Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Công nhân bị bệnh điếc ngày càng cao

(17:53:29 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Cuộc khảo sát thực tế của một đề án nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh thực hiện cho thấy tình trạng công nhân bị bệnh điếc khi làm việc trong môi trường tiếng ồn cao ngày càng cao.

Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe&Môi trường Sở Khoa học&Công nghệ TP.Hồ Chí Minh thực hiện khảo sát độ ồn trong môi trường lao động của 900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, 700 doanh nghiệp thép cơ khí, 400 doanh nghiệp da giày và 400 doanh nghiệp in.

 

Kết quả cho thấy, cứ khoảng 4- 5 điểm đo thì có một điểm không đạt độ ồn cho phép. Trong đó, ngành nghề có độ ồn vượt tiêu chuẩn cho phép cao nhất là thép - cơ khí (chiếm gần 48 phần trăm), ngành in (gần 32 phần trăm), kế đến là ngành may và da giày.

 

Hầu hết những phân xưởng sản xuất có tiếng ồn vượt tiêu chuẩn cho phép đều không áp dụng các biện pháp chống ồn, chống lan truyền, giảm sự dội âm và giảm rung như lắp đặt miếng đệm, dựng những vách ngăn, lắp đặt vật liệu hấp thu âm thanh, vật liệu chống rung, dầu bôi trơn…

 

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các công nhân đã và đang phải làm việc liên tục, kéo dài trong một môi trường không đạt tiêu chuẩn về độ ồn cho phép.

 

Trung tâm Bảo vệ sức khỏe và Môi trường cũng đã tiến hành khám thính lực cho hơn 4.000 công nhân đang lao động tại các doanh nghiệp trên, kết quả có đến 1.200 công nhân bị giảm thính lực và 220 công nhân bị mắc bệnh điếc nghề nghiệp.

 

Như vậy cứ khoảng tám công nhân làm việc trong môi trường tiếng ồn cao của các ngành nghề đã được khảo sát nêu trên thì có một người điếc nghề nghiệp. Người lao động làm việc tại đây có thể phải chịu tiếng ồn lên đến 140dBA – mức có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến màng nhĩ.

 

Cuộc khảo sát của Sở Khoa học&Công nghệ TP.Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân lực lượng lao động trong các ngành có tiếng ồn cao là do hơn 95 phần trăm lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ “màng nhĩ” cho người trực tiếp làm việc tại nhà máy; chỉ có 23,9 phần trăm doanh nghiệp thường xuyên trang bị thiết bị bảo hộ lao động chống tiếng ồn cho công nhân như nút tai, mũ chụp tai, nắp che tai.

 

Doanh nghiệp cũng không đo thính lực trước khi tuyển dụng công nhân vào làm việc tại các phân xưởng có tiếng ồn cao.

 

Theo quy định về kiểm soát bệnh điếc nghề nghiệp tối thiểu phải được theo dõi sáu tháng/lần, nhưng thực tế nhiều công nhân làm việc lâu năm trong nhà máy nhưng chưa một lần đi khám và đo bệnh điếc.

 

Bản thân người lao động cũng không được khuyến khích tham gia vào việc lựa chọn phương tiện bảo vệ tai, không có thử nghiệm các phương tiện bảo vệ tai với nhiều chủng loại để đánh giá sự dung nạp với phương tiện bảo hộ chống tiếng ồn…

 

Tác hại từ ô nhiễm tiếng ồn tác động lên cơ thể, làm tổn thương tai trong không phục hồi được, thậm chí gây mệt mỏi, ù tai, chóng mặt, cao huyết áp ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động của công nhân.

 

Khi bị bệnh điếc do nghề nghiệp, nhiều bệnh nhân còn rắc rối khi mua và sử dụng máy trợ thính. Ngoài việc tốn tiền để mua sắm máy, nhiều người còn tiền mất tật mang khi sử dụng máy trợ thính không phù hợp với tình trạng bệnh tật hoặc máy hư do chất lượng kém.

 

Trên thị trường hiện có nhiều loại máy trợ thích và chất lượng thường là yếu tố may rủi khi khách hàng chọn sử dụng. Đại diện Công ty chuyên kinh doanh các loại máy trợ thính Cát Tường cho biết, ngoài các máy trợ thính nổi tiếng như Semen, phicom, Ricon Rionet …nhập khẩu từ Đức, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, trên thị trường có nhiều loại máy do Trung Quốc sản xuất và giá cả tùy thuộc vào nhãn hàng.

 

Tuy nhiên theo một bác sĩ thuộc bệnh viện Tai Mũi Họng TP.Hồ Chí Minh, hiện nay, ở nước ta chưa có một loại máy trợ thích chuẩn nào dành cho người Việt Nam, mặt khác cũng chưa có một trung tâm nào khám, đo, điều trị bệnh, tư vấn bệnh điếc nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp.

(Theo Trần Thế/Báo Công Thương)