Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Duy trì dịch vụ hệ sinh thái Mũi Cà Mau trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(13:38:50 PM 10/04/2014)
(Tin Môi Trường) - Mũi Cà Mau là một sản phẩm vô giá của tự nhiên, có giá trị đa dạng sinh học cao, đóng vai trò lớn trong việc góp phần cân bằng nước, điều hòa khí hậu và hạn chế tác hại của thiên tai.

Ảnh tư liệu


Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, ở Việt Nam do địa hình thấp trũng nên Mũi Cà Mau thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tình trạng triều cường dâng cao trong mùa mưa lũ, nhưng thiếu nước ngọt nghiêm trọng do sự xâm nhập mặn vào mùa khô. Mặt khác, đời sống người dân ở vùng đất Mũi Cà Mau phụ thuộc vào tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng. Vấn đề đáng quan tâm nữa là việc người dân chặt phá cây rừng, khai thác thực vật và động vật theo cách hủy diệt nên cần có biện pháp tích cực hơn trong việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ cho rằng: Duy trì dịch vụ hệ sinh thái Mũi Cà Mau trong bối cảnh biến đổi khí hậu trước hết cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà quản lý địa phương, các nhà khoa học và người dân trong việc xác định các giải pháp ứng phó hữu hiệu. Trong đó, chi trả dịch vụ hệ sinh thái có thể được xem là một chiến lược tạo cơ chế tài chính cho bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân ở vùng rừng.

Từ thực tế trên, các ngành chức năng của tỉnh Cà Mau phối hợp với Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước khu vực phía Nam triển khai dự án "Xây dựng mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường đất ngập nước ven biển góp phần xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau". Đây là dự án do Tổ chức SIDA (Thụy Điển) tài trợ. Sinh kế của hộ dân gắn liền với bảo vệ rừng ngập mặn, phục hồi hệ sinh thái, sử dụng nước nuôi thủy sản và sử dụng đất trồng cây nông nghiệp.

Kể từ năm 2013, Ban Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thực hiện ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho 20 hộ dân. Sau hơn một năm thực hiện dự án này cho thấy, rừng ngập mặn ở khu vực giao khoán không bị chặt phá và đời sống của các hộ dân khá lên nhờ mô hình nuôi thủy sản. Cơ cấu sản xuất của 20 hộ dân được chọn tham gia dự án cũng là hiện trạng phổ biến của các hộ dân trong phân khu phục hồi sinh thái. Đó là nuôi tôm và nuôi cua trong vuông tôm dưới tán rừng ngập mặn theo phương thức quảng canh, dựa vào thiên nhiên là chủ yếu. Phương thức nuôi này phù hợp với yêu cầu bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ rừng ngập mặn của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, đồng thời cũng đáp ứng tiêu chí "sử dụng khôn khéo đất ngập nước" của Công ước Ramsar.

Hiện đời sống của hàng ngàn hộ dân ở Mũi Cà Mau vẫn khó khăn, chưa có việc làm ổn định cho nên nhiều hộ mưu sinh bằng cách lén lút chặt phá cây rừng để hầm than hoặc khai thác thực vật, động vật và các loài thủy sản tại khu Ramsar thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Do vậy, thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai mô hình lồng ghép các dịch vụ dựa vào cộng đồng cũng như mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng ngập mặn Mũi Cà Mau gắn với việc giải quyết sinh kế, ổn định đời sống người dân.

Kim Há-TTXVN