Thành phố xanh, nguồn nước sạch, những hồ xanh có liên quan mật thiết
Ngày Trái Đất 22-4 đầu tiên được khởi xướng ở Hoa Kỳ năm 1970, ngày mùa đông chấm dứt chuyển sang xuân, cây cối nẩy chồi ra lá mới. Liên Hợp Quốc lấy ngày 22-4 là Ngày Trái Đất quốc tế đầu tiên năm 2009. Và từ đó, Ngày Trái Đất được kỷ niệm hàng năm trên toàn cầu, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu công dân các quốc gia cùng hành động, nâng cao nhận thức về giá trị môi trường tự nhiên của Trái Đất.
Trái Đất luôn hiện ra đầy màu sắc tươi đẹp của thiên nhiên và động thực vật, nhưng Trái Đất chúng ta đang sống còn là một thực thể bị tổn thương bởi những vấn nạn môi trường. Từ hiệu ứng nhà kính, khí hậu cực đoan, tới nạn ô nhiễm, rác thải, nguồn nước sạch…
Trung tuần tháng 4 này LHQ kêu gọi ngăn tình trạng Trái Đất nóng lên gây hiện tượng BĐKH ngày một trầm trọng hơn. Tổng Thư ký LHQ nhắc lại lời mời các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo các chính phủ là thành viên LHQ dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu Trái Đất tổ chức cuối tháng 10 năm nay, hy vọng năm 2015 sẽ cùng nhau ký một Hiệp định mang tính pháp lý toàn cầu về khí hậu Trái Đất.
Với Việt Nam, biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề rất thực tế và tác động ngày càng nghiêm trọng chứ không còn là nguy cơ nữa. "Chúng ta phải chuẩn bị ứng phó với những thiên tai khó tin nhất” là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng chống lụt bão năm 2014 tại Đà Nẵng đầu tháng 4 này. Điều đó có nghĩa chúng ta cần hạn chế sự tổn thương Trái Đất trong sự chủ động hợp lực.
"Thành phố Xanh” là chủ đề Ngày Trái Đất năm 2014, hướng sự chú ý vào các thành phố xanh trước những thách thức môi trường, BĐKH và những trở ngại cho phát triển bền vững của các thành phố. Tại Việt Nam, Ngày Trái Đất năm nay cũng là ngày kết thúc Tháng hành động bảo vệ hồ Hà Nội - diễn ra từ Ngày Nước thế giới 22-3 đến Ngày Trái Đất 22-4 có thông điệp "Dừng ngay các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước”. Thành phố xanh, nguồn nước sạch, những hồ xanh có liên quan mật thiết.
Dịp này, người dân nước ta có cơ hội hiểu hơn một nghịch lý ở một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc như nước ta. Đó là VN đang thuộc nhóm quốc gia thiếu nước, do lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn chỉ tiêu của Hội Tài nguyên Nước Quốc tế (IWRA), 4.000m3/người/năm. Bộ Y tế và Bộ TN&MT cảnh báo trung bình, VN có khoảng 9.000 người tử vong/năm vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém.
Nhưng đến hơn 30% số người được hỏi về ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước sạch đều chưa nhận thức được hết hậu quả nghiêm trọng, dù nó tác động thường xuyên đến sức khỏe, đời sống họ và gia đình họ - theo một kết quả điều tra xã hội học trong cư dân sinh sống trên lưu vực các con sông VN.
"Ô nhiễm môi trường trong đó có ô nhiễm hồ làm mất giá trị cảnh quan thiên nhiên và làm tăng chi phí xử lý những thiệt hại gây ra, như sức khoẻ, chi phí cải tạo, phục hồi môi trường. Thông qua hoạt động hôm nay, hy vọng mọi người hiểu hơn ý nghĩa của Ngày Trái Đất, đó là hãy bảo vệ môi trường bắt đầu từ những hoạt động tại chính nơi mình sinh sống”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng chia sẻ về sự kiện Ngày Trái Đất, trong cuộc mít tinh hôm 20-4 tại Công viên Thống Nhất Hà Nội.
Tại đây đã diễn ra những hoạt động của SV các trường đại học, các CLB môi trường - đổi rác lấy cây, các sản phẩm thân thiện môi trường, triển lãm tranh và sản phẩm bảo vệ môi trường ... Cùng ngày 20-4 tại Hồ Bán nguyệt Phú Mỹ Hưng TP.HCM, chương trình Ngày Trái Đất do Dự án Green Talk, lần đầu tiên được Mạng lưới Ngày Trái Đất Thế giới ủy nhiệm thực hiện tại VN. Ngày 4-5 tới, Green Talk sẽ tổ chức chương trình Giờ Xanh toàn quốc ở nhiều tỉnh, thành đất nước.
Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất. Trong chuyến thăm Việt Nam tuần trước, Bộ trưởng Chủ nhiệm Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ Gina McCarthy, khi giao lưu với SV Trường ĐH TN&MT Hà Nội, đã nhấn mạnh điều đó. Chia sẻ những lo ngại của các SV về BĐKH, ô nhiễm môi trường, bà Gina McCarthy nói: "Do có đường bờ biển dài nên hàng năm Việt Nam phải đối mặt với nhiều cơn bão, các loại hình thiên tai khác. Đặc biệt, BĐKH, nước biển dâng đang là nguy cơ ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam”.
Để bảo vệ môi trường, cần có sự hợp tác, chia sẻ thông tin, nguồn lực và cần sự tham gia của cả cộng đồng, bà Gina McCarthy tin các bạn trẻ bằng hành động của mình sẽ giúp hành tinh chúng ta sạch hơn, an toàn hơn, lành mạnh hơn cho các thế hệ tiếp sau có thể sinh sống.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tuyên bố: "Là cha đẻ của Ngày Trái Đất, Nelson - nguyên thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Wisconsin, Mỹ - đồng thời là người tiên phong để sau này cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái Đất, đó là Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Không khí Sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống An toàn”.
Được đánh giá là một người khiêm nhường, hài hước và không bị ảnh hưởng bởi quyền lực, sự phù hoa của những cương vị từng nắm giữ, Nelson cũng là người ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường tự nhiên, một trong những nhà lãnh đạo về môi trường đầu tiên trên thế giới.
Suốt 44 năm qua, Ngày Trái Đất ngày càng được mở rộng và lan tỏa mạnh mẽ trên khắp thế giới, với sự vào cuộc nhiệt tâm của những công dân bình thường, những đại sứ môi trường thầm lặng.
Đâu đó trong dòng đời, vẫn có những con người khiêm nhường giản dị mỗi ngày bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng, giữ gìn kinh nghiệm ngàn đời bảo tồn cây cỏ, chim muông và thú quý, cho nhiều thế hệ. Họ đang truyền cảm hứng và niềm tin mạnh mẽ rằng dù chỉ một hành động đơn giản, nhưng sự chung tay của cả triệu triệu người chắc chắn bảo vệ được Mẹ Trái đất dài lâu.