Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ IE
Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Có 1/3 diện tích đất nước gồm khu vực ven biển, vùng đất thấp nằm kề là những nơi chịu tác động trực tiếp. Đây lại là những nơi tập trung hầu hết dân số, khu vực sản xuất nông nghiệp năng suất cao.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia về khí hậu, Việt Nam cần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở 3 cấp độ cộng đồng, chính sách và quan trọng nhất là năng lực thể chế. Các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cần được chuẩn bị chu đáo. Những kế hoạch hành động này là định hướng cho các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí nhà kính. Ngoài những kế hoạch theo các bộ, ngành, các tỉnh, những kế hoạch theo khu vực là rất cần thiết.
Tiến sĩ Trần Ngọc Ngoạn, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cho rằng, nghiên cứu liên kết vùng sẽ cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Những năm gần đây có khá nhiều nghiên cứu, chương trình về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, những ý tưởng về liên kết vùng còn khá hạn chế, nhất là từ hướng tiếp cận của ngành khoa học xã hội. Có một số công trình nghiên cứu đề cập đến liên kết vùng lại rất mỏng và yếu, thiếu tính thống nhất làm nền tảng ban hành các chính sách phù hợp. Đặc biệt, những nghiên cứu chuyên sâu về liên kết vùng, cơ chế chính sách liên kết vùng thì chưa được cập nhật, còn vắng bóng trên các diễn đàn khoa học.
Liên kết trong ứng phó với biến đổi khí hậu cần dựa trên nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm, phân vùng chức năng và các chế tài trong phân bổ nguồn lực, quản lý sử dụng tài nguyên. Việc chia sẻ trách nhiệm bao gồm cả trong quản lý tài nguyên, phục hồi tài nguyên về rừng, nguồn nước và đa dạng sinh học; chia sẻ nguồn lực về tài chính và nhân lực. Liên kết vùng được xem là giải pháp hiệu quả để thực hiện các cam kết trong việc chia sẻ trách nhiệm, đồng thời cũng là điều kiện để các vùng, địa phương nhìn nhận một cách khách quan về vai trò, trách nhiệm trong việc đóng góp các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện các chính sách liên kết vùng, Tiến sĩ Cao Ngọc Lân, Viện Chiến lược phát triển cho biết cần có ít nhất 5 điều kiện gồm chính sách liên kết vùng hợp lý, khoa học; phân cấp và có nền hành chính công đủ hiệu lực; sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo; cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết; sự ủng hộ, tham gia của doanh nghiệp, nhân dân...