Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhiều người trồng ớt ở Đồng Tháp đang điêu đứng vì ớt hạ giá vẫn không bán được, do nghe lời thương lái Trung Quốc trồng giống ớt lạ rồi họ bỏ, không thu mua.
Cay đắng vì ớt
Ngày 24/4, có mặt trên những “thảm” ớt bạt ngàn ở huyện Thanh Bình, đi đâu chúng tôi cũng ghi nhận nỗi buồn của bà con nông dân vì ớt tuột giá. Anh Trần Thanh Cần (xã Tân Thạnh) cho biết, gia đình anh đang thu hoạch hơn 5 công (5.000 m2) ớt giống Nông Trang NT 207, năng suất trên 1,5 tấn/công. Với năng suất này là trúng mùa, nhưng gia đình không vui vì giá ớt quá thấp. Anh Cần than: “Mới hồi giữa năm 2013, giá gấp đôi bây giờ, mấy ngày nay tiếp tục giảm, hiện ớt tươi chỉ còn 15.000 đồng/kg, trừ chi phí chắc chắn lỗ nặng”.
Nông dân huyện Thanh Bình thu hoạch ớt vụ hè thu 2014. Ớt phơi đầy đường mà thương lái Trung Quốc không đến thu mua.
Theo tìm hiểu, với mức giá này, người trồng ớt phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng cho mỗi ha. Ông Nguyễn Văn Dã ngụ ấp Tân Hội, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình cho biết: “Nhà có 6 công đất, tôi dành hết trồng ớt nhưng giờ giá ớt đang ở mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Hiện tại giá ớt loại 1 là 15.000 đồng/kg; loại 2 là 13.000-14.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư để sản xuất tính ra hiện nay lên ít nhất cũng 20.000 đồng/kg do các chi phí phân, thuốc, nhân công chăm sóc, thu hoạch liên tục tăng. Với giá ớt hiện tại, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi chịu lỗ 3.000-6.000 đồng/kg”.
Những nông dân trồng giống ớt Demol càng bi đát hơn khi giá chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều nơi chủ vựa không mua loại ớt này vì phía Trung Quốc chỉ ăn hàng tươi chứ không ăn hàng khô.
Chị Lê Thị Ngân Tâm - chủ một vựa ớt ở Thanh Bình xót xa nói: “Nói thiệt, chi 2.000-3.000 đồng mua một ký ớt của nông dân mà tôi muốn rơi nuớc mắt, nhưng biết sao bây giờ, giá đó tôi cũng có lời đâu. Thấy tội bà con nên tôi mua rồi chở thẳng hàng ra biên giới phía Bắc giao cho thương lái Trung Quốc chứ ở đây không còn ai mua loại ớt Demol này đâu”.
Chỉ xử lý là... nhắc nhở
Anh Dũng (Dũng Ớt) - chủ một vựa ở huyện Thanh Bình cho biết. “Ớt ở đây nổi tiếng cay và thơm nhất nước, thuơng lái Trung Quốc tìm đến tận đây cũng vì thế. Nhưng cả tháng nay tôi cũng cay lòng lắm, còn cay hơn ớt khi thấy cảnh nông dân mình nghe theo lời thương lái Trung Quốc trồng ớt...”.
Theo lời anh Dũng, trước đây mấy tháng, các thương lái Trung Quốc liên tục đến huyện Thanh Bình, đi vào tận nhà nông dân, kêu họ trồng giống Demol và hứa sẽ mua hết. Các thương lái đó còn mở “chiến thuật” mới là đưa giống cho các đại lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), khuyến dụ các đại lý này bán cho nông dân với giá rẻ. Thế nhưng, hiện nay ớt (trái tươi) giống Demol thì không ai mua. Đã thế thị truờng Trung Quốc cũng không ăn hàng khô (ớt phơi khô hoặc sấy) nên nông dân “ngồi khóc” trên đống ớt.
Nói về thủ đoạn lừa của thương lái Trung Quốc, chị Lê Thị Ngân Tâm kể: “Các thương lái người Trung Quốc đi cả nhóm, có nhóm có cả thông dịch viên, vào rẫy ớt của nông dân, vào cả vựa của tôi quay phim, chụp ảnh, hỏi thăm giá cả, diện tích trồng… nhưng họ có mua gì đâu. Họ còn khuyên nông dân trồng giống ớt Demol. Nhiều nông dân nhẹ dạ nghe theo và bây giờ thì bán ớt không được”. Theo phòng nghiên cứu khoa học Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, năm 2013, toàn tỉnh có hơn 2.000ha đất trồng ớt, năng suất bình quân từ 21 đến 25 tấn/ha. Tổng sản lượng ớt của tỉnh Đồng Tháp trên 50.000 tấn/năm.
Bà Trần Thị Phiến - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho biết: “Sau khi nghe các chủ vựa ớt phản ánh về tình hình các thương lái Trung Quốc tranh mua, tranh bán, đã cho xác minh thực tế là họ không mua mà chỉ hứa. Tuy nhiên, huyện đã có các biện pháp đối với thương lái Trung Quốc, cụ thể là đã nhắc nhở 3 trường hợp đến các hộ nông dân để gạ mua hàng (ớt); nhắc nhở họ phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
“Chúng tôi chỉ nhắc nhở là chủ yếu; chỉ có phạt 1 trường hợp mà cũng chỉ là căn cứ vào vi phạm hành chính chứ họ cũng rất am hiểu về Luật Thương mại Việt Nam, chưa có dấu hiệu vi phạm, vì họ không mua hàng trực tiếp”, bà Phiến giải thích.
3 trường hợp thương lái hứa
Bà Trần Thị Phiến - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho biết, cơ quan chức năng đã phát hiện 3 trường hợp thương lái người Trung Quốc đã đến tìm hiều thị truờng và hỏi mua ớt (và hứa mua ớt).
Trường hợp thứ nhất là SU KEYU (sinh năm 1985) đến lưu trú tại xã Tân Thạnh (huyện Thanh Bình) từ ngày 28/2 đến ngày 5/4/2014.
Tiếp đó, SU TIAN WEL (sinh năm 1979), đến tạm trú tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào giữa tháng 4/2014 và thuờng xuyên lui tới các vựa ớt ở huyện Thanh Bình để hứa mua ớt và khuyên nông dân trồng giống ớt Demol.
Trường hợp thứ 3 là WUHAI QING (sinh năm 1969), cùng con ruột tạm trú tại một nhà trọ ở ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình từ ngày 26/3 đến 9/4/2014 và thường xuyên lui tới các hộ nông dân để hứa mua ớt (giống Demol).