Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Con sông Trà trơ đáy, khiến hàng chục người kéo đi đòi nước. (Ảnh: S.T)
Nơi đói nước từng ngày
Chuyện tưởng như hư cấu nhưng lại xảy ra trong thực tế – khi mà vào một buổi sáng cuối tháng 3, chúng tôi được ông Nguyễn Nhung, giám đốc công ty quản lý công trình thủy lợi Quảng Ngãi dẫn đến điểm tiếp giáp giữa thượng nguồn và hạ nguồn của con sông Trà. Nhìn dòng sông trơ đáy, ông Nhung bức xúc: “Đây là khu vực phân phối nước cho các công trình thủy lợi, vì là khúc sông có nhiều nước nhất nhưng bây giờ thì khô kiệt, đi qua sông mà đâu có ướt giày… Rốn nước mà như vậy thì dưới hạ nguồn còn lấy đâu ra nước mà tưới tiêu phục vụ sản xuất”.
Đúng như lời ông Nhung nói, đi dọc dòng sông Trà về phía hạ nguồn, đâu đâu cũng thấy những cánh đồng lúa, hoa màu của người dân hai bên bờ tả hữu con sông chết khô. Chứng kiến dòng sông đang dần chết vì thủy điện ngăn dòng tích nước phía đầu nguồn, gần chục cán bộ của công ty quản lý công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã liên tục đi ngược về miền tây Quảng Ngãi để “đòi” nước trả về cho sông.
Oái ăm thay bao nhiêu lần đi, họ đều trở về tay không, bởi phía thủy điện từ chối không gặp.
Trước nguy cơ hàng chục ngàn hecta hoa màu của bà con nông dân vụ đông xuân thiếu nước tưới, công ty quản lý công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã gửi văn bản nhiều lần lên công ty cổ phần thủy điện Dăkdrinh - đơn vị chủ quản thủy điện Dăkdrinh, yêu cầu xả nước, cứu hoa màu phía hạ du nhưng không được đáp ứng. Cử cán bộ lên tận nơi họ cũng không tiếp.
Vì không có nước từ thượng nguồn đổ về, hơn một tháng qua, công trình thuỷ lợi Thạch Nham phải cắt nước dẫn về tưới tiêu cho ruộng đồng. “Hiện giờ còn một tháng nữa mới thu hoạch vụ lúa đông xuân nhưng thủy điện không chịu xả nước kiểu này, vụ lúa đông xuân có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước tưới, đừng nói chi vụ hè thu sắp tới”, ông Nguyễn Nhung chia sẻ.
Nơi nhiều nước quá đâm khủng hoảng
Chuyện sẽ không tới mức căng thẳng nếu như thủy điện Dăkdrinh thực sự thiếu nước nên cương quyết không “trả nước” lại cho sông Trà. Đằng này, theo hàng trăm hộ dân sống quanh lòng hồ thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, họ vô cùng lo sợ đập vỡ kể từ khi thủy điện Dăkdrinh tiến hành tích nước tới nay. Bởi liên tiếp trong những ngày gần đây người dân đã nghe thấy rất nhiều tiếng nổ lớn kèm thêm những đợt rung chấn khá mạnh diễn ra ở khu vực xung quanh lòng hồ đầy nước.
Ông Đinh Văn Quang, trưởng thôn Xô Luông, xã Dăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, không giấu được lo lắng vì nước quá nhiều: “Hồ thủy điện đầy nước, nhưng liên tiếp xảy ra các tiếng nổ, rồi nhà cửa rung lắc, chao đảo, ai cũng ngơ ngác không biết thần linh giận dữ hay có chuyện gì. Nhiều người còn bỏ nhà cửa chạy vào rừng trốn. Mùa màng thất bát, sống trong tâm trạng bất an. Kiểu này ai mà sống được. Sao không xả bớt nước để tránh bất an. Thật là kẻ ăn không hết, người lần không ra”.
Cùng chung tâm trạng, hàng trăm hộ dân sống ở khu vực hạ nguồn của thủy điện Dăkdrinh như ở xã Sơn Tân, Sơn Dung, Sơn Liên… huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, cũng hoang mang, lo lắng khi lòng hồ xuất hiện những tiếng nổ kèm theo rung lắc mạnh.
Ông Đinh Văn Tráng, ngụ xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây nói: “Từ sau tết Nguyên đán đến giờ, nghe tiếng nổ và rung lắc nhà cửa, bà con lo lắng lắm”. Mỗi lần có tiếng nổ và rung lắc, không ai dám ra đồng, lên rẫy cả. Nhiều người còn cúng thần linh. Con đập cũng được xây dựng ở đây, phía đầu nguồn xuất hiện rung lắc chắc chắn ảnh hưởng đến con đập. Nếu có vấn đề gì xảy ra sẽ gây hậu quả khôn lường với huyện Sơn Tây.
Trong khi đó, báo cáo của công ty cổ phần thủy điện Dăkdrinh gửi UBND huyện Kon Plông và huyện Sơn Tây, ghi nhận: hiện tượng rung chấn, động đất tại khu vực lòng hồ chứa sau khi tích nước chỉ xảy ra khoảng 10 lần, trong đó có những lần rung chấn và tiếng nổ do người dân dùng mình đánh bắt cá (?!)
Trái ngược với giải thích này, nhiều người dân lẫn cán bộ địa phương 2 huyện Sơn Tây và Kon Plông đều cho rằng nếu có đánh cá, người dân cũng chỉ dùng xung điện, không dùng mìn trong diện tích lòng hồ rộng như thế.
Trước nỗi niềm của kẻ đói nước và kẻ sợ nước nhiều, ông Nguyễn Mậu Văn, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cho biết, mọi nguồn cơn bắt nguồn từ chuyện tích nước của thủy điện để chuẩn bị trong tháng 4 này phát điện.
“Chúng tôi đã yêu cầu các thủy điện phải xả nước, đảm bảo nước tưới cho vụ sản xuất nhưng lưu lượng thuỷ điện xả còn hạn chế. Trong ít ngày tới đây, chúng tôi sẽ mời đại diện các thuỷ điện, bàn biện pháp xả nước, đảm bảo lưu lượng nước, phục vụ tưới tiêu cho vụ hè thu sắp tới”, ông Văn nói.
PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia động đất của viện Vật lý địa cầu cho biết, trước thông tin khu vực lòng hồ thủy điện Dăkdrinh xuất hiện tiếng nổ và rung chấn, ngày 14.4 vừa qua, chúng tôi đã có cuộc khảo sát địa chất ở đây.
Ông cho biết qua kiểm tra sơ bộ, vùng lòng hồ thủy điện Dăkdrinh có nền đá gnây, granit, gần giống lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Quá trình tích nước lòng hồ sẽ làm tải trọng của nước đè lên nền đất đá khiến nước thẩm thấu xuống độ sâu nền đá, làm thay đổi ứng suất lỗ rỗng, gây ra hiện tượng động đất kích thích như ở thủy điện Sông Tranh 2”.
Có thể, một hồ thủy điện Dăkdrinh không gây ra những trận động đất mạnh nhưng một khi đã hình thành hệ thống liên hồ chứa của các thủy điện khác nhau như thủy điện Nước Trong, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đang tích nước, thủy điện Dăkdrinh, hệ thống các hồ thủyỷ lợi… sẽ trở thành mối họa lớn về động đất, vỡ đập đe doạ an toàn tính mạng người dân. Điều này không chỉ riêng Quảng Ngãi mà toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên cần phải xem xét lại.