Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh :TL
Từ hiệu quả tích cực trong thâm canh, sản xuất chè, hiện nay, khi diện tích đất có thể trồng chè đã được tận dụng hết, nhiều hộ nông dân ở các huyện Phú Lương, Đại Từ đã tự ý đổ đất xuống ruộng cấy lúa để chuyển sang trồng chè. Hiện tượng này có xu hướng lan rộng, khó ngăn chặn, kéo theo nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai.
Ông Nguyễn Lương Đằng, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh - một trong những vùng chè trọng điểm của huyện Phú Lương cho biết: Hiện toàn xã đã có gần 150 ha đất lúa bị người dân tự ý chuyển đổi mục đích sang trồng chè. Hầu hết các trường hợp này đều làm lén lút, chủ yếu là vào ngày nghỉ hoặc ban đêm nên chính quyền địa phương rất khó phát hiện. Khi cố tình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người dân đã tập hợp số lượng lớn phương tiện máy móc, thiết bị để triển khai thật nhanh, chính quyền phát hiện thì ruộng lúa đã thành vườn, bãi chè. Việc đối phó với xử lý vi phạm đã nằm sẵn trong tính toán của người đổ đất lấp ruộng nên khi bị phát hiện, người dân còn chủ động nộp phạt. Đến nay, chưa có một trường hợp nào trên địa bàn xã Tức Tranh thực hiện việc khôi phục diện tích đất đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chè.
Theo tính toán của bà con, với giá chè hiện nay (trung bình từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng/kg chè xanh thành phẩm), mỗi sào đất trồng chè cho thu nhập gấp từ 3 đến 4 lần so với cấy lúa, trong khi đó công chăm sóc, chi phí vật tư nông nghiệp cũng giảm hơn nhiều lần. Tại các chân ruộng một vụ, việc trồng lúa ngoài khó khăn về thủy lợi, chăm sóc còn luôn phải đối mặt với nguy cơ mất mùa. Chính vì thế, tại xóm Quyết Thắng, xã Tức Tranh, trên sổ sách quản lý thì xóm có gần 12 ha đất lúa nhưng thực tế bà con đã chuyển đổi gần hết diện tích này sang trồng chè. Hiện cả xóm chỉ còn hơn 1 ha đất lúa song do không chuyển sang trồng chè được bởi nhiều lý do khác nhau nên bà con để ruộng hoang.
Cũng như Tức Tranh, ở xã Tân Linh, huyện Đại Từ, không ít hộ dân đã tự ý chuyển đổi, đổ đất lấp ruộng để chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng chè. Theo lãnh đạo UBND xã, thực tế, không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần của trồng chè so với trồng lúa. Khi phát hiện việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chính quyền xã đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt và người dân sẵn sàng... nộp phạt. Nhiều hộ cho rằng không cho sản xuất (trồng chè), người dân nghèo đói thì ai là người cứu trợ ? Do đó, việc ngăn chặn tình trạng người dân cố tình san gạt, đổ đất lấp ruộng để trồng chè là hết sức khó khăn.
Trước thực tế này, UBND huyện Phú Lương đã chỉ đạo rà soát toàn bộ những diện tích đất mà bà con đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng. Trên cơ sở kế hoạch, quy hoạch của địa phương, huyện sẽ báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, UBND tỉnh cho phép những phần diện tích đủ tiêu chuẩn thực hiện thủ tục hợp thức hóa việc chuyển đổi. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho rằng việc người dân thay đổi kết cấu đất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất để phù hợp với quy định pháp luật thì phải đảm bảo được tính kế hoạch, quy hoạch gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã, huyện, tỉnh.
Hiện nay, với tổng diện tích hơn 19.000 ha chè, tỉnh Thái Nguyên không khuyến khích người dân mở rộng diện tích chè mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, xây dựng vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap để nâng cao giá trị cây chè.