Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhân Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Kông lần thứ 2: Hợp tác phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường khu vực

(10:52:06 AM 02/04/2014)
(Tin Môi Trường) - Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) là khu vực địa lý bao gồm các quốc gia và lãnh thổ nằm trong lưu vực của sông Mê Kông là Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma và tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Đây là sự mở rộng của Tiểu vùng sông Mê Kông vốn không có các tỉnh của Trung Quốc. Từ năm 1992, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển Châu Á, các quốc gia và lãnh thổ nói trên đã cùng tiến hành các chương trình hợp tác về kinh tế, bảo vệ môi trường.

Nhân Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Kông lần thứ 2: Hợp tác phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường khu vực

Ảnh: TL


* Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng

Sáng kiến Hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khởi xướng năm 1992, nhằm đưa Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Các sáng kiến và hoạt động trong chương trình hợp tác tập trung vào 9 lĩnh vực chính bao gồm: Giao thông vận tải, Năng lượng, Môi trường, Du lịch, Bưu chính Viễn thông, Thương mại, Đầu tư, Phát triển Nguồn nhân lực, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

11 chương trình ưu tiên đã được xác định trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đó là các tuyến trục bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin liên lạc; hành lang kinh tế Bắc – Nam; hành lang kinh tế Đông – Tây; hành lang kinh tế phía Nam; các tuyến liên kết điện năng và thương mại điện năng trong khu vực; khung chiến lược môi trường; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư qua biên giới; tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và khả năng cạnh tranh; phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng; quản lý nguồn nước, phòng chống lũ và phát triển du lịch Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng.

Ngày 5/4/1995, Ủy hội sông Mê Kông được thành lập với 4 thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, với việc các nước thành viên đã ký kết “Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững sông Mê Kông”. Mục tiêu chính của Ủy hội sông Mê Kông là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững, vì lợi ích chung của các quốc gia thành viên và phúc lợi của người dân trong lưu vực. Trung Quốc và Mianma không gia nhập Ủy hội và chỉ tham gia với tư cách nước đối thoại.

Cho đến nay, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia thành viên, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên và mở rộng hợp tác với 2 nước thượng lưu là Trung Quốc, Mianma và nhiều đối tác quốc tế khác. Trong các khuôn khổ hợp tác về lưu vực sông Mê Kông, Ủy hội là tổ chức duy nhất có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông, cũng như thúc đẩy các dự án phát triển chung. Hoạt động của Ủy hội không những có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của khu vực, mà còn góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.

Từ ngày 4 -5/4/2010, Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất của Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế đã diễn ra tại Hua Hin (Thái Lan), với sự tham dự của Thủ tướng 4 nước thành viên Uỷ hội, Bộ trưởng Ngoại giao Mianma và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh lưu vực sông Mê Công đang đứng trước những thách thức to lớn, như tình hình hạn hán nghiêm trọng, mối quan ngại ngày càng tăng trong lưu vực về tác động của các công trình thuỷ điện dòng chính, hậu quả biến đổi khí hậu… Yêu cầu tăng cường hợp tác sử dụng, phát triển bền vững, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên khác trong lưu vực sông Mê Kông trở nên cực kỳ cấp bách. Các nước nhất trí cần phải tăng cường các nỗ lực điều phối trong lưu vực, để giúp các quốc gia ven sông chuẩn bị chiến lược và kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.

* Thực hiện Chương trình trọng điểm

Năm 2005, Chính phủ các nước trong Tiểu vùng đã đưa ra Chương trình trọng điểm về Môi trường và Sáng kiến bảo tồn hành lang đa dạng sinh học (CEP-BCI). Ngân hàng Phát triển Châu Á là cơ quan chủ quản, Bộ Tài nguyên và Môi trường của 6 quốc gia là cơ quan giám sát Chương trình này, nhằm đạt được “Chương trình Tiểu vùng sông Mê Kông thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Trong giai đoạn thử nghiệm (2006-2011), Chương trình trọng điểm đã cải thiện đáng kể công tác quản lý môi trường trong Tiểu vùng, bằng cách tăng cường các quy trình lập kế hoạch, hỗ trợ phát triển sinh kế và đa dạng sinh học tại những vùng cảnh quan bảo tồn trọng điểm; cải thiện hệ thống giám sát môi trường cấp quốc gia. Để ghi nhận những thành tựu của Chương trình và tiếp tục những hoạt động có liên quan, năm 2011, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Chính phủ Phần Lan, Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế Thụy Điển, Quỹ phát triển Bắc Âu đã tài trợ 28,4 triệu USD thực hiện Chương trình trọng điểm Giai đoạn 2 (2012-2016).

Chương trình trọng điểm về Môi trường và Sáng kiến bảo tồn hành lang đa dạng sinh học, đã và đang góp phần quan trọng củng cố lòng tin và sự cộng tác giữa các Bộ quản lý môi trường thuộc các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Kông. Đồng thời cải thiện sự hợp tác giữa các ngành kinh tế then chốt; tăng cường năng lực lập quy hoạch cho các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, thông qua việc tiến hành đánh giá chiến lược về môi trường, cải thiện công tác phát triển năng lượng, du lịch và sử dụng đất trên từng quốc gia.

Đặc biệt, Chương trình trọng điểm đưa ra 7 khu thử nghiệm hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, với hơn 1 triệu ha hiện đang được quản lý dưới mô hình phát triển bền vững, hơn 28.000 hộ gia đình được hưởng lợi từ những sáng kiến sinh kế. Thành công của các cuộc thử nghiệm trực tiếp dẫn đến việc Ngân hàng Phát triển Châu Á cung cấp khoản vay và tài trợ 69 triệu USD cho Campuchia, Lào và Việt Nam, để mở rộng hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện và nâng cao năng lực và cơ chế giám sát các xu thế và hoạt động môi trường.

Văn Hào -TTXVN