Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Người Việt ăn cắp lên truyền hình Nhật Bản

(08:34:35 AM 16/04/2014)
(Tin Môi Trường) - Hai người Việt bị cảnh sát bắt giữ vì nghi ăn cắp đã lên truyền hình Nhật Bản.

Ăn cắp lên ti vi

Nippon TV (Nhật Bản) vào hôm 12/4 đã đưa tin kèm đoạn video quay tại hiện trường cảnh 2 nghi phạm người Việt bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi ăn cắp mỹ phẩm tại một cửa hiệu ở tỉnh Kagawa.

Theo bản tin của Nippon TV, 2 nghi phạm nói trên (nam giới, 23 tuổi và 25 tuổi, trong đó nghi phạm 23 tuổi còn là một du học sinh) bị cảnh sát Nhật bắt khi đang cố gắng chạy trốn.




Truyền hình Nhật Bản đưa tin bắt giữ hai người Việt ăn cắp 



Hai nghi phạm này thuộc nhóm 5 người Việt Nam bị cảnh sát Nhật theo dõi từ tháng 12/2013 đến tháng 1 năm nay vì hành vi ăn trộm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng tại các nhà thuốc ở 2 thành phố Muragame và Mitoyo, tỉnh Kagawa.

Nippon TV ước tính số hàng hóa bị lấy cắp trị giá 188.000 yen Nhật, tức khoảng 39 triệu đồng.

Có thể nói, việc ăn cắp vặt không chỉ xảy ra với một vài người Việt, chỉ ở một vài nơi.

Tháng 6/2013, một bức ảnh chụp biển cảnh báo hành vi ăn cắp vặt có in tiếng Việt (dưới là dòng chữ dịch sang tiếng Nhật) gây xôn xao cộng đồng mạng.

Tấm biển cảnh cáo có nội dung: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức…”. Theo anh Đặng Công Trọng, một du học sinh Nhật, tác giả bức ảnh này, bức ảnh được chụp trong một siêu thị ở thành phố Saitama, Nhật Bản.

Đa phần cộng đồng mạng đều cho rằng tấm biển chủ yếu nhắm tới đối tượng là khách hàng Việt. Nhiều người cho rằng đây là điều đáng xấu hổ bởi nó là bằng chứng rõ ràng về thói ăn cắp vặt của người Việt ở Nhật Bản.

Theo anh Trọng, hành vi ăn cắp vặt của người Việt tại Nhật xảy ra phổ biến đến mức “Lên tàu nhiều khi thấy người Việt, người Nhật còn kéo khóa túi lại rồi ôm khư khư trước bụng”.

Tháng 12/2013, một nhóm gồm 4 thanh niên Việt khoảng 20 tuổi đã bị phát hiện ăn cắp hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm tại Tokyo. Hàng chủ yếu của các thương hiệu nổi tiếng như mỹ phẩm Shiseido, Uniqlo. Phần lớn hàng ăn cắp được chuyển đến nhà của một phụ nữ Việt khoảng 30 tuổi rồi chuyển đến một khách sạn gần sân bay Narita, nơi các thành viên đoàn bay ở. Chỉ tính riêng trong tháng 1 đầu năm nay, quận Fukuoka đã bắt 5 nhóm trộm cắp người Việt.

Không chỉ có tật ăn cắp vặt, thời gian gần đây dư luận còn đưa tin khá nhiều về cuộc sống của một số người Việt ở Nhật như thiếu trật tự, lộn xộn, trốn vé tàu…, thậm chí sống ngược lại với văn hóa Nhật, tạo nên những kỳ thị của người Nhật với người Việt Nam.

Khách Tây khiếp sợ thói xấu người Việt

Không chỉ chôm chỉa trên đất khách, hành nghề "hai ngón" từ lâu đã trở thành nỗi khiếp sợ đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.

Với rất nhiều chiêu trò, một nhóm trộm cắp làm trò nhảy múa để chôm đồ của khách nước ngoài vào ngày 5/2.

Phát hiện vợ chồng anh Natthachat Sanyaphan (SN 1970, quốc tịch Thái Lan) đang ngồi trước số nhà 30 Nguyễn Hữu Huân, có để túi xách đựng máy ảnh, nhóm trộm cắp tiến sát để "tác nghiệp". Bọn chúng đã nói chuyện và nhảy múa để thu hút sự chú ý của vợ chồng anh Natthachat Sanyaphan nhằm tạo sơ hở để 1 đối tượng lấy trộm chiếc túi xách và trốn thoát.

Cuối tháng 7/2012, một số trang mạng đưa tin về một cô gái người Scotland là nạn nhân của một vụ lấy trộm hộ chiếu ở phố cổ Hà Nội. Cô kể, chỉ vừa cầm hộ chiếu trên tay đã bị mất.

"Ai lấy hộ chiếu của tôi vui lòng trả lại hoặc chỉ cho tôi cách nào lấy được. Tôi sẽ đưa thật nhiều tiền” - cô gái vừa khóc vừa giơ cao tờ 100 đô la Mỹ.

Ngay sau đó, một phụ nữ khoảng 35 tuổi bước đến khều nhẹ cô gái ngoại quốc và chỉ tấm hộ chiếu ở trên nắp capo chiếc xe hơi đậu gần đó. Cô gái kiểm tra kĩ càng lại tấm hộ chiếu của mình rồi đưa cho người phụ nữ ấy một tờ 100 USD Mỹ. Câu chuyện về tấm hộ chiếu... 100 đô la Mỹ cho thấy thực trạng đáng báo động về tình hình trộm cắp móc túi người nước ngoài ở Việt Nam.

Nạn trộm cắp, móc túi phổ biến tới mức thay vì phải xóa sổ thì người ta đành bất lực chấp nhận sống chung với nó.

Tại Hà Nội, nạn móc túi, lấy trộm điện thoại đang gia tăng tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội như viện C, Xanh Pol, Bệnh viện Nhi TW... trong khi các Ban quản lý bệnh viện dường như chưa có biện pháp nào để chấm dứt.

Đâu đâu cũng thấy treo biển “Đề phòng kẻ gian lấy cắp”, “Đề phòng trộm cắp”. Thậm chí bệnh viện C còn cắt cử hẳn một nhân viên cứ vài phút lại dùng loa phóng thanh thông báo cho bệnh nhân cảnh giác nạn móc túi, giật dây chuyền, các thủ đoạn trộm cắp, móc túi, rạch giỏ của kẻ gian để bệnh nhân cảnh giác. Trộm cắp tại bệnh viện trở nên đáng báo động khi bọn chúng hoạt động ngày càng tinh vi, táo bạo.

Bất lực trước thực tế này, lãnh đạo các bệnh viện chỉ còn nước khuyến cáo sự cảnh giác của người dân chính là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.

Trong khi đó, người dân tại Sài Gòn than thở và cho rằng "Trộm cắp không phải là vấn nạn cá nhân mà đã trở thành vấn nạn xã hội". Hiện nay ở Sài Gòn nó giống như chuyện bình thường mỗi ngày.

Nữ tiếp viên hàng không buôn đồ ăn cắp bị cảnh sát Nhật bắt giữ

Nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của hãng hàng không Vietnam Airlines, người bị tình nghi vận chuyển hàng hóa ăn cắp về Việt Nam, đã được phía Nhật Bản phóng thích ngày 15/4.

Vụ việc khiến dư luận quan tâm gần đây nhất là nữ tiếp viên hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Nguyễn Bích Ngọc bị cảnh sát Tokyo bắt giữ vào ngày 26/3. Nữ tiếp viên này bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng ăn cắp, trị giá khoảng 25,7 triệu đồng và được cho là có ý định buôn lậu quần áo ăn cắp theo đặt hàng của một phụ nữ Việt 30 tuổi, sống ở Nhật.

Không chỉ riêng Nguyễn Bích Ngọc, cảnh sát Tokyo còn nghi ngờ khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines cũng tham gia vào đường dây buôn lậu này. Do vậy, họ đã kiểm tra văn phòng của Vietnam Airlines tại Tokyo.

Trước đó, năm 2009 một cơ phó của Vietnam Airlines từng bị trục xuất về nước cũng vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam. Tòa án quận Saitama đã tuyên phạt phi công Đặng Xuân Hợp 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là 4 năm, đồng thời tuyên phạt phi công này 500.000 yen Nhật.

Sự việc này một lần nữa làm dấy lên luồng ý kiến tranh cãi về thói xấu của người Việt tại nước ngoài. Nhiều người cho rằng, chính những hành vi đó đang làm xấu đi hình ảnh người Việt ở các nước bạn. Thậm chí ở nhiều quốc gia, người ta còn tỏ vẻ kỳ thị mỗi khi gặp người Việt.

Thái An - báo ĐV