Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Số pín dê nhiễm bẩn bị đề xuất tiêu hủy. Ảnh: T.C. |
Theo Chi cục Thú y TP HCM, số pín dê nhập từ Australia nêu trên đã được Cơ quan Thú y vùng VI cấp chứng nhận kiểm duyệt sản phẩm động vật nhập khẩu với mục đích sử dụng là kinh doanh dưới dạng thực phẩm tiêu thụ trong các nhà hàng, khách sạn quốc tế và tiềm thuốc bắc.
Đến giữa tháng 6, Đoàn Kiểm tra Liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm quận Tân Bình phát hiện trên thùng loại "thức ăn tăng cường sinh lực" này có dòng chữ tiếng Anh ghi "Not for Human" (Không dùng cho người) nên lấy mẫu kiểm tra. Kết quả cho thấy pín dê nhiễm khuẩn Salmonella, vi khuẩn hiếu khí và Ecoli.
Riêng dòng chữ "Không dùng cho người", doanh nghiệp cho biết tại Australia mặt hàng nội tạng động vật vốn không được sử dụng cho người, còn tại VN mặt hàng này vẫn được cơ quan thú y vùng, cho phép kinh doanh.
Chiều 13/7, không đề cập lại dòng cảnh báo "Not for Human", tuy nhiên căn cứ vào kết quả nhiễm vi sinh, Đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm quận Tân Bình, Sở Y tế và Chi cục Thú Y TP HCM thống nhất phương án buộc tiêu hủy số thực phẩm còn lại trong kho nói trên. Ngoài số pín dê, công ty ở Tân Bình còn nhập khẩu từ Australia khoảng 8 tấn thịt dê, số sản phẩm này cũng được đề xuất tiêu hủy do nhiễm khuẩn.
Theo đại diện Chi cục Thú y TP HCM, cơ quan này chỉ quản lý thịt nhập khẩu khi mặt hàng này đã được đưa ra thị trường. Việc cấp chứng nhận kiểm dịch là do Cơ quan thú y vùng VI (thuộc Cục Thú Y, có văn phòng tại TP HCM).
Những sản phẩm nhập khẩu mà Cơ quan Thú Y vùng 6 phát hiện có nhiễm vi sinh, sẽ được sử dụng phương pháp chiếu xạ để diệt khuẩn. Sau khi chiếu xạ, nếu sản phẩm này xét nghiệm lại không còn phát hiện nhiễm bẩn, mới được cho phép đưa ra thị trường.
Từ hiện tượng số pín và thịt dê nhập khẩu từ Australia đã được Cơ quan Thú y Vùng VI kiểm duyệt nhưng vẫn còn bị phát hiện nhiễm khuẩn, Cục Thú y cho biết sẽ xem lại quy trình kiểm duyệt nói chung đối với sản phẩm động vật nhập khẩu, kể cả phương pháp và quy trình chiếu xạ diệt khuẩn.
Ngoài số pín và thịt dê đang được đề xuất tiêu hủy, Chi cục Thú y TP HCM cho biết cũng đang lấy mẫu xét nghiệm một số lượng lớn pín dê nhập khẩu tại một công ty ở huyện Bình Chánh. Kết quả sẽ có trong vài ngày tới.
Trao đổi với PV về hiện tượng pín dê nhiễm bẩn, kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Sở Y tế TP HCM nêu quan điểm, để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đã nhiễm bẩn thì nên tiêu hủy. Việc chiếu xạ để diệt khuẩn rồi mang ra thị trường, theo ông Hòa cũng cần xem lại cho thật kỹ.