Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh: TL
• Sông Mê Kông bắt nguồn từ phía đông của cao nguyên Tây Tạng đến Đồng bằng sông Cửu Long, là con sông lớn thứ mười trên thế giới với tổng diện tích lưu vực 795.000 km2, là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo, phong phú và dồi dào có nhiều loài quý hiếm như cá tra khổng lồ sông Mê Kông, cá heo nước ngọt. Hiện có hơn 20.000 loại thực vật và hơn 850 loài cá ở lưu vực sông Mê Kông.
• Nền kinh tế hạ lưu sông Mê Kông đang có sự tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, 60 triệu người sống ở hạ lưu sông Mê Kông đang trải qua sự tăng trưởng dân số nhanh, tạo ra áp lực ngày càng tăng về tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất nông nghiệp, đô thị hóa, công nghiệp hóa, điện và sản xuất lương thực. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khu vực nhanh chóng, nhiều người vẫn còn sống trong điều kiện nghèo đói, ít được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường, thiếu cơ hội việc làm, thường không có đủ thực phẩm hoặc điện.
* Các vực nước sâu trong sông Mê Kông có thể đến 90 mét. Các vực nước sâu là sự hạ thấp tự nhiên trong lòng sông. Dọc theo sông Mê Kông và các sông nhánh, vực sâu là nơi ẩn náu mùa khô cho một số loài cá sông Mê Kông quan trọng và môi trường sinh sản của một số loài. Sự phân bố của vực sâu được cho là đã có một ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của ba hệ thống di cư riêng biệt về mặt địa lý trên sông Mê Kông.
• Thủy sản nội địa Hạ lưu vực sông Mê Kông là nghề cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Với sản lượng ước tính khoảng 3,9 triệu tấn mỗi năm và tổng giá trị 3,9 tỷ USD. Khoảng 40 triệu người đang tham gia trong lĩnh vực thủy sản. Thủy sản cung cấp từ 50-80 % protein động vật cho dân số của lưu vực, chiếm gần 12 % GDP của Campuchia và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế của đất nước hơn là sản xuất lúa gạo. Ở Lào, giá trị thủy sản tương đương với 7% GDP của đất nước. Thủy sản sông Mê Kông ở Thái Lan và Việt Nam cũng đóng góp hơn 750 triệu USD vào GDP của hai nước mỗi năm.
• Sông Mê Kông đã trở thành một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới về phát triển thủy điện. Hơn 3.235 MW công suất thủy điện đã được lắp đặt chủ yếu trên các hệ thống sông nhánh của lưu vực sông Mê Kông (LMB ) trong 20 năm qua.Tiềm năng đầy đủ của thủy điện của sông Mê Kông là 30.000 MW, hiện nay mới sử dụng khoảng 10%. Việc sử dụng năng lượng điện trong Lưu vực sông Mê Kông mới bằng 5% của các nước công nghiệp hóa trên thế giới. Các dự án với tổng công suất khoảng 3,209 MW đang được xây dựng trên các sông nhánh. 11 dự án thuỷ điện tiềm năng trên dòng chính Mê Kông nằm trên lãnh thổ Lào, biên giới Lào - Thái Lan và trên lãnh thổ Campuchia ở các giai đoạn nghiên cứu khác nhau của các nhà đầu tư theo các thỏa thuận đã ký kết với Các nước thành viên của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC).
• Vận tải đường sông trên dòng Mê Kông đã có từ hàng ngàn năm nay. Giao thông trên dòng chính và các dòng nhánh chính có thể diễn ra trong mùa nước lớn (khoảng tám tháng trong năm) trừ một đoạn khoảng 14 km phía bắc biên giới giữa Campuchia và Lào – khu vực Thác Khôn. Thương mại đường thủy nội địa dọc theo sông Mê Kông tiếp tục phát triển với khoảng 450.000 tấn hàng hóa vận chuyển hàng năm giữa Trung Quốc và Thái Lan. Ở ĐBSCL của Việt Nam, gần 70% hàng hóa như gạo, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng được vận chuyển bằng đường sông. Tại Lào, các tàu nhỏ hơn chủ yếu hoạt động để vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp và vật liệu xây dựng đến và đi từ khu vực mà chỉ có thể tiếp cận theo đường sông. Tầu thủy đường sông và tầu biển được vận hành từ cảng Phnom Penh ở Campuchia, cũng như ở Đồng bằng Cửu Long của Việt Nam.
• Khoảng 60% hạ lưu vực Mê Kông là vùng đất thấp nhiệt đới, có môi trường sống thủy sinh phong phú và đa dạng, thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Nông nghiệp thường là một trong những lựa chọn đầu tiên để nâng cao mức sống, cải thiện sinh kế và giảm thiểu đói nghèo. Đây là một trong những nguồn chính của thực phẩm và thu nhập cho khoảng 60 % người dân trong khu vực. Nông dân trong lưu vực sông Mê Kông sản xuất đủ gạo để nuôi 300 triệu người mỗi năm. Dự đoán nông nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu trung hạn của người dân trong khu vực. Hiện có hơn 12.500 công trình thủy lợi ở hạ lưu sông Mê Kông. Khoảng 10 % tổng diện tích nông nghiệp được tưới tiêu trong mùa khô. Đa dạng hóa các loại cây trồng là một chiến lược mang lại lợi ích cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại cây trồng có giá trị cao cần ít nước hơn lúa, do vậy, việc trồng các loại cây này có thể tăng hiệu suất sử dụng nước, có thể giúp đối phó với nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm và mở rộng nguồn thu nhập của nông dân. Các cánh đồng lúa cũng có thể giúp giảm thiểu lũ lụt, cải thiện nước ngầm, ổn định dòng chảy của sông, thu nạp và tái sử dụng nước tưới, chống xói mòn, và điều hòa tiểu khí hậu. Đa dạng hóa cũng có thể bao gồm sự kết hợp giữa nông nghiệp, thủy sản và chăn nuôi.
• Việc tăng nhiệt độ và lượng mưa hàng năm không dự đoán được tại các địa phương trong Lưu vực dẫn đến một số khu vực bị hạn hán và khu vực khác bị lũ lụt. Biến đổi khí hậu toàn cầu cũng tác động đến khu vực. Dự báo lượng mưa trung bình hàng năm tăng 200 mm. Nước biển dâng gây gia tăng xâm nhập mặn làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái và đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, một khu vực sản xuất lương thực chính của khu vực. Mực nước các đại dương trên thế giới đang tăng lên trung bình 3mm mỗi năm, đe dọa làm ngập khoảng một phần ba của ĐBSCL ở thế kỷ này, đe dọa tới năng suất nông nghiệp và có khả năng khiến hàng triệu người phải di dời. Lưu vực dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu bao gồm gia tăng nhiệt độ trung bình dự báo khoảng 0,8 độ C vào năm 2030, cũng như gia tăng lượng mưa hàng năm trong khu vực vào khoảng 200mm.