Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh tư liệu
Các đại biểu đã đóng góp những kinh nghiệm quí về xây dựng năng lực giảng viên nguồn, tổ chức các lớp tập huấn và nâng cao năng lực của tuyên truyền viên, về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện PAOT, vai trò của các hộ dân hưởng lợi khi tham gia chương trình... Đại diện Hội Phụ nữ xã Long Vĩnh là đơn vị tích cực tham gia Chương trình cho biết: Là địa bàn nằm trong vùng duyên hải Gò Công chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, được chọn tham gia Dự án, toàn xã đã tổ chức được mạng lưới 20 tuyên truyền viên ở 100% số ấp. Mạng lưới trên đã tích cực tuyên truyền, giúp nhân dân địa phương hiểu tác hại của biến đổi khí hậu và những biện pháp ứng phó một cách tích cực.
Chị Ngô Kim Yến, tuyên truyền viên tích cực của xã Long Bình, đã chia sẻ kinh nghiệm về chọn đối tượng chịu tác động nặng nhất của biến đổi khí hậu là hộ nghèo và cận nghèo để truyền thông. Từ đó tìm giải pháp hợp lý để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con đồng thời tìm ra cách ứng phó phù hợp và hiệu quả nhất. Ông Huỳnh Văn Ngọt, cư ngụ tại xã Long Bình (Gò Công Tây) là hộ dân tham gia Chương trình cho hay: Gia đình ông được hướng dẫn cụ thể về cách chằng chống nhà cửa khi thời tiết bất thường, mưa bão xảy ra; biết dự trữ lương thực, hạt giống, nước uống đề phòng thiên tai; tổ chức cho con cháu trong gia đình học bơi; biết lập tủ thuốc gia đình phòng khi có sự cố... nên nhà ông rất an tâm ổn định cuộc sống.
Theo Ban Quản lý Dự án PRC, qua quá trình triển khai thực hiện Chương trình, Tiền Giang đúc kết được những kinh nghiệm quí, đó là cần đầu tư thời gian và kinh phí hoàn thiện biểu mẫu, ghi nhận và cải thiện hệ thống giám sát ở cơ sở; kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên, chú trọng yếu tố giới và đối tượng đặc biệt để đưa vào chương trình truyền thông... nhằm đưa chương trình truyền thông hành động thích ứng biến đổi khí hậu thực sự đi vào đời sống, mang lại những hiệu quả to lớn cho cộng đồng, trong nỗ lực chung tay thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai tại địa bàn ven biển tỉnh nhà.
Chương trình “Truyền thông giáo dục hành động ứng phó, giảm nhẹ và thích ứng với Biến đổi khí hậu” áp dụng phương pháp tuyên truyền, vận động cộng đồng đăng ký thực hiện và cải thiện các hành động giảm nhẹ, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai từ tháng 8/2013 - 12/2014, tại 10 xã thuộc 2 huyện Gò Công Tây và Tân Phú Đông (Tiền Giang).
Những hành động được hướng dẫn hộ dân thực hiện mang tính thiết thực, đơn giản, dễ làm, ít tốn kém, phù hợp điều kiện địa phương, trình độ và khả năng của hộ dân. Từ tháng 8/2013 đến nay, đã có trên 200 cuộc truyền thông cộng đồng thu hút trên 3.000 lượt người, mở 10 cuộc tập huấn quy tụ 200 tuyên truyền viên. Qua đó có trên 18.000 hành động thích ứng biến đổi khí hậu được các hộ đăng ký. Người dân đã thực hiện gần 13.000 hành động, trong đó phổ biến nhất là dự trữ nước uống trong mùa khô hạn và nhiễm mặn hàng năm, chằng chống nhà cửa khi mưa bão xảy ra...