Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Huyền Chip gây ”bão mạng” khi bàn về chuyện ăn thịt chó

(12:07:18 PM 16/04/2014)
(Tin Môi Trường) - "Ai yêu chó thì đó là việc của họ. Họ có thể không ăn thịt chó, nhưng họ không thể lên án những người ăn thịt chó được".

Mới đây, Huyền Chip vừa đăng tải trên trang cá nhân một bài viết liên quan đến thịt chó. Bài viết này lập tức gây bão trên mạng. Huyền Chip cho rằng việc ăn thịt chó cũng tương tự như người ta ăn thịt gà, thịt heo.



Ảnh minh họa



Cô kể lại phản ứng của người nước ngoài khi nghe tin người Việt ăn thịt chó. Có người thì sợ hãi, kẻ tò mò, kẻ lại thích thú. Và cô cho rằng: “Nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả”.

"Là người Việt Nam, khi đi chơi với bạn bè nước ngoài, tôi rất hay được hỏi câu: “Có phải người Việt Nam ăn chó thật không?”

Khi tôi khẳng định thông tin đó là chính xác, phản ứng của mọi người rất khác nhau: từ việc lẳng lặng ôm chó chạy thật xa ra khỏi tôi đến việc năn nỉ xin tôi bắt trộm chó người yêu cũ làm một bữa thịt cầy ăn thử. Nhưng có lẽ phổ biến nhất là ba loại phản ứng sau:

Phản ứng 1 (sợ hãi): “Eo ôi sao người Việt Nam thật là man rợ.”

Phản ứng 2 (tò mò): “Có phải người Việt Nam nghèo quá không có gì ăn mới phải ăn chó không?”

Phản ứng 3 (thích thú): “Hay thế. Hôm nào mình phải sang Việt Nam ăn thử mới được.”

Những người tôi thích nhất thường là những người có phản ứng rơi vào nhóm thứ 3.

Đó là những người nhận ra rằng văn hoá là khác biệt và họ luôn sẵn lòng thử những cái mới.

Những người có phản ứng rơi vào nhóm thứ 2 có thể không phải là những người cập nhật nhất về tình hình thế giới (họ cùng là những người đi du lịch sang châu Phi với ba lô đầy đồ ăn vì sợ ở châu Phi sẽ bị chết đói), nhưng ít nhất họ cũng cố gắng tìm hiểu lý do và cảm thông trước khi đánh giá.

Thái độ của tôi với những người thuộc nhóm đầu tiên phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của mình lúc đó. Nếu tôi đang rất vui, nhiều khả năng tôi sẽ giả vờ như không nghe không thấy họ. Nhưng nếu tôi đang chán vì không có việc gì để làm, tôi sẽ cao hứng lên cãi nhau với họ.

Tôi không có vấn đề gì với những người ăn chay hay những người không thích ăn thịt chó vì không thích vị của nó hay sợ béo, nhưng nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả. Cuộc tranh luận với những người này thường diễn ra như sau:

- Tại sao bạn ăn thịt gà mà lại không ăn thịt chó?

- Bởi vì gà không chịu đau nhiều khi ta giết nó.

- Hừ? Từ bao giờ chúng ta bắt đầu có đơn vị cân đo đong đếm cho đau đớn vậy? Vậy gà chịu đau bao nhiêu khi bị giết và chó chịu đau bao nhiêu khi bị giết? Nói như vậy, việc giết gà hay giết chó là bình thường nếu như ta cho chúng một liều thuốc tê trước khi giết để chúng không chịu đau đớn gì?

- Nhưng gà không thông minh như chó. Nó không biết nhiều như chó nên sẽ không cảm nhận được nhiều như vậy.

- Có nghĩa là nếu chúng ta giết một người trí óc không được phát triển thì tội chúng ta sẽ nhẹ hơn khi giết một người đầu óc bình thường?

- Nhưng chúng ta giữ chó ở nhà. Chó là bạn bè của chúng ta. Chúng ta không thể ăn bạn của chúng ta.

- Được rồi, em trai tôi có nuôi một con gà cưng. Nó yêu con gà đó lắm, nhưng nó không lên án ai về việc ăn gà cả. Ai yêu chó thì đó là việc của họ. Họ có thể không ăn thịt chó, nhưng họ không thể lên án những người ăn thịt chó được.

Những nền văn hoá khác nhau coi trọng những loài vật khác nhau. Người theo đạo Hindu coi trọng con bò và không ăn thịt bò. Người theo đạo Hindu không lên án người phương Tây ăn thịt bò ở trong các nước phương Tây thì cũng chẳng có lý do gì để người phương Tây lên án người Việt Nam ăn thịt chó ở Việt Nam cả. Ở Việt Nam, có thể quyền con người không quá được coi trọng nhưng quyền động vật luôn được thực thi nghiêm chỉnh.

Chúng ta tin rằng mọi động vật đều có quyền bình đẳng trước bàn nhậu. Chẹp, giờ mình nói như thể một tay đồ tể giết động vật không ghê tay ý nhỉ. Tôi không ăn thịt chó (bởi vì tôi không thích vị của nó), nhưng tôi không đánh giá người khác chỉ dựa trên việc người ta có ăn chó hay không.

Đồng ý với bạn rằng sẽ thật khó để hình dung ra cảnh những chú chó đáng yêu như thế bị mang ra dội nước sôi làm thịt. Tôi không thích việc những con chó bị giết. Tôi cũng không thích việc những con gà, con lợn hay thậm chí con tôm, con cá bị giết.

Khi tôi nhìn thấy cách người ta giết gà ở Ấn Độ, tôi đã quyết định rằng mình sẽ ăn chay.

Tôi bỏ cuộc sau đó một ngày. Con người là một loài động vật ăn tạp.

Chúng ta đã ăn thịt trong suốt 1,5 triệu năm qua, và chúng ta rất có thể sẽ tiếp tục ăn thịt cho đến tận khi loài người kết thúc.

Chân thành xin lỗi các chú chó, chú mèo, chú lợn, chú vịt, chú cá, chú tôm, chú tép,...".


Huyền Chip sau khi đưa ra những quan điểm của mình về việc ăn thịt chó đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều nhau.

Nickname Hoàng Hà chia sẻ: "Bài viết khiến mình cảm thấy bớt tội lỗi hơn vì mình hay sát sinh tôm, cá". Còn bạn Bình Minh thì cho rằng: "Thật ra cái đó chỉ là cảm giác thôi, vì con chó nó gần gũi với con người hơn nên khi ta giết nó mới có cảm giác như vậy".

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến phản đối bài viết của Huyền Chip.

Bạn Lê Minh bức xúc: "Chó là vật nuôi trung thành, ăn thịt chó chẳng khác nào tiếp tay cho bọn cẩu tặc". Đồng tình với ý kiến trên, một bạn chia sẻ: "Đi ở nước ngoài cho nhiều mà không phân biệt được sự khác nhau giữa WHAT và HOW. Tôi không phản đối việc ăn thịt chó, mà là phản đối cách ăn thịt chó: Một bộ phận người Việt đang ăn thịt chó quá nhiều và ăn chỉ vì thích, vì muốn, chứ không phải vì cần, vì thiếu. Tôi không ý kiến về việc ăn thịt chó, nhưng tôi có ý kiến về việc trộm bắt chó, nếu là nét văn hóa của người Việt thì phải nuôi dưới dạng chó thịt (như gà, vịt...), còn việc trộm bắt chó thì nhà nước xử nghiêm xem thử thì không ai phản ánh việc ăn hay không ăn".

Nickname Ray Lê phân tích: "Có một điều nên làm rõ là "ăn thịt chó" chưa bao giờ là "văn hóa" hay "phong tục" của người Việt cả. Cái khái niệm ăn thịt chó là văn hóa chỉ là một sự ngụy biện của những người ăn thịt chó nghĩ ra để tự biện minh cho bản thân mà thôi. Nếu ăn thịt chó thật sự là "văn hóa Việt Nam" thì có nghĩa là đại đa số người Việt đều ăn thịt chó. Ăn mỗi ngày, ăn vào các bữa cơm gia đình, vào các buỗi lễ. Đằng này chỉ có một số đông người có thói quen ăn thịt chó và đa phần là người miền Bắc, căn bản vì món này được truyền từ miền Bắc. Ngoài ra, cũng có 1 số đông người phản đối việc ăn thịt chó, thành ra nó chia thành 2 phe 50-50, thế thì cho hỏi cái thể loại "ăn thịt chó là văn hóa người Việt" ở đâu ra vậy? Đừng đem thịt heo, gà, bò ra so sánh. Biết vì sao không? Vì các loại thịt đó mới gọi là "văn hóa" thật đấy. Đẻ ra đã ăn, ăn từ trong bụng mẹ, ăn từ nhỏ đến lớn".

Bạn Ngo Ngoc Loat cho ý kiến: "Sao không ai đưa ra một cái nhìn tổng quát nhất nhỉ. Bản chất chung giữa Người ăn thịt (dù là chó, lợn, bò, gà …) và người Ăn chay là Loài người chúng ta đều phải ăn những loài khác để tồn tại. Đây là bản chất của chuỗi thức ăn, ai học sinh học đều biết. Một điểm đặc biệt là hầu hết các loài sẽ không ăn thịt đồng loại của mình (một số vẫn ăn ví dụ như loài nhện), dù có thể vẫn đánh giết lẫn nhau nhưng ăn thịt thì không.

Nếu các sinh vật bình đẳng như nhau thì tất cả chúng ta đều có tội cho dù bạn ăn Thịt hay ăn Chay dù bạn ăn thịt gà hay thịt chó, và đối với các sinh vật khác chúng ta đều dã man như nhau. Các sinh vật bậc cao có tội với sinh vật bậc thấp. Chỉ có thực vật và sinh vật đơn giản sử dụng chất vô cơ để tồn tại (ở đáy chuỗi thức ăn) là có vẻ vô tội.

Do vậy không nên đánh giá người khác ăn gì rồi quy kết con người họ. Vì về bản chất chúng ta là giống nhau.

Một nhóm người với những quan điểm khác biệt về ăn uống và với những lý luận có vẻ thuyết phục sẽ tạo ra một xu thế của xã hội và áp đặt xu hướng đó nên nhiều người. Nhưng nếu áp đặt quá đà thì họ đã quên mất bản chất sinh học thật sự của chính bản thân họ".

Duy Quân - ĐV (tổng hợp)