Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hà Tĩnh:Vì cái gì mà quyết liệt “không chịu thua dân”?

(16:05:20 PM 21/04/2014)
(Tin Môi Trường) - Nhưng “tỉnh vẫn quyết định tiếp tục dự án!” nghĩa là tỉnh vẫn cho rằng mình đúng, dân chống lại là sai. Thời gian sẽ cho biết mấy vị ở tỉnh đúng hay sai, vì cái gì mà quyết liệt, “không chịu thua dân” và nhiệt tình với cái nghĩa địa như thế!

Theo thông tin từ cuộc họp báo chính thức ở Hà Tĩnh, (có đủ thành phần nhưng lại không có đại diện nhân dân xã Bắc Sơn), chính quyền cho rằng tình hình rối ren ở thôn Trung Sơn xã này đã ổn. Công an đã khởi tố 10 người, tạm giam 6 người để điều tra về tội gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Cảnh sát đang tiếp tục khoanh vùng và truy bắt những người liên quan. Ông Phó giám đốc CA tỉnh nói CA không liên quan đến dự án, chỉ thực thi pháp luật, giữ an toàn trật tự. Còn ông phó chủ tịch tỉnh thì tuyên bố: "Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai dự án".




Khu đất dự định làm dự án công viên vĩnh hằng



Nghĩa là việc người dân từ chỗ không nhất trí với dự án làm nghĩa địa của tỉnh trên đất canh tác của họ nên dẫn tới vi phạm pháp luật (gây rối, chống người thi hành công vụ) đã được CA giải quyết bằng luật pháp. Sự phản đối ấy của dân không làm thay đổi quyết tâm và rất quyết liệt của tỉnh, ngoài việc nhân nhượng rút bớt quy mô 10 ha của công viên vĩnh hằng.

Dự án xây dựng công viên vĩnh hằng này tuy mới ở giai đoạn tìm người đầu tư (ấy là nghe nói thế) nhưng cũng làm nẩy ra mấy vấn đề khó trôi:

Nếu đại gia nào đó có vốn, họ sẽ nhảy vào trên cơ sở đất đã được chính quyền tỉnh thu hồi, chỉ cần tỉnh huyện giao đất, họ xây dựng hạ tầng rồi chia lô bán lấy lời mà khỏi cần thương lượng với dân, khỏe re.

Liệu có thuận với luật đất đai khi thu hồi đất để làm dự án phát triển kinh tế xã hội? Hà Tĩnh tuy nghèo nhưng chắc không thiếu đại gia, khéo đã có vài ông dấm sẵn trước đang thập thò nhảy vào nhưng chưa tiện ra mặt cũng nên!

Trong tình huống không có đại gia nhận dự án thì “tỉnh sẽ bỏ tiền ra làm” như lời khẳng định của ông PCT UBND. Gần ba trăm tỷ chứ có ít đâu? Làm xong có thể biến thành nghĩa trang công cộng không thu tiền (điều này chắc khó xảy ra) hoặc sẽ được chia lô bán cho người chết, tất nhiên giá không rẻ như giá đền bù mà có thể gấp vài chục, thậm chí vài trăm lần.





Liệu UBND Hà Tĩnh có chức năng kinh doanh nghĩa trang?


 

Liệu UBND Hà Tĩnh có chức năng kinh doanh nghĩa trang? Liệu các vị có quyền lấy tiền ngân sách tức tiền đóng thuế của nhân dân toàn tỉnh để đầu tư mồ mả chỉ phục vụ dân thị xã Hà Tĩnh và vùng lân cận? Còn người chết các huyện, các thị trấn thị xã khác thì chôn ở đâu, chắc là phải tự lo. Chưa được nghe giải thích từ những vị có trách nhiệm nhưng xem ra cũng không ổn.


Nhưng “tỉnh vẫn quyết định tiếp tục dự án!” nghĩa là tỉnh vẫn cho rằng mình đúng, dân chống lại là sai. Thời gian sẽ cho biết mấy vị ở tỉnh đúng hay sai, vì cái gì mà  quyết liệt, “không chịu thua dân” và nhiệt tình với cái nghĩa địa như thế. Nhưng liệu còn biện pháp nào khả dĩ tốt hơn nữa không? Nhân đây cũng xin lạm bàn, góp ý với các vị:

Hà Tĩnh đất chật người đông, tại sao lại không thể là tỉnh đầu tiên (sau Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng) xây dựng một đài “hóa thân hoàn vũ” để hỏa táng? Hỏa táng tuy mới nhưng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích và tự nguyện mở đầu cho di hài của mình như đã ghi trong di chúc.

Sở dĩ hỏa táng chậm phổ biến vì vấp phải quan niệm về thi hài, hồn cốt của người Việt mình. Nhưng rõ ràng đó là lối thoát không nên bàn cãi trong tương lai. TPHCM có kế hoạch xây mới nhiều đài hóa thân, dự trù đến năm 2020 sẽ có 75% số người chết được hỏa táng! Mà thành phố này có tới 10 triệu dân chứ có ít đâu!

Nhân dịp sự kiện Trung Sơn, tỉnh có thể công khai với dân tình hình căng thẳng về đất nghĩa địa, huy động hệ thống chính trị tuyên truyền, thuyết phục hỏa tảng rồi vẽ dự án xây đài thì chắc là suôn sẻ.

Tất nhiên xây đài hỏa táng thì không phải lấy nhiều đất của nông dân và tốn nhiều tiền như thế. Các đại gia sẽ lùi ra vì họ không ngửi thấy mùi tiền lời và một số người cũng hẻo tiền trà thuốc. Nhưng đó là một công trình của tương lai, sẽ có thể làm rạng danh một Hà Tĩnh tiên phong trong một lĩnh vực nhân sinh hệ trọng!

Hà Tĩnh đất chật người đông, tại sao lại không thể là tỉnh đầu tiên (sau Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng) xây dựng một đài “hóa thân hoàn vũ” để hỏa táng? Hỏa táng tuy mới nhưng đã được chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích và tự nguyện mở đầu cho di hài của mình như đã ghi trong di chúc.

(Theo Một thế giới)