Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phóng viên: Cuối tháng 3-2014, Hội Sếu quốc tế đã kiểm đếm sếu đầu đỏ đồng loạt tại Việt Nam và Campuchia. Mục đích của việc này là gì, thưa ông?
- TS Trần Triết: Hằng năm, vào cuối tháng 3, Hội Sếu quốc tế tổ chức đếm sếu đầu đỏ đồng loạt tại các điểm có loài chim này để kiểm kê số lượng. Qua 14 năm theo dõi quần thể sếu đầu đỏ, tôi nhận thấy số lượng sếu tại Việt Nam giảm dần trong 5 năm gần đây. Riêng năm nay, tỉ lệ sếu giảm đột biến, thấp nhất trong 14 năm qua.
Năm nay, phần lớn đàn sếu ở lại Campuchia chứ không về Việt Nam. Giáp với vùng Phú Mỹ (Kiên Giang) là khu vực bảo tồn sếu Anlung Pring, tỉnh Kampot - Campuchia, dù diện tích nhỏ hơn rất nhiều nhưng do không có xáo trộn từ con người gây ra nên sếu sinh sống rất đông.
Vậy nếu sếu không về Việt Nam là do con người?
- Đúng vậy! Các vùng đất ngập nước là nơi sinh sống của sếu đã bị thu hẹp diện tích hoặc bị xáo trộn vì các hoạt động kinh tế. Cụ thể, vùng Hà Tiên - Kiên Lương (Kiên Giang) mất đi phần diện tích đất ngập nước đáng kể do đào ao nuôi tôm, khai thác than bùn, canh tác lúa…, làm thu hẹp và xáo trộn sinh cảnh sống của sếu.
Khu vực Bình An, Hòn Chông (Kiên Giang) trước đây là vùng rừng phòng hộ với diện tích trên 3.000 ha, nay đã hoàn toàn bị xóa sổ, trở thành đất nuôi tôm.
Vùng Lung Lớn ở Kiên Lương trước đây là rừng phòng hộ hơn 5.000 ha, nay cũng bị chuyển đổi thành đất trồng lúa. Xung quanh Lung Lớn là khu vực sếu tập trung sinh sống, 2 năm nay đã trở thành nơi khai thác than bùn…
Vùng sinh sống của sếu tại đồng cỏ bàng Phú Mỹ thì bị xâm lấn để trồng lúa. Tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), một trong những nơi sống quan trọng nhất cho sếu ở ĐBSCL, việc quản lý hệ sinh thái tự nhiên 5 năm gần đây đã được cải thiện khá tốt nhưng sếu vẫn chưa quay lại nhiều.
Đồng cỏ bàng Phú Mỹ có dự án bảo tồn do Hội Sếu quốc tế phối hợp với địa phương thực hiện đã hơn 10 năm, tại sao vẫn lâm vào tình trạng bi đát như những nơi khác?
- Vùng đồng cỏ bàng Phú Mỹ đang bị nhiều hộ dân xâm chiếm đất để trồng lúa, nhiều người còn tìm mọi cách xua đuổi sếu. Ban quản lý dự án chỉ hỗ trợ về chuyên môn chứ không có thẩm quyền, chức năng xử lý.
Tháng 1-2014, Phú Mỹ được quy hoạch là khu bảo tồn, diện tích 1.200 ha. Tuy nhiên, quyết định cụ thể để thành lập khu bảo tồn lại tiến hành chậm chạp, trong khi việc xâm lấn đất đai xảy ra ngày càng nhanh. Tình trạng xâm lấn càng kéo dài thì nơi sống của sếu càng bị thu hẹp.
Phú Mỹ chỉ là một địa điểm có sếu trong toàn bộ khu vực Hà Tiên - Kiên Lương. Những nơi khác do không có cơ chế bảo vệ nào, việc mất nơi sống của sếu còn diễn ra nhanh hơn. Năm nào tôi cũng về các vùng này khảo sát, cứ năm sau thì lại thấy đất của sếu thu hẹp hơn năm trước. Năm nay thì gần như không còn gì nữa!
Phải giải quyết thế nào bài toán lợi ích giữa phát triển và bảo tồn bởi 1.200 ha đất để bảo tồn sếu cũng khá lớn, trong khi người dân vẫn cần đất canh tác?
- Sản xuất nông nghiệp luôn quan trọng nhưng bảo tồn đa dạng sinh học cũng quan trọng không kém. Việc bảo tồn thiên nhiên cần được tính toán trên cơ sở lợi ích cho toàn xã hội và lợi ích lâu dài cho nhiều thế hệ mai sau.
Sếu đầu đỏ là loài có giá trị cao trong bảo tồn đa dạng sinh học. Đây còn là loài chim quý có nhiều ý nghĩa đối với văn hóa - tâm linh của người Việt. Nếu sếu không về Việt Nam thì mất mát này là rất lớn.
Vết xe đổ Thái Lan
Kết quả đợt kiểm đếm sếu đầu đỏ vừa qua đã gây nhiều thất vọng cho những nhà bảo tồn và người yêu mến loài chim này: Đồng Tháp còn 21 con, Kiên Giang 19 con và Long An 4 con.
Theo TS Trần Triết, Thái Lan từng có sếu sinh sống nhưng chúng đã rời bỏ đất nước này hơn 40 năm nay vì môi trường sống bị tàn phá. Gần đây, chính phủ Thái Lan đã đầu tư một chương trình rất lớn để phục hồi lại đàn sếu trong tự nhiên.
“Hơn 15 năm chuẩn bị với nguồn kinh phí nhiều triệu USD, Thái Lan đã thả ra thiên nhiên 10 con sếu, sắp tới sẽ thả thêm một số con nữa. Về lâu dài, chưa ai dám khẳng định chương trình này sẽ thành công. Lẽ nào Việt Nam muốn đi theo con đường khó khăn như Thái Lan để bảo tồn sếu?” - TS Triết lo ngại.