Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phải nói rằng Giờ Trái Đất là một trong những sự kiện môi trường lớn nhất năm, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp chính quyền - có cấp quốc gia đứng ra phát động, có cấp thành phố đến đọc diễn văn, lại có cả các cấp địa phương nhiệt tình tuyên truyền trên cả loa cố định và loa lưu động suốt buổi tối.
Tôi đã có mặt trong đêm sự kiện tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội hôm 29.3 vừa qua, nghe ông phó chủ tịch thành phố đọc diễn văn, xem múa hát, và xem clip về biến đổi khí hậu ở nước ta trên màn hình lớn. Nhưng khi tôi hỏi một vài tình nguyện viên có mặt tại đó về những gì họ biết về chương trình, họ chỉ đơn giản nói rằng đây là một chiến dịch bảo vệ môi trường, và tất nhiên, khuyên nhủ người ta nên tiết kiệm điện. Vẫn còn may vì họ là tình nguyện viên, chứ không đến mức “tôi chẳng biết gì hết, thấy đông đông vui vui thì đứng xem thôi” như một số người dân tụ tập đêm đó.
Thực ra, những người sáng lập ra Giờ Trái Đất kỳ vọng ở nó điều gì, nếu không phải là để tiết kiệm điện?
Câu trả lời là để giảm thiểu CO2, thủ phạm chính gây ra biến đổi khí hậu, và đồng thời cũng là loại khí sinh ra khi đốt than đá trong các nhà máy nhiệt điện.
“Bản thân những người tình nguyện viên đi tuyên truyền như mình còn chẳng nắm được gì, thì thử hỏi người dân xem họ có thay đổi được những hành động đã thành thói quen không?” - H.G, một tình nguyện viên Giờ Trái Đất 2013, bày tỏ sự thất vọng - “Năm ngoái mình tham gia chương trình, với hy vọng là sẽ có thêm được kiến thức gì đấy liên quan đến hành động bảo vệ môi trường, cơ mà hoạt động xong thì chẳng thấy được gì, chỉ thấy đây chỉ là một dịp để tụ tập gây tiếng vang thôi”.
Cùng hội cựu tình nguyện viên năm ngoái, K.T phàn nàn: “Chỉ là một hoạt động bề nổi đúng nghĩa. Là một tình nguyện viên nhưng thực sự mình cũng chẳng hiểu nó có ý nghĩa gì cả, chỉ thấy đông người thì hứng đi thôi”. Năm nay, cô sinh viên năm hai này cũng vẫn có mặt tại đêm sự kiện, nhưng với tư cách là một “dân chơi”, chứ không còn là một “dân tình nguyện” nữa.
Nổi tiếng và tai tiếng
Giờ Trái Đất là một sự kiện nổi tiếng, mà đã nổi tiếng thì không thể nào tránh khỏi những tai tiếng, mà điển hình là vụ đốt nến lung linh và vứt rác lung tung năm nào. Vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ, vào năm 2012, đêm sự kiện đã chuyển sang sử dụng đèn LED không dùng pin thay cho nến.
Năm nay, có thêm một tín hiệu mới đáng mừng là sự chủ động của các nhóm môi trường nhỏ với các khẩu hiệu “Tắt đèn, đừng thắp nến”, “Đừng biến Giờ Trái Đất thành Giờ Vứt Rác”… Tuy nhiên, ở khu vực Bờ Hồ, hàng quán vỉa hè vẫn thắp nến bình thường, soi sáng cho các bạn trẻ “trà chanh chém gió” trong tiếng sa sả của loa phát thanh kêu gọi hưởng ứng Giờ Trái Đất.
Không chỉ chuyện rác thải và chuyện CO2 từ nến, dư luận còn tấn công vấn đề CO2 từ khói xe của dân đi vui hội, chi phí ngày hội, và chi phí khởi động hệ thống phát điện.
“Tôi không ủng hộ Giờ Trái Đất” - bác Hưng (50 tuổi, thường trú quận Hoàng Mai, Hà Nội, cán bộ ngành kinh tế) thẳng thừng - “Điện không thể dự trữ được, sản xuất ra phải tiêu thụ ngay. Tiết kiệm phải là cả quá trình, chứ không phải dồn lại một thời điểm như thế. Không thể lấy lý do đầu tư cho tương lai mà gây lãng phí hiện tại”.
Còn Hoài Thanh, học sinh trường quốc tế Singapore, thì góp ý: “Mình nghĩ Giờ Trái Đất là một hoạt động có ích, tuy nhiên, phải xem lại quy mô tổ chức và cách thức tổ chức của nó để mang đúng tinh thần giúp cho Trái Đất xanh sạch hơn”. Thanh cũng đưa ra ví dụ về buổi giao lưu nhỏ của các nhóm nhạc sinh viên ở Trung tâm Thương mại Garden cùng thời điểm, tuy không dùng ngọn đèn hay nến nào, nhưng vẫn rất đông khán giả.
Ngược lại, Thùy Dương, sinh viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân, đưa ra nhận định: “Phong trào nào cũng thế, muốn khuấy động và gây sự chú ý thì phải chấp nhận đánh đổi cái gì đó thôi”.
Cần nhìn xa hơn những bóng đèn được tắt
Chúng ta thường cho rằng những hành động nhỏ sẽ mang lại giá trị lớn, nhưng hai giáo sư Kevin Anderson và Corinne Le Quere (Anh) lại không nghĩ như thế.
Trên tờ The Guardian (phát hành ngày 13.12.2013), họ đặt ra một câu hỏi vô cùng đơn giản: “Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những gì chúng ta làm để tránh mối nguy từ biến đổi khí hậu đều không thực chất?”.
"Chúng tôi đang tiến dần đến vấn đề cốt lõi của khí hậu là phát thải CO2, nghĩa là chuyển mũi hoạt động của mình về hướng nhiên liệu hóa thạch, cụ thể là than đá và các công trình nhiệt điện”, anh Nguyễn Khánh Toàn, phụ trách truyền thông của một phong trào toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Việt Nam, lý giải về việc không tiếp tục phát động chiến dịch Một Giờ Trái Đất khác biệt như hồi năm 2012.
Anh Toàn cũng nói thêm: “Không nên quá nặng lời với Giờ Trái Đất. Đúng là nó có những hạn chế riêng của mình, tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận rằng được ý tưởng này qua 5 năm diễn ra đã tạo dựng được một đội ngũ hùng hậu các thủ lĩnh khí hậu trên cả nước. Họ rất trẻ và đã được gieo vào đầu những hạt mầm đầu tiên về vấn đề khí hậu. Đó là điều rất đáng mừng. Tôi tin là hầu hết các thủ lĩnh khí hậu hiện thời, đều từ Giờ Trái Đất mà đi lên, hoặc trải qua Giờ Trái Đất mà trưởng thành”.
Rõ ràng, chúng ta cần phải có một cái nhìn công bằng đối với Giờ Trái Đất. Tuy nhiên, nếu Giờ Trái Đất nhắm tới mục tiêu gia tăng nhận thức về sự cần thiết phải hành động trước biến đổi khí hậu, có lẽ hiện nó đang đi sai đường và càng ngày càng sa lầy vào hô hào tiết kiệm điện.