Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cuộc khai quật này hoàn thành vào cuối tháng 11, tại hang Khuổi Nấm, xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê. Các nhà khảo cổ phát hiện được hai ngôi mộ đáng chú ý.
Xương răng động vật. Ảnh do Viện khảo cổ cung cấp.
Tiến sĩ Trình Năng Chung, trưởng đoàn khảo sát của Viện khảo cổ, cho biết tại một ngôi có những những đoạn xương chi của người. Đặc biệt, có những công cụ rùi mài, những đoạn xương ống và răng của người lớn.
Ở ngôi mộ thứ hai, đoàn khảo cổ thấy có xương răng trẻ con, vài mảnh sườn nhỏ.
Trên mộ người lớn có công cụ tùy táng, thể hiện sự phân công lao động của người xưa. Cả hai ngôi mộ đều có lớp đá rải lên trên, là tập tục của thời kỳ đó.
"Theo quan niệm của họ, con người sinh ra từ đá, khi chết quay trở lại với đá, nên những người thời đó đã rải lớp đá xuống, đặt thi thể lên, sau đó lại rải đá lên. Mặt khác, việc xây mộ người chết ngay gần người sống, thể hiện nhận thức của người thời kỳ nguyên thủy không muốn rời xa người chết", ông Chung giải thích.
Hiện vật đá tìm thấy tại Khuổi Nấm. Ảnh do Viện khảo cổ cung cấp.
Cũng trong chuyến khai quật, các nhà khảo cổ đã thu được gần 500 di vật khảo cổ, chủ yếu là di vật đá, gồm công cụ lao động như: rìu; cuốc; dao dùng để chặt đập, công cụ nạo cắt; hạt cám, xương thú nhỏ, vỏ ốc.
Ngoài ra, đoàn khảo cổ còn thu được nhiều đá hoàng thổ, đá này là loại khoáng được người xưa nghiền nhỏ bôi vào người chết, thể hiện sự sống vĩnh hằng, đầu thai và mãi mãi trường tồn.
Hang Khuổi Nấm là nơi cư trú của nhiều thế hệ có niên đại từ 4.000– 7.000 năm.
Khu vực lưu vực sông Gâm là nơi các nhà khoa học khảo cổ phát hiện nhiều di tích của người tiền sử, như di tích Đán Cúm, Nà Chảo. Theo nghiên cứu, người tiền sử ở hàng Khuổi Nấm có trình độ phát triển cao hơn.
“Thời gian tới, tỉnh Hà Giang có nghiên cứu tổng thể ở lưu vực sông Gâm và các hang động gần đó. Tỉnh cũng đang đề nghị công nhận hang Khuổi Nấm là di tích quốc gia”, ông Chung cho biết.