Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trong thí nghiệm mới nhất được công bố trên tập san Physical Review Letters của Mỹ, nhóm nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu ion nặng Helmholtz GSI (Đức) đã tổng hợp thành công nguyên tố 117 bằng cách bắn phá các các ion calcium vào nguyên tử berkelium. Nguyên tố 117 sau đó nhanh chóng phân rã thành các nguyên tố 115 và 113.
Trao đổi với báo giới, Giám đốc GSI Horst Stocker cho biết việc tái tạo thành công nguyên tố 117 là bước tiến quan trọng trong tiến trình tìm kiếm và phát hiện các nguyên tố hóa học mới thuộc nhóm "đảo bền vững", một thuật ngữ hóa học dùng để chỉ các nguyên tố siêu nặng có chu kỳ bán rã phóng xạ tính bằng phút, ngày hoặc thậm chí lên tới hàng triệu năm theo phỏng đoán của các nhà khoa học. Ông Stocker cho biết một ủy ban gồm các thành viên của Liên minh quốc tế hóa học thuần túy và khoa học ứng dụng (IUPAC) sẽ thẩm tra kết quả đạt được nhằm quyết định liệu có cần tiến hành thêm các thí nghiệm để xác nhận sự tồn tại của nguyên tố 117 hay không. IUPAC cũng sẽ quyết định cơ quan được quyền đặt tên cho nguyên tố mới.
Nguyên tố 117 siêu nặng còn được biết đến với tên gọi không chính thức là Ununseptium (Uus 117), được một nhóm nhà vật lý người Mỹ và Nga làm việc tại Viện nghiên cứu hạt nhân ở Dubna (Đúp-na, Nga) công bố lần đầu năm 2010. Hai năm sau, nguyên tố 117 được chính thức tạo ra trong phòng thí nghiệm và được tái tạo thành công lần thứ hai tại Trung tâm nghiên cứu ion nặng Helmholtz GSI.
Các nguyên tố có số nguyên tử trên 104 được xếp vào nhóm nguyên tố siêu nặng. Mặc dù các nguyên tố loại này chưa từng được tìm thấy trong thiên nhiên, nhưng chúng có thể được tạo ra bằng cách bắn những chùm hạt nhân đã gia tốc vào những hạt nhân nặng nhất. Sự kết hợp của hai hạt nhân – hiện tượng rất hiếm khi xảy ra – sẽ tạo ra một nguyên tố siêu nặng mới. Trước nguyên tố thứ 117, các nhà khoa học quốc tế từng tạo thành công các nguyên tố siêu nặng mang số 113, 114, 115, 116 và 118 trong Bảng tuần hoàn Mendeleev.