Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kết thúc tốt đẹp hội nghị quốc tế trước thềm Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội sông Mê Công quốc tế

(08:27:13 AM 04/04/2014)
(Tin Môi Trường) - Ngày 03 tháng 4 năm 2014, Hội nghị Quốc tế với chủ đề “Hợp tác vì An ninh Nguồn nước, Năng lượng và Lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở các lưu vực sông xuyên biên giới" tại thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc tốt đẹp. Đây là sự kiện trước thềm Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (ngày 5 tháng 4 năm 2014). TMT giới thiệu toàn văn TCBC của hội nghị.

Kết thúc tốt đẹp hội nghị quốc tế trước thềm Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của Ủy hội sông Mê Công quốc tế- Ảnh:Tinmoitruong.vn

 

Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 đại biểu, bao gồm nhiều giám đốc điều hành, đại diện cấp cao của gần 20 tổ chức lưu vực sông quốc tế ở châu Á, châu Phi, châu Âu,  châu Mỹ, đại diện lãnh đạo của gần 20 tổ chức quốc tế và khu vực.  

 

Nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự sống, môi trường sinh thái và quá trình phát triển. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các hoạt động cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với các tác động tiêu cực có gắn kết mạnh mẽ tới nguồn tài nguyên nước và thông qua nước là an ninh lương thực và năng lượng.   

  

Các vấn đề liên quan đến nước là một chủ đề được thảo luận trong các chương trình nghị sự toàn cầu, trong đó có việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) tới năm 2015 và đề ra chương trình nghị sự cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) sau 2015 tại Liên hợp quốc, các diễn đàn khu vực và quốc tế. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, khoảng 40% dân số trên thế giới sinh sống trong các lưu vực sông liên quốc gia và con số này còn lớn hơn nếu tính cả những lưu vực liên tỉnh, liên địa phương. Phát triển và quản lý bền vững tài nguyên nước lưu vực sông cũng như lợi ích từ hợp tác thượng – hạ nguồn giữa các quốc gia hoặc các địa phương là hết sức quan trọng. 

  

Các Tổ chức lưu vực sông quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và quản lý nguồn tài nguyên nước chung và lợi ích từ sự hợp tác giữa các quốc gia thượng và hạ nguồn sông. Quản lý nguồn nước một cách sáng suốt là điều rất quan trọng cho thích ứng biến đổi khí hậu, không chỉ xây dựng và tăng cường khả năng chống chịu đối với tác động của nước biển dâng và sự biến động khắc nghiệt của khí hậu và là chìa khóa đối với sản xuất lương thực và năng lượng. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của một cách nhìn tổng hợp về an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực. Vấn đề càng đặc biệt quan trọng khi nguồn nước được chia sẻ để bảo đảm lợi ích đầy đủ của sự hợp tác.

 

Ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác xuyên quốc gia trong quản lý nguồn nước chung, Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) và các tổ chức lưu vực sông quốc tế cùng họp để trao đổi về các vấn đề nêu trên. Đây cũng là Hội nghị quốc tế lần thứ ba do Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức. Hội nghị đầu tiên được tổ chức trước thềm Hội nghị Cấp cao MRC lần thứ nhất tại Hủa Hỉn năm 2010, sau đó Hội nghị “Từ Mê Công đến Rio” năm 2012 và tiếp theo sẽ là Diễn đàn Mê Công vào năm 2016.

 

Trong hai ngày Hội nghị, ba chủ đề chính đã được tập trung thảo luận bao gồm:

 

Thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh xuyên biên giới trong đó nêu bật việc đã có những kết quả đáng kể với việc chia sẻ cởi mở và minh bạch về thông tin, tăng cường năng lực kỹ thuật, và đã có những hoạt động cụ thể để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đồi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đã có những cam kết cao và dài hạn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã hỗ trợ rất nhiều cho quá trình ra quyết định trong thích ứng với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như: quản lý và phòng chống lũ, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp, quản lý tổng hợp châu thổ

 

Phát triển bền vững và cách tiếp cận theo mối liên kết giữa nước – năng lượng – lương thực là cách tiếp cận tiên tiến, toàn diện để giúp giải quyết một cách đầy đủ, đa ngành, đa lĩnh vực các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Cách tiếp cận theo mối liên kết giữa nước- năng lượng - lương thực là hết sức quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 lấy nước là trọng tâm, đặc biệt là ở các lưu vực sông xuyên biên giới.

 

 Lợi ích của hợp tác theo cách tiếp cận theo mối liên kết nước – năng lượng – lương thực trong các lưu vực sông xuyên biên giới sẽ giúp biến thách thức thành cơ hội trong sử dụng và quản lý tài nguyên nước. Các hiệp định, thỏa thuận, các cơ chế, thể chế hợp tác; Ý chí, cam kết chính trị cần kết hợp với hợp tác kỹ thuật cùng với sự tham gia tích cực của các bên liên quan là hết sức cần thiết.

 

Đã có hơn 50 bài trình bày của các học giả, các chuyên gia, các nhà quản lý trong khu vực và trên thế giới về các chủ đề liên quan đến quản lý tài nguyên nước lưu vực sông như Mối liên kết giữa nước, năng lượng, lương thực; Vấn đề nước trong các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2015 và chương trình nghị sự sau 2015; Liên kết nước, năng lượng, lương thực ở các lưu vực sông xuyên biên giới; Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Quản lý rủi ro do biến đổi đổi khí hậu và các vấn đề trong đảm bảo an ninh nước, năng lượng, và lương thực trong bối cảnh xuyên biên giới; Tầm quan trọng của quản lý để thích ứng biến đổi khí hậu xuyên biên giới.

 

Bên cạnh các nội dung về thể chế, quản trị lưu vực sông trong bối cảnh liên kết nước – năng lượng – lương thực xuyên biên giới, Hội nghị đã dành thời gian chia sẻ và thảo luận các nội dung chuyên ngành như quản lý tổng hợp các nguồn phù sa bùn cát, sinh kế và môi trường, giao thông thủy hỗ trợ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đa dạng thủy sản hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng…. ở các lưu vực sông quốc tế bao gồm lưu vực Mê Công. Các nhà khoa học, nhà quản lý của Việt Nam cũng đã chia sẻ các nghiên cứu về các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề về nước biển dâng để đảm bảo về an ninh lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long; các chính sách phát triển thủy điện bền vững ở Việt Nam và các bài học kinh nghiệm.

 

Thủy sản là một trong những nội dung được quan tâm tại Hội nghị. Theo báo cáo của Chương trình Thủy sản, Ủy hội sông Mê Công quốc tế, thủy sản nước ngọt hạ lưu vực Mê Công là một trong những nguồn thủy sản nước ngọt lớn nhất thế giới, cung cấp an ninh lương thực cho hàng triệu người dân sống trong lưu vực. Khoảng 3.9 triệu tấn thủy sản được sản xuất ở Hạ lưu vực Mê Công, trong đó có 2.3 triệu là từ đánh bắt và phần còn lại là nuôi trồng. Giá trị kinh tế hàng năm ở Hạ lưu vực Mê Công do ngành thủy sản mang lại là khoảng 7 tỷ đô la Mỹ. Sử dụng và bảo tồn bền vững các nguồn thủy sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu do vậy hết sức cấp thiết.

 

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố khẳng định nước và quản lý tài nguyên nước là các yếu tố trụ cột và là động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế; nhấn mạnh các thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực ở các lưu vực sông quốc tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức đó.

 

Đây là những vấn đề mà lưu vực sông Mê Công và các lưu vực sông khác trên thế giới đang phải đối mặt và không thể giải quyết một cách riêng rẽ, độc lập bởi từng quốc gia, mà cần phải có sự hợp tác chặt chẽ cũng như cam kết chính trị cao nhất của tất cả quốc gia trong lưu vực. Các lưu vực sông quốc tế cần cân nhắc áp dụng cách tiếp cận mới về lồng ghép mối liên kết nước - năng lượng - lương thực trong quy hoạch phát triển và quản lý lưu vực với tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Cách tiếp cận này đóng vai trò hết sức quan trọng góp phần hoàn thành thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc cũng như xây dựng các mục tiêu liên quan đến tài nguyên nước của Chương trình Nghị sự toàn cầu sau năm 2015 về Phát triển Bền vững.

 

Kết quả và khuyến nghị chính trong hai ngày Hội nghị quốc tế sẽ được chuyển tới Hội đồng các Bộ trưởng của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế  ngày 4/4 để xem xét, báo cáo lên các nhà Lãnh đạo cấp cao tại Hội nghị Cấp cao của Ủy hội vào ngày 5/4/2014.

 

Các kết quả và thông điệp của Hội nghị cũng sẽ được chuyển tới Hội nghị lần thứ 21 (COP21) năm 2014 tại Paris để các bên tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu xem xét trong đàm phán tiếp theo về nội dung của Nghị định thư Kyoto.

 

Để phổ biến rộng rãi những kết quả của Hội nghị quốc tế lần này, một Xuất bản phẩm sẽ được phát hành tại Tuần lễ Nước Thế giới tại Stockholm, Thụy Điển, tháng 9/2014. Các tổ chức quốc tế-các nhà tài trợ sẽ chuyển tải kết quả hội nghị tới các bên liên quan toàn cầu.

TMT