Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
1.724 nông dân miền Tây đã mua hơn 1,8 triệu cổ phiếu với số tiền hơn 56 tỉ đồng của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang là sự kiện chưa từng diễn ra, mở ra kỳ vọng về hướng đi mới của ngành nông nghiệp, hiện thực hóa ước mơ “doanh nhân hóa nông dân”.
Mô hình trồng bắp hiện đại của Bầu Đức ở Campuchia. Ảnh: HAGL
Từ nay nông dân được làm chủ, quyết định đầu vào (giá mua vật tư, nguyên liệu) và đầu ra (giá bán lúa gạo) - sản phẩm mình làm ra với tư cách những người chủ doanh nghiệp.
Trong khi đó, các đại gia bất động sản, ngân hàng đang đi “chăn bò”, trồng bắp, trồng mía qua việc dồn sức, đổ cả tỉ USD cho các dự án nông nghiệp. Thông tin từ các tập đoàn này cho biết nông nghiệp sẽ thành ngành đóng góp chính trong cơ cấu doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai với tỉ trọng 50%. Tập đoàn này đã dịch chuyển trọng tâm kinh doanh từ bất động sản sang nông nghiệp nhiều năm qua với hàng chục nghìn hecta đất trồng cao su, mía đường, cọ dầu.
Còn True Milk của bà Thái Hương với dự án tỉ USD, đàn bò hàng chục nghìn con, vùng trồng thức ăn gần 10.000ha đang hướng tới mục tiêu trở thành một trong những nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu Việt Nam.
Công ty mía đường Thành Thành Công của đại gia ngân hàng một thời Đặng Văn Thành trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các nhà máy đường liên doanh hay có nguồn gốc quốc doanh.
Có người cho rằng các đại gia này “đang diễn” trong các kịch bản PR của họ để tăng tính cạnh tranh ở một lĩnh vực đầu tư mà lâu nay nhiều người còn ngần ngại bởi những rủi ro do thiên tai lẫn nhân tai. Nhưng thật khó nghi ngờ khi những tập đoàn này đổ hàng tỉ USD cho các chương trình, dự án đầu tư của mình vào ngành nông nghiệp ở Campuchia, Lào, Myanmar và nay là “một chiến dịch lớn” ở Việt Nam.
Đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại việc trồng bắp, nuôi bò, trồng mía... là xóa đói giảm nghèo. Khi kinh doanh đi vào nông nghiệp, khi doanh nhân hóa thân vào nông dân và nông dân chuyển hóa thành doanh nhân, khi mà yêu cầu sản xuất lớn hơn, phương thức và trình độ quản lý hiện đại hơn được đưa vào tam nông và bài toán kinh tế được giải nghiêm túc đã tạo dựng được niềm tin về lợi nhuận thật sự từ ngành kinh tế này hơn là khẩu hiệu “30% lợi nhuận cho nông dân”.
Tất nhiên, nông nghiệp không phải là một ngành “dễ ăn”, không thể kiếm tiền được từ lĩnh vực này nếu làm ăn không chuyên nghiệp và không đầu tư lớn. Nhìn vào các dự án hàng tỉ USD và cách thức đầu tư vào nông nghiệp của bầu Đức, ông Thành hay bà Thái Hương... có thể thấy chỉ có “làm thật mới được ăn thật”.
Tương tự, những cổ đông nông dân của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cũng đang đứng trước nhiều thách thức hơn là mức ưu đãi ban đầu về giá mua cổ phiếu mà công ty đã dành cho họ. Những “doanh nhân nông dân” này phải có kiến thức và nắm rõ “luật chơi thương trường” như mình thuộc từng mảnh ruộng, con nước lớn nước ròng để làm chủ thật sự.
Nông dân mua cổ phiếu và “đại gia chăn bò” dù là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng chỉ mới là tín hiệu về một bước “lột xác” đầu tư. Khi đã có những thành công nhất định, không phải là vài nhà đầu tư mà sẽ có nhiều nhà đầu tư đổ xô vào nông nghiệp theo kiểu bầy đàn, chắc chắn sẽ là thách thức mới, đặt ra bài toán mới cần được giải.