Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bài thuốc chữa mẩn ngứa vùng kín

(10:11:56 AM 01/05/2014)
(Tin Môi Trường) - Mẩn ngứa vùng âm hộ là bệnh ngoài da thường gặp ở phụ nữ. Sau đây là một số phương thuốc dân gian, cổ truyền theo hướng dẫn của lương y Như Tá và Quốc Trung.

Bài thuốc dân gian

Những trường hợp ở vùng quê xa xôi, theo kinh nghiệm dân gian có thể dùng một trong các bài thuốc sau: hoa kim ngân, kinh giới (mỗi thứ 5 gr), rau sam 10 gr, cho cả hai vào nồi nước, nấu khi nước gần đặc, bỏ bã, lấy nước chia 3 lần dùng trong ngày, trước mỗi bữa ăn. Dùng độ 5 ngày liền như vậy. Cùng đó phối hợp thêm cách dùng ngoài: ngải cứu khô 20 gr cho vào nồi cùng 300 ml nước, nấu lửa nhỏ đến khi sôi. Dùng nước này đem xông để lấy hơi nóng lan tỏa vào vùng ngứa. Xông đến khi nước chỉ còn âm ấm, thì đem nước này rửa kỹ vùng bị ngứa, ngày rửa 1-2 lần, làm liền trong 5 ngày.

Hoặc dùng ích mẫu 5 gr, kinh giới 3 gr, thổ phục linh 5 gr. Cũng nấu lấy nước và dùng như bài nói trên, và phối hợp cách dùng ngoài: lá diếp cá 120 gr nấu lấy nước xông, rửa vùng ngứa cũng như cách làm ở trên. Hoặc một kinh nghiệm dân gian khác là, dùng lá khổ sâm 50 gr đem sấy khô, tán thành bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 gr trước khi ăn. Phối hợp dùng bên ngoài: 30 gr toàn thân cây bóng nước rửa sạch, để lên một miếng ngói sạch, khô, đặt miếng ngói lên than hồng, khi cây bóng nước bốc khói thì đem xông khói vào chỗ ngứa, thời gian xông khoảng 5-10 phút, sau đó cho thân cây bóng nước vào nước sôi, khuấy đều, dùng rửa chỗ ngứa, ngày 1-2 lần.



 
Kinh giới - Ảnh: thái nguyên

 

Rau sâm - Ảnh: Shutterstock


Ngải cứu - Ảnh: Hạ huy


Phương thuốc cổ truyền

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân của bệnh này phần nhiều do thấp nhiệt sinh trùng, thuộc can kinh sinh ra, và được chia ra làm 2 dạng:

- Can kinh thấp nhiệt: âm hộ ra nước, đau nhức, cổ khô, miệng đắng, ngực tức sườn đau, bồn chồn nóng nảy, đại tiện bí kết, tiểu tiện vàng đỏ, són, không thông suốt. Trường hợp này có thể dùng bài thuốc gồm các vị: tỳ giải, hoàng bá, thương truật, xích linh, đan bì, hoạt thạch (mỗi loại 10 gr), ý dĩ 12 gr, trạch tả 12 gr, thông thảo 6 gr, tri mẫu 8 gr. Sắc (nấu) uống ngày 1 thang, uống 10 ngày liền. Chia 3 lần uống trong ngày sau khi ăn.

- Can kinh uất nhiệt: âm hộ ngứa ngáy không chịu được, cơ thể gầy yếu, nóng trong người, ít ngủ, đại tiện táo, tiểu tiện hơi vàng, không thông. Trường hợp này có thể dùng bài thuốc gồm các vị: thược dược, bạch truật (mỗi loại 12 gr), đương quy, phục linh (mỗi loại 10 gr), sài hồ, đan bì, chi tử (mỗi loại 8 gr), cam thảo chích 6 gr. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần dùng trong ngày. Dùng liền 10 ngày.

Khi đang gặp tình trạng này, trong ăn uống cần tránh các thức ăn cay nóng, có tính kích thích như tiêu, ớt, hành, gừng, tỏi...

Hạ Mai ( theo lương y Như Tá và Quốc Trung)