Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần Thơ: Tìm giải pháp chống ngập khi mưa lớn và triều cường dâng cao

(13:50:23 PM 10/04/2014)
(Tin Môi Trường) - Những năm gần đây, tình trạng ngập lụt tại Cần Thơ tăng lên cả về độ ngập, thời gian ngập và mức độ thiệt hại do ngập úng. Thực trạng này đã gây nhiều trở ngại cho hoạt động kinh tế, xã hội đặt biệt là giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị của thành phố.

Ảnh tư liệu


Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết: Hàng năm vào mùa mưa, đặc biệt là từ tháng 7 đến tháng 11, nhiều khu vực ở thành phố Cần Thơ bị ngập úng, ngập triều với độ sâu phổ biến từ 0,3m - 1,5m. Riêng trên địa bàn quận Ninh Kiều hầu hết các phường của quận đều bị ngập úng từ tháng 7 đến tháng 11. Nhiều đường chính ở trung tâm thành phố như đại lộ Hòa Bình, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Ngô Quyền, Trần Văn Khéo, Xô Viết Nghệ Tĩnh... thường xuyên "biến thành sông" khi mưa lớn và lúc triều cường dâng cao.

Cùng với đó hàng trăm con hẻm ở trung tâm thành phố cũng chịu cảnh ngập kéo dài. Độ ngập phổ biến từ 30 - 40cm, kéo dài vài giờ, đặc biệt một số khu vực ngập 40 - 50cm như đường Lý Tự Trọng, đoạn chân cầu Quang Trung, đường Trần Văn Khéo...thời gian ngập kéo dài 3-4 giờ. Hầu hết các trận ngập sâu trên diện tích rộng xảy ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ và quận Ninh Kiều đều trùng với thời điểm lũ trên sông Hậu đạt đỉnh và triều cường lớn nhất tháng 4, 5, 6 hàng năm. Triều biển Đông là một trong những nguyên nhân chính gây ra ngập úng cho thành phố Cần Thơ, một chu kỳ triều trung bình 15 ngày trong đó có 1 kỳ triều cường và 1 kỳ triều kém. Thời kỳ triều cường thường xảy ra vào các ngày 1 và 15 các tháng 4, 5 và 6 Âm lịch khiến các tháng này Cần Thơ xuất hiện 2 lần ngập úng.

Theo ông Quỳnh, phương án chống ngập hiệu quả cho trung tâm quận Ninh Kiều là thành phố phải đầu tư các công trình kiểm soát nước lũ, triều...bằng hệ thống đê bao, các cống dưới đê, van ngăn triều, đồng thời kết hợp các trạm bơm để tiêu nước ra sông. Toàn bộ khu đô thị được phân thành 18 ô bảo vệ, với tổng diện tích được bảo vệ khoảng 48.000 ha bao lớn vùng trung tâm thành phố gồm quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ, một phần Ô Môn và huyện Phong Điền theo các sông rạch chính là sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Tắc Ông Thục và sông Ô Môn. Bên cạnh đó, tạo bề mặt thấm, vùng đệm, vùng đất ngập nước nhằm trữ nước mưa, gia tăng lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm, giảm sự hình thành dòng chảy mặt.

Riêng 5 điểm ngập nặng trên địa bàn quận Ninh Kiều là Trung tâm thương mại Cái Khế, đại lộ Hòa Bình, đường Hai Bà Trưng, đường Mậu Thân (từ cầu rạch Ngỗng 1 đến vòng xoay đường Nguyễn Văn Cừ) và tuyến Quốc lộ 91B (đoạn giao đường 3/2 qua Quốc lộ 91B), nguyên nhân gây ngập đều do 3 yếu tố là triều biển Đông, lũ thượng nguồn và mưa. Trong đó, triều biển Đông là nguyên nhân chính gây ra ngập úng cho 5 điểm trên. Các điểm này, hàng năm vào khoảng tháng 4-6, khi triều cường xuất hiện trùng với thời điểm lũ trên sông đạt đỉnh tất cả các điểm ngập đều bị ngập sâu. Do thủy triều, lũ, mưa là tác nhân khách quan, nên kiểm soát được ngập phải sử dụng các biện pháp công trình như cống ngăn triều, van ngăn triều, trạm bơm, đê bao...

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian tới thành phố sẽ giao UBND quận Ninh Kiều chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố triển khai các biện pháp chống ngập trên địa bàn quận. Đồng thời, thành phố sẽ sớm lập đề án chống ngập để tranh thủ các nguồn vốn của Chính phủ, nước ngoài. Bên cạnh đó, Cần Thơ sẽ đầu tư hệ thống đê bao chống ngập tạm thời từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau...

Thanh Sang - TTXVN