(Tin Môi Trường) - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sonadezi thẳng thắn nhận trách nhiệm sau vụ xả thải bẩn. Tuy nhiên, đại diện đông đảo người dân nơi bị thiệt hại cho biết họ không hài lòng
Ngày 8-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sonadezi, bà Đỗ Thị Thu Hằng, đã có buổi đối thoại với đại diện các hộ dân khu vực rạch Bà Chèo (xã Tam An, huyện Long Thành) xung quanh việc tiếp tục đền bù thiệt hại vì ô nhiễm do Công ty CP Sonadezi Long Thành (thuộc Tổng Công ty Sonadezi) gây ra.
Bất bình
Tại buổi đối thoại, đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cũng có mặt nhưng không nói rõ vi phạm của Sonadezi mà chỉ đưa ra kết luận chung chung là đơn vị này đã để xảy ra sự cố, xả thải ra môi trường “với một số thông số không đạt chuẩn”.
Ông Nguyễn Văn Trai - đại diện các hộ dân ấp 2, xã Tam An - tiếp tục nêu những bức xúc về việc Công ty CP Sonadezi Long Thành bị bắt quả tang xả thải bẩn ra môi trường nhưng không thật sự có thiện chí nhận lỗi. Mặc dù hiện công ty đã bồi thường cho người dân vùng bị thiệt hại nhưng những đền bù đó chưa thỏa đáng về phạm vi thiệt hại cũng như số tiền mà người dân nhận được. Bên cạnh đó, theo ông Trai, kết luận của C49 về sai phạm của Sonadezi cũng không được thông báo đến người dân rõ ràng. C49 nêu vi phạm của Sonadezi chỉ là do sự cố nhưng không nói rõ sự cố xảy ra như thế nào, ở công đoạn nào và do đâu?
Người dân khốn đốn khi vườn tược bị ô nhiễm do Công ty CP Sonadezi Long Thành xả bẩn
Bà Trần Thị Cung (ngụ ấp 2, xã Tam An) cho rằng: Việc xác minh phạm vi thiệt hại của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP HCM) là không chính xác. Trong đó có những hộ dân có đất vườn ở phía trên của đoạn rạch bị ô nhiễm thì được bồi thường, còn những hộ ở phía dưới dòng chảy lại không được xếp vào danh sách đền bù, hỗ trợ. Thậm chí, đối với những thửa ruộng trong cùng một phạm vi bị ô nhiễm nhưng có thửa được bồi thường, có thửa không.
Một số hộ dân khác tiếp tục kêu khổ vì hậu quả của việc xả thải từ Công ty Sonadezi. Một số người bày tỏ sự không tin tưởng cả với đơn vị được mời xác minh vùng ô nhiễm là Viện Môi trường và Tài nguyên. Họ cho rằng đơn vị này có thể cũng đưa ra kết quả không được khách quan. “Chúng tôi khổ sở vì vườn tược khô trụi, ao đìa đen đục, cá chết trắng hồ. Chúng tôi không tin việc xả thải của Sonadezi chỉ là sự cố khi nước thải đen thui và hôi thối ào ra môi trường thường xuyên nhằm vào giữa khuya hoặc những lúc trời mưa” - ông Lê Hoàng (ngụ ấp 2, xã Tam An) nói. “Chúng tôi khổ vì cả vùng quê trước đây xanh tươi, giờ tiêu điều không nuôi trồng gì được. Còn đau lòng hơn khi thấy hành vi phá hoại môi trường không được xử lý rốt ráo” - một người dân bức xúc.
Tiếp tục đền bù
Đây là lần đầu tiên bà Đỗ Thị Thu Hằng có cuộc gặp gỡ với người dân vùng bị ô nhiễm sau nhiều năm họ khiếu kiện. Bà Hằng cho biết sẵn sàng nhận trách nhiệm khi để đơn vị do mình quản lý gây ra sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Đã có một số hạn chế trong quá trình quản lý hoạt động công ty liên quan đến vụ việc trên.
Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Tư, khẳng định trong quá trình xảy ra vụ việc, tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý. Ông Tư cho biết theo kết quả xác minh thiệt hại tiếp theo trong những ngày qua, sắp tới Sonadezi sẽ phải tiếp tục bồi thường cho người dân vùng ô nhiễm thêm gần 3 tỉ đồng, cả về bổ sung cho đợt bồi thường trước và cho đợt xác minh ô nhiễm lần sau.
Sắp tới, toàn bộ kết quả điều tra, xác minh về vùng ô nhiễm sẽ được chuyển đến UBND tỉnh Đồng Nai để chỉ đạo xử lý. Trước đó, 169 hộ dân đã được đền bù gần 12 tỉ đồng. “Việc xác minh phải dựa trên căn cứ khoa học, ngoài lý do đơn vị gây ô nhiễm làm thiệt hại, nhiều lúc mùa màng thất bát còn do… trời. Nếu với kết quả cuối cùng mà bà con vẫn không bằng lòng thì đành phải nhờ đến tòa án giải quyết” - ông Tư nói.
116 hộ dân tiếp tục khiếu nại
Ngày 3-8-2011, Công ty CP Sonadezi Long Thành đóng tại khu vực rạch Bà Chèo, xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bị C49 bắt quả tang xả thải bẩn trực tiếp ra môi trường với thông số vượt chuẩn từ 5-10 lần. Cuối năm 2012, sau khi có kết quả xác minh vùng ảnh hưởng ô nhiễm đến 114 ha, Công ty CP Sonadezi Long Thành đã phải bồi thường cho người dân. Hiện còn 116 hộ dân tiếp tục khiếu nại.