Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hội nghị Quốc tế với chủ đề "Hợp tác vì An ninh Nguồn nước, Năng lượng và Lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở các lưu vực sông xuyên biên giới" đã được khai mạc tại thành phố Hồ Chí Minh sáng 2/4/2014 -Ảnh : tinmoitruong.vn
Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là các học giả, chuyên gia, các nhà quản lý trong khu vực và trên thế giới, giám đốc điều hành và đại diện cấp cao của khoảng 20 tổ chức lưu vực sông quốc tế như Danube, Sava (Châu Âu) Guarani, Orange Senqu, Senegal, Nin (Châu Phi) và hơn 20 các đối tác tài trợ quốc tế. Kết quả và khuyến nghị chính trong hai ngày hội nghị sẽ được chuyển tới Hội đồng các Bộ trưởng của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, sau đó sẽ báo cáo lên các nhà Lãnh đạo cấp cao tại Hội nghị Cấp cao của Ủy hội
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Thái Lai đã phát biểu chào mừng và cho biết thời điểm và các chủ đề của Hội nghị này là hết sức quan trọng, không chỉ đối với riêng lưu vực sông Mê Công mà còn đối với sự phát triển toàn cầu.Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực cũng là vấn đề sống còn đối với Việt Nam.
Theo Mạng lưới Cộng tác vì Nước toàn cầu, các vấn đề liên quan đến nước đang ngày càng trở nên quan trọng trong các chương trình nghị sự toàn cầu, được thảo luận tại Liên Hợp quốc và các diễn đàn quốc tế và khu vực.Trong thời gian từ năm 1990 đến 2010, hơn 2 tỷ người trên toàn cầu đã được tiếp cận với nước sạch. Dân số được tiếp cận với nước sạch đã tăng từ 76 lên đến 89% vào năm 2010. Tuy nhiên, tài nguyên nước toàn cầu đang trở nên ngày càng không bền vững. Các thảm họa liên quan đến nước (lũ lụt và hạn hán) đã đặt ra những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với phát triển kinh tế xã hội.
Trọng tâm thảo luận của Hội nghị là các thách thức chính ở các lưu vực sông quốc tế nói chung và lưu vực sông Mê Công nói riêng bao gồm: hợp tác giữa các quốc gia ven sông để đạt được để đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực khi dân số ngày càng tăng; khai thác hiệu quả các tiềm năng về năng lượng và sản xuất nông nghiệp; đối phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán gia tăng, sự thay đổi về nhiệt độ, số lượng và chất lượng nước. Việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước đóng góp tích cực vào việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ về tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ cho công tác quản lý và giảm thiểu rủi ro các thảm họa thiên tai liên quan đến nước.
Mối liên kết giữa nước, năng lượng, lương thực được nhấn mạnh ở hầu hết các bài trình bày và thảo luận như vấn đề nước trong các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2015 và chương trình nghị sự sau 2015; Liên kết nước, năng lượng, lương thực ở các lưu vực sông xuyên biên giới; Tầm quan trọng của quản lý để thích ứng biến đổi khí hậu xuyên biên giới. Các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm và các bài học rút ra từ phát triển và quản lý từ các lưu vực sông xuyên biên giới như Danube, Guarani, Orange Senqu, Senegal, Sava, Nin….
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã có những ảnh hưởng toàn cầu cùng với các tác động của quá trình phát triển kinh tế xã hội đối với tài nguyên nước từ phát triển kinh tế xã hội, các chính phủ đang ngày càng ý thức được về sự cần thiết phải hợp tác xuyên biên giới. An ninh nguồn nước do vậy là một vấn đề đòi hỏi phải có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa từ phía các nhà hoạch định chính sách, ra quyết định của cả lĩnh vực tư nhân.
Mối quan tâm này được thể hiện Tại Hội nghị, qua các nội dung khác thảo luận như Chiến lược Thích ứng Biến đổi Khí hậu có xem xét lồng ghép mối liên kết nước, năng lượng, lương thực ở lưu vực sông Danube; Xu thế hợp tác về nước xuyên biên giới để khắc phục tổn thương do biến đổi khí hậu tại lưu vực sông Orange Senqu; An ninh nguồn nước, năng lượng, lương thực của Trung quốc và các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công ven sông trong bối cảnh biến đổi khí hậu..; cũng đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội nghị.
“Tôi hoan nghênh nỗ lực của Hội nghị Cấp cao của Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong việc xem xét mối liên kết giữa nước, năng lượng, lương thực, và khí hậu trong dự báo về một chương trình nghị sự mới về phát triển bền vững toàn cầu, và tôi hy vọng kết quả của Hội nghị sẽ được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng quốc tế”, phát biểu của TS Ursula Schaefer – Preuss, Chủ tịch Mạng lưới Công tác vì Nước toàn cầu, tại phiên khai mạc của Hội nghị.