Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Triển lãm về loài thằn lăn bay ở thành phố New York - Ảnh: IE
Với chủ đề "Thằn lằn bay: Phi đội Kỷ Khủng long", đây là triển lãm lớn nhất từng được tổ chức tại Mỹ về loài thằn lằn bay từng được biết đến từ lâu qua nhiều hình ảnh tưởng tượng nổi tiếng, đặc biệt là vai trò quan trọng trong bất cứ bộ phim khủng long nào. Đến với triển lãm, các khán giả sẽ có cơ hội trải nghiệm sự tương tác toàn diện khi được "điều khiển" loài sinh vật cổ đại này bay trong một không gian tiển sử thông qua một chương trình cảm biến tái tạo những di chuyển của cơ thể con người lên màn ảnh. Từ loài Nemicolopterus chỉ dài 25 cm cho đến loài Quetzalcoatlus khổng lồ dài 9m, triển lãm trưng bày vô số các loài thằn lằn bay thông qua các hóa thạch quý hiếm và các mô hình từ nay cho đến tháng 1/2015.
Giám đốc bảo tàng Ellen Futter cho biết bất chấp việc đã được dựng lên rất nhiều qua trí tưởng tượng của con người, thằn lằn bay là những loài sinh vật cổ đại lớn mà con người hiểu biết ít nhất trong số các loài thuộc Kỷ Khủng long.
Thằn lằn bay là loài động vật có xương sống đầu tiên có thể bay, đa dạng với hơn 150 loài khác nhau về kích thước từ bé như chim sẻ đến to bằng một chiếc máy bay hai chỗ ngồi. Cũng như các động vật bay khác, ban đầu, thằn lằn bay sống trên mặt đất nơi chúng di chuyển bằng cách bò. Về sau, chúng phát triển các chi trước dài với màng để thích nghi với việc bay khoảng hơn 200 triệu năm trước. Các cá thể cuối cùng của loài thằn lằn bay tồn tại khoảng 66 triệu năm trước.
Hóa thạch thằn lằn bay đầu tiên được tìm thấy là của loài Pterodactylus, nằm trong bộ sưu tập của một hoàng tử Đức thế kỷ 18, đã khiến giới khoa học kinh ngạc trong nhiều năm. Trong hơn 100 năm, các nhà cổ sinh vật học tập trung tìm kiếm loài sinh vật cổ đại này ở bang Bavaria của Đức, miền Nam nước Anh và nội địa nước Mỹ, song khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, họ phát hiện ra miền Đông Bắc Brazil và Đông Bắc Trung Quốc mới là thánh địa tìm kiếm, theo đó, các hóa thạch ở Brazil được bảo tồn ở dạng 3D còn Trung Quốc là một thiên đường của các giống loài.