa bụi bặm đường phố. Hình ảnh những quán trà đá xếp hàng dài trên những con phố đã quá quen thuộc với người dân,những quán trà  cóc  nằm la liệt bên các vỉa hè  tạo nên một khung cảnh lộn xộn chua từng thấy.


Vỉa hè ở thành phố Phủ Lý-Hà Nam là nơi được người dân làm chỗ để vật liệu xây dựng, gạch, đá, sắt thép ngổn ngang,  là chỗ để xe công cộng, là chỗ rửa xe không chỉ ảnh hưởng tới người đi bộ và phương tiện giao thông mà còn làm bùn, cát trôi xuống lòng, lề đường, xuống cống rãnh thoát nước gây tắc cống.


 
Vỉa hè được dùng để vật liệu xây dựng


Có thể thấy, hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn  bán của người dân ở thành phố Phủ Lý-Hà Nam không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông mà còn làm mất mĩ quan đô thị của thành phố.


Nghị Định 71/2012/CP quy định, phạt tiền từ 5-30 triệu đối với hành vi chiếm dụng lòng đường, vỉa hè phải chăng vẫn chưa đủ!? Thành phố Phủ Lý đang trên đà phát triển. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có biện pháp thanh kiểm tra và giám sát chặt chẽ hơn nữa, tuyên truyền nhiều hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo đường thông hè thoáng cho người tham gia giao thông, người đi bộ trên đường. Tuy nhiên cũng cần có sự ủng hộ của  những người dân đang lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, góp phần xây dựng thành phố văn minh xanh, sạch đẹp.

Bài & ảnh: THƠM LÊ